"Bắc Kinh khao khát quyền bá chủ Biển Đông, sẵn sàng chà đạp nước khác"

12/09/2015 06:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Một số phương diện của quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn đang "phát triển từ từ" càng khiến Trung Quốc tin rằng họ có thể "tiếp tục bắt nạt Việt Nam".

Alexander Benard - Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Schulze toàn cầu và Paul J. Leaf - luật sư từ một công ty luật quốc tế ngày 11/9 bình luận trên The Natinonal Interest cho rằng, Hoa Kỳ và Việt Nam cần khẩn trương làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương do những diễn biến căng thẳng và sự leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc ngày càng bành trướng trên Biển Đông dưới thời ông Tập Cận Bình. Ảnh: Ibtimes.
Trung Quốc ngày càng bành trướng trên Biển Đông dưới thời ông Tập Cận Bình. Ảnh: Ibtimes.

"Trung Quốc tin là họ có thể tiếp tục bắt nạt Việt Nam" 

Hai tác giả cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã được tăng cường trong vài năm qua phần lớn là do hai bên có chung mối quan tâm với sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng một số phương diện của quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn đang "phát triển từ từ" càng khiến Trung Quốc tin rằng họ có thể "tiếp tục bắt nạt Việt Nam", một phần trong chiến dịch chiếm quyền kiểm soát khu vực mà không dẫn đến phản ứng quá mạnh.

Benard và Leaf cho rằng gần đây Trung Quốc đã hạ đặt một giàn khoan "trong vùng biển (có chồng lấn với) Việt Nam (mà hai bên chưa phân định ngoài cửa vịnh Bắc Bộ). Tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ kéo dài hoạt động của giàn khoan này thêm 2 tháng. Tác giả gọi hành động này là khiêu khích mới nhất, cùng với tuyên bố của ông Tập Cận Bình hôm 3/9 rằng sẽ phát triển mạnh hải - không quân có thể thúc đẩy Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường hơn nữa một số lĩnh vực quan trọng trong quan hệ đang phát triển.

Tháng 5 năm 2014, chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Barak Obama kết thúc chuyến công du châu Á để trấn an các đồng minh của Mỹ thì Bắc Kinh đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ giàn khoan 981, hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam được quốc tế công nhận, Benard và Leaf lưu ý. Hơn hai tháng căng thẳng leo thang, cuối cùng Trung Quốc cũng rút lui nhưng vẫn cảnh báo rằng "sẽ quay lại".

Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981, Hoa Kỳ gọi hành động của Trung Quốc là "khiêu khích", nhưng tránh các hành động can thiệp, xử phạt, từ chối hòa giải cuộc xung đột này và không điều động lực lượng quân sự đến khu vực. 2 tác giả cho rằng: "Thấy Hoa Kỳ ngãng ra và nhận ra ưu thế của hải quân Trung Quốc, Việt Nam đã hạ nhiệt tranh chấp với đối tác thương mại lớn nhất dán mác 'anh em - đồng chí'. Trung Quốc đã báo hiệu rằng đối thủ của họ (Việt Nam) nên chấp nhận sự gia tăng (bành trướng) không thể lay chuyển của nó".

Cần phải lưu ý, trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 Việt Nam là nạn nhân, Việt Nam không muốn gây sự nhưng quyết không để Trung Quốc ức hiếp. Bắc Kinh chấp nhận rút giàn khoan để hạ nhiệt căng thẳng, Việt Nam cũng không muốn leo thang làm phức tạp tình hình. Nhưng mục đích dọa nạt của Bắc Kinh đã không đạt được, bởi người Việt Nam không những không khuất phục trước cường quyền mà còn bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp của mình - PV.

Cảnh sát biển Việt Nam phải đương đầu với lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hung hãn và đông hơn nhiều, nhưng kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trước sự xâm hại của Trung Quốc trong khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái.
Cảnh sát biển Việt Nam phải đương đầu với lực lượng Hải cảnh Trung Quốc hung hãn và đông hơn nhiều, nhưng kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trước sự xâm hại của Trung Quốc trong khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái.

Benard và Leaf bình luận, để nhấn mạnh thông điệp dọa nạt này đối với Việt Nam, tháng 6 vừa qua, chỉ vài tuần trước khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, Trung Quốc lại kéo giàn khoan ra vùng biển chồng lấn với Việt Nam ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa được phân giới để thăm dò tài nguyên. Bắc Kinh còn ngang nhiên tuyên bố vùng cấm tàu thuyền hoạt động bán kính 2000 mét xung quanh giàn khoan (bất chấp luật pháp quốc tế trong khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 chỉ cho phép vùng an toàn có bán kính tối đa 500 mét với các công trình nhân tạo trên biển - PV).

Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông rất đáng báo động

Hai tác giả cho rằng hành động vừa rồi của Trung Quốc ở Biển Đông là rất đáng báo động, vì nó được xem như một phần của mô hình "xâm lược liên tục" sau khủng hoảng giàn khoan 981. Mùa hè này Bắc Kinh công khai hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp quy mô lớn chưa từng có ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV). Tiếp theo Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Tuần trước Trung - Nga tập trận hải quân chung ở biển Nhật Bản, Bắc Kinh phô trương các loại vũ khí hiện đại trong duyệt binh 3/9 và thông báo tập trung nguồn lực phát triển hải - không quân. Đặc biệt là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc phái chiến hạm lởn vởn ngoài khơi bờ biển Alaska trong phạm vi 12 hải lý đúng lúc Tổng thống Obama có chuyến công cán gần đó.

Nhận thức được sự bành trướng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những bước khiêm tốn để tăng cường mối quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tăng cường các chuyến thăm cấp cao và tập trận chung, Hoa Kỳ cung cấp 18 triệu USD hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam mua sắm tàu tuần tra, Mỹ nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Cả hai nước đều muốn làm nhiều hơn, nhưng cả hai đều chưa thực sự thúc đẩy quan hệ với cảm giác cấp bách. Chính quyền Tổng thống Obama không muốn khiêu khích Bắc Kinh và đã được chứng minh bằng "phản ứng câm lặng" trong vụ giàn khoan 981, thất bại trong việc thực hiện cam kết qua lại 12 hải lý vùng biển, vùng trời quốc tế xung quanh 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa.

Hơn nữa còn nhiều người đặt câu hỏi về sự sẵn sàng của Hoa Kỳ về việc đứng lên chống sự bành trướng của Bắc Kinh, bởi lẽ Washington đang bị sa lầy trong các điểm nóng khác trên thế giới, đúng lúc chi tiêu quân sự đang phải cắt giảm dần. Benard và Leaf cho rằng, hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc là một cơ hội khôi phục những động lực này.

Trung Quốc đang ngày càng chứng minh cho Việt Nam thấy rằng Bắc Kinh khao khát quyền bá chủ trong khu vực như thế nào, và họ sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào không "tuân theo" Trung Quốc. Đây là một lập luận mạnh mẽ cho những ai muốn tìm kiếm một mối quan hệ Mỹ - Việt sâu sắc hơn.

Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần 2: "Obama nên nói với Tập Cận Bình việc Trung Quốc chèn ép Việt Nam"

Hồng Thủy