Báo Mỹ liệt kê 5 loại vũ khí đáng chú ý nhất của Trung Quốc

08/09/2014 13:52
Bình Nguyên
(GDVN) - Trong 5 hệ thống vũ khí được báo của Mỹ liệt kê đáng chú ý nhất là phương tiện phóng siêu thanh có ký hiệu là WU-14.

Tờ Lợi ích Quốc gia/ National Interest tại thủ đô Washington gần đây có báo cáo đề cập đến 5 loại vũ khí đáng chú ý, có khả năng nhất của Trung Quốc cũng như coi chúng là những mối đe dọa với quân đội Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với các nước này.

Tên lửa hành trình dòng DH-10
Tên lửa hành trình dòng DH-10

Báo cáo của National Interest cho biết hiện Không quân Trung Quốc không còn là một lực lượng tá điền với những máy bay chiến đấu lỗi thời, không có khả năng tác chiến vượt biên giới quốc gia nữa.

Để đối phó với những tranh chấp và cố tình tạo tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Philipines, Trung Quốc nay đang xây dựng và phát triển một lực lượng không quân mạnh để bảo vệ cái mà Bắc Kinh coi là “lợi ích quốc gia” và “chủ quyền lãnh thổ” (đường lưỡi bò phi pháp) tại các khu vực vượt qua cả lãnh địa truyền thống của mình tại Đông Á và Đông Nam Á.

Việc Trung Quốc đầu tư phát triển các loại vũ khí quân sự để hình thành lực lượng không quân có khả năng tác chiến toàn cầu bằng những loại vũ khí chiến lược cũng là để thách thức ảnh hưởng và quyền lực của nước Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Hoa Kỳ đang dần dần thực thi sách lược chuyển trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương.

Trong 5 hệ thống vũ khí được báo của Mỹ liệt kê đáng chú ý nhất là phương tiện phóng siêu thanh có ký hiệu là WU-14 vừa được quân đội Trung Quốc tiến hành thử nghiệm trong tháng 8 vừa qua.

WU-14 có thể đạt được tốc độ từ 5 đến 10 Mach, có thể được sử dụng để bắn các đầu đạn tên lửa có khả năng mang lượng nổ hạt nhân. Điều đáng quan ngại là hệ thống này có thể được sử dụng như một loại vũ khí chiến lược, rất khó có thể đánh chặn được 100 % bằng các hệ thống tên lửa phòng không hiện nay.

Tờ Lợi ích Quốc gia dự đoán, Trung Quốc chắc hẳn sẽ có ý định trang bị cho những phương tiện phóng này các đầu đạn hạt nhân để nhằm đối phó với các đối thủ lớn, đặc biệt là Mỹ.

Hệ thống vũ khí tiếp theo đó là máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm KJ-2000. Đây là loại máy bay tình báo, trinh sát cỡ lớn, được trang bị radar hình đĩa trên lưng.

KJ-2000 được cho là có khả năng phát hiện và lần theo các mục tiêu cách xa máy bay khoảng 300 dặm. KJ-2000 cũng được xem là công cụ chính để TQ thực hiện các chiến dịch theo dõi đối phương trên biển Hoa Đông và Biển Đông khi khả năng của các trạm radar mặt đất của nước này không với tới được.

Hệ thống vũ khí thứ ba được nhắc đến là máy bay ném bom chiến lược H-6 – sản phẩm do tập đoàn Công nghiệp máy bay Tây An nghiên cứu, chế tạo. Đây là loại máy bay do Trung Quốc sản xuất dựa trên những nền tảng cơ bản của máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô (Liên Xô sử dụng máy bay Tu-16 để thử nghiệm các quả bom hạt nhân).

Trung Quốc hiện đang sử dụng H-6 như một loại máy bay ném bom chiến lược thông thường. Loại máy bay này có thể mang theo tên lửa tấn công, tiến hành tiếp dầu trên không và đóng vai trò là một trong những công cụ chiến đấu tầm xa mạnh nhất của Không quân Trung Quốc.

Tiếp đến là máy bay tiếp dầu IL-78 mà Trung Quốc mua của Nga. Loại máy bay này góp phần gia tăng sức mạnh cho Không quân Trung Quốc.

Biển Đông cách điểm gần nhất là căn cứ không quân trên đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 670 dặm, gấp đôi bán kính và khả năng tác chiến của máy bay chiến đấu J-10 do TQ tự chế tạo.

Hiện tại máy bay tiếp dầu Il-78 là phương tiện duy nhất có thể mở rộng khả năng hoạt động của các chiến đấu cơ Trung Quốc, bên cạnh phương án tàu sân bay Liêu Ninh mà Trung Quốc đang cố gắng hoàn thiện.

Cuối cùng, theo báo Mỹ, vũ khí đáng chú ý nữa của Trung Quốc đó là các tên lửa hành trình dòng DH-10. Phiên bản tên lửa mới nhất của tên lửa DH-10 là DH-10A hay CJ-10. Nó được cho là có khả năng tấn công chính xác với sai số chỉ khoảng 10 mét nhờ được dẫn đường từ dữ liệu vệ tinh.

Bên cạnh 5 loại vũ khí nói trên, báo Mỹ cũng chú ý đến việc Trung Quốc đang phát triển máy bay tàng hình J-20 với khả năng chiến đấu vừa như một máy bay tiêm kích và oanh tạc cơ.

Bình Nguyên