Báo Anh: Bộ máy Liên Hợp Quốc cồng kềnh, thiếu dân chủ và tốn kém

09/09/2015 14:30
Nguyễn Hường
(GDVN) - Liên Hợp Quốc đã cứu hàng triệu sinh mạng và thúc đẩy sức khỏe và giáo dục trên toàn thế giới, nhưng hiện quá cồng kềnh, không dân chủ và rất tốn kém.

Nhận định trên được Chris McGreal đưa ra trong một bài viết gần đây do Guardian đăng tải hôm 7/9 trong nỗ lực giúp tổ chức này tìm cách khắc phục những điểm không hoàn hảo cũng như cách đấu tranh để lấy lại vai trò của nó trong thế kỷ 21.

Các chuyên gia cho rằng Liên Hợp Quốc hiện nay quá cồng kềnh, kém hiệu quả và phi dân chủ, và bị thống trị bởi những quốc gia giàu có. Ảnh Guardian.
 Các chuyên gia cho rằng Liên Hợp Quốc hiện nay quá cồng kềnh, kém hiệu quả và phi dân chủ, và bị thống trị bởi những quốc gia giàu có. Ảnh Guardian.

Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 1954 với mục tiêu chính như lời Tổng thư ký thứ 3 Dag Hammarskjöld từng nói: Liên Hợp Quốc "được tạo ra không phải để dẫn dắt nhân loại đến thiên đường mà để cứu nhân loại khỏi địa ngục".

Kể từ đó, không nghi ngờ gì về việc Liên Hợp Quốc đã giúp hàng triệu người thoát khỏi các địa ngục khác nhau: từ sâu thẳm của đói nghèo đến bệnh tật, chiến tranh.

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giáo dục cho hàng triệu người, bao gồm cả Tổng thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon. Các chương trình phát triển của liên Hợp Quốc đã đóng góp rất nhiều trong việc giúp đỡ các nước mới được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân có quyền tự trị.

Trong 70 năm tồn tại, Liên Hợp Quốc có thể được ca ngợi là niềm hy vọng lớn cho tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng gần đây trên thế giới, đặc biệt là ở Syria lại chỉ ra rất nhiều nhược điểm lớn của tổ chức này. Bộ máy của Liên Hợp Quốc ngày càng cồng kềnh với 17 cơ quan chuyên môn, 14 quỹ và 17 phòng ban sử dụng hơn 41.000 nhân viên.

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Bộ máy này hiện đòi hỏi mức chi tiêu rất lớn, gấp 40 lần so với những năm đầu thành lập. Ngân sách hoạt độngchính của Liên Hợp Quốc được thông qua hai năm một lần và được dùng để trả cho các chi phí điều hành của tổ chức, là 5,4 tỷ USD. 

Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi tiêu của Liên Hợp Quốc. Hàng năm, Liên Hợp Quốc còn tốn 9 tỷ USD để duy trì cho 120.000 thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình, triển khai chủ yếu ở châu Phi. Một số nhiệm vụ đã kéo dài hơn một thập kỷ.

Các chi phí khác của Liên Hợp Quốc như hỗ trợ thiên tai, hỗ trợ phát triển và duy trì hoạt động của Unicef... lấy từ sự đóng góp tự nguyện của các chính phủ và cá nhân. Ngân sách này đã tăng gấp 6 lần trong 25 năm qua lên 28,8 tỷ USD. Tuy nhiên, một số cơ quan của Liên Hợp Quốc vẫn đối mặt với nguy cơ phá sản vì thiếu kinh phí.

Gareth Evans, cựu Ngoại trưởng Úc và là một nhà phê bình mạnh mẽ, đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy cải cách ở Liên Hợp Quốc cho biết, trong nhiều năm qua ông đã thúc đẩy các kêu gọi yêu cầu cải cách Liên Hợp Quốc nhưng đều không thành công.

Valerie Amos, cựu Bộ trưởng Phát triển quốc tế của Anh, đã mô tả Liên Hợp Quốc như một đồng minh có giá trị trong việc cung cấp viện trợ của Anh, nhưng cũng than thở về sự hoạt động không hiệu quả của nó. Theo ông, nhiều nhà ngoại giao đã bày tỏ quan tâm về việc Liên Hợp Quốc trở nên ngày càng quan liêu và chậm chạp trong cách xử lý các vấn đề. 

Helen Clark, người đứng đầu của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) và là một phụ nữ quyền lực nhất tại Liên Hợp Quốc, cũng đã bày tỏ sự thất vọng về tính quan liêu của Liên Hợp Quốc chỉ sau thời gian ngắn nhận việc. Hiện bà Clark đang thúc đẩy các chương trình cải cách UNDP và được giới phê bình đánh giá khá cao. 

Shearer, người đứng đầu Save the Children tại Somalia, Rwanda và Sri Lanka trước khi gia nhập Liên Hợp Quốc, tổ chức này đang đánh mất dần những giá trị "trang trọng" của nó.  Liên Hợp Quốc ngày càng trở nên quan liêu hơn vì đã không thay đổi trong nhiều năm.

Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc, Asoke Kumar Mukerji, cho rằng Liên Hợp Quốc bị chi phối bởi các nền kinh tế công nghiệp hóa bởi họ là những người đóng góp lớn nhất cho ngân sách của tổ chức này và đại diện của họ rải rất nhiều trong ban thư ký và các vị trí của tổ chức. Điều đó khiến Liên Hợp Quốc trở nên không công bằng. 

Nhiều quan chức và các nhà ngoại giao cũng đã than vãn về việc Liên Hợp Quốc thiếu một lãnh đạo quyết đoán khiến các thành viên giàu có trong tổ chức này lấn lướt. 

Những người ủng hộ cải cách Liên Hợp Quốc cùng nhất trí quan điểm rằng, để duy trì sự tồn tại và phát triển, tổ chức này cần phải có những bước đi mạnh mẽ và thay đổi cần thiết để trở thành một tổ chức linh hoạt, công bằng và hiệu quả hơn. 

Nguyễn Hường