Bãi rác Dốc Búng có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người Hà Nội?

09/12/2014 18:40
Ngọc Quang
(GDVN) - Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex - ông Nguyễn Văn Tốn không dám khẳng định, bãi rác Bốc Búng (TP Hòa Bình) có ảnh hưởng đến nước sông Đà hay không.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay, đại diện Công ty CP nước sạch Vinaconex cho biết, bãi rác Dốc Búng (TP Hòa Bình) đã tồn tại hơn 10 năm nay. Khi phát hiện bãi rác, công ty đã làm việc với tỉnh Hòa Bình để di chuyển bãi rác và làm việc với thành phố để thải nước ra khu vực khác.

Ông Nguyễn Văn Tốn – Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex chấn an dư luận rằng, bãi rác cách điểm lấy nước của công ty 15km và nằm ở phía bờ bên kia sông Đà, vì vậy với lượng nước thải ước tính 6-10 khối/ngày chảy ra từ bãi rác chưa đủ để làm ảnh hưởng tới nguồn nước, vì bề mặt sông rộng khoảng 1km và nước chảy siết, không đủ hòa tan sang phía cống hút nước của công ty.

Điều đáng nói là tỉnh Hòa Bình đã chi tới 20 tỷ để làm bãi rác mới cách đây nhiều năm, nhưng lại để không, mà theo ông Nguyễn Văn Tốn thì do người dân ở khu vực bãi rác mới không đồng tình nên không thể hủy bãi rác Dốc Búng để chuyển về chỗ mới.

UBND tỉnh Hòa Bình phải báo cáo Thủ tướng về vụ việc bãi rác Dốc Búng trước 30/12.
UBND tỉnh Hòa Bình phải báo cáo Thủ tướng về vụ việc bãi rác Dốc Búng trước 30/12.

Cũng theo ông Tốn thì bản xét nghiệm mới nhất ngày 19/11/2014 vẫn cho thấy kết quả nguồn nước cấp về Hà Nội an toàn tuyệt đối. 

"Bãi rác có ảnh hưởng không thì công ty không dám khẳng định, nhưng nước của nhà máy cấp cho Thủ đô hoàn toàn đủ chất lượng theo kiểm định của Bộ Y tế", ông Tốn nói.

Theo ông Tốn, sau khi hút nước lên bể chứa khoảng 4 triệu m3, thời gian để lắng tại đây là hơn 1 tháng, quá trình đó cũng sẽ có tác động loại bỏ các tạp chất trong nước.

Tuy nhiên, thông tin của vị Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex vẫn chưa thực sự khiến người dân hoàn toàn yên tâm, bởi hai lý do: Thứ nhất, bãi rác chỉ cách bờ sông Đà chừng hơn 20m, toàn bộ nước thải chảy thẳng xuống sông chứ không phải chỉ thẩm thấu xuống lòng đất. Vào mùa mưa, lượng nước thải đổ xuống sông rất lớn, vì vậy không ai dám khẳng định nước sông Đà bị ô nhiễm tới mức độ nào (chính vị Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex cũng bỏ ngỏ điều này); Thứ hai là khi đổ rác ra bãi Bốc Búng, cán bộ môi trường phải phun thuốc khử mùi hôi của rác và phun thuốc diệt côn trùng. Những loại thuốc này có độc hại không, và nếu độc hại thì khi lây lan xuống nguồn nước có gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân Thủ đô không?

Cách đây ít ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện kiểm tra và có biện pháp giải quyết triệt để việc bãi rác gây ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/12/2014.

Năm 2013, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hòa Bình đã phân tích mẫu nước ngầm, kết quả cho thấy: Hàm lượng Coliform (hàm lượng vi sinh) vượt 383 lần, tăng 379 lần, BOD5 vượt 43,9 lần, tăng xấp xỉ 25 lần, lượng COD (hàm lượng ô nhiễm hữu cơ) vượt 41 lần, tăng 18 lần so với năm 2011. Hàm lượng vi khuẩn vượt hàng chục, hàng trăm lần cho phép từ nước rỉ rác, khi hòa vào dòng nước sông Đà sẽ không chỉ tàn phá môi trường nước mà nguy hiểm hơn nữa nó sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân đang sống tại Thủ đô Hà Nội, bởi cách đó không xa là cửa cống lấy nước của nhà máy nước sinh hoạt phục vụ cho toàn bộ người dân Hà Nội.

Ngọc Quang