Bệnh nhân chết do sốc thuốc: Đình chỉ Phó trưởng khoa Chấn thương

14/08/2013 09:55
X. Hoà - Hồng Lĩnh
(GDVN) -Nhiều câu hỏi đặt ra rằng có hay không chuyện việc các bác sĩ tại Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh biết ông Hồng dị ứng kháng sinh nhưng vẫn phớt lờ?
Như Báo GDVN đã đưa tin, vào khoảng 12 giờ ngày 12/8 bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng (SN 1938, trú xã Cẩm Thăng, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sau khi được tiêm kháng sinh tại Khoa chấn thương – Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã có dấu hiệu bị sốc phản vệ và rơi vào tình trạng nguy kịch, sau đó đã tử vong.

Người nhà bệnh nhân Hồng vẫn đang tỏ ra bức xúc sau cái chết uẩn khúc của người thân mình
Người nhà bệnh nhân Hồng vẫn đang tỏ ra bức xúc sau cái chết uẩn khúc của người thân mình


Người nhà bệnh nhân phân trần việc đánh bác sỹ, đập phá bệnh viện

Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ xô xát đánh các y, bác sĩ và đập phá bệnh viện của người nhà bệnh nhân Hồng chúng tôi đã tìm về gia đình nạn nhân trên.
Kể từ ngày 13/8 Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh đã tạm đình chỉ công tác đối với bác sĩ Đào Xuân Lý - Phó trưởng khoa Chấn thương người đã chỉ định tiêm hai loại kháng sinh trên cho bệnh nhân Hồng và Phan Văn Hà - Điều dưỡng khoa chấn thương người trực tiếp tiêm thuốc cho bệnh nhân để phục vụ công tác điều tra. 
Tiếp xúc với chúng tôi, người nhà ông Hồng vẫn chưa hết sự bức xúc với cách làm việc của các y, bác sĩ tại bệnh viện này khiến người thân của họ tử vong. Theo anh Nguyễn Viết Duy (cháu rể nạn nhân) cho biết; Trước đó, vào ngày 7/8 ông Hồng bị một vết thương nhỏ ở bàn chân phải và khiến ông bị đau không khỏi nên gia đình đã đưa bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để điều trị.   

Tại đây qua thăm khám các bác sĩ kết luận ông Hồng bị viêm xương và có khuyến cáo bệnh nhân bị dị ứng với các loại thuốc kháng sinh. Đến ngày 8/8 thì gia đình bệnh nhân Hồng xin chuyển lên Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh để điều trị.

“Trong giấy chuyển viện từ Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên lên Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh cũng có ghi rõ ông tôi dị ứng với các loại kháng sinh, trong điều trị cần đặc biệt thận trọng. Tuy nhiên, không hiểu sao khi lên bệnh viện này các bác sỹ tại đây vẫn dùng kháng sinh cho ông tôi dẫn đến hậu quả đau lòng đó.” anh Duy giã bày.
Tuy nhiên, do bệnh nhân Hồng được chuyển lên Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh điều trị vào thứ 6 nên hai ngày sau đó là thứ 7 và chủ nhật nên các bác sĩ cho người nhà nạn nhân biết phải chờ đến đầu tuần tiếp mới kiểm tra chính xác để điều trị.
Theo ông Lê Quế - Phó GĐ Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh thì hai loại kháng sinh mà Khoa chấn thương bệnh viện này tiêm cho bệnh nhân Hồng không nằm trong loại cần phải thử thuốc của Bộ y tế
Theo ông Lê Quế - Phó GĐ Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh thì hai loại kháng sinh mà Khoa chấn thương bệnh viện này tiêm cho bệnh nhân Hồng không nằm trong loại cần phải thử thuốc của Bộ y tế

Đến ngày 11/8 các bác sĩ tại Khoa chấn thương vẫn kiểm tra sức khoẻ và điều trị bình thường cho bệnh nhân Hồng. Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ sáng ngày 12/8 các bác sĩ tại Khoa chấn thương của bệnh viện này tiêm cho bệnh nhân Hồng hai loại thuốc kháng sinh Trikazim và Ciprofloxacin Kabi. Ngay sau khi tiêm thuốc bệnh nhân Hồng bắt đầu kêu đau và đến 11 giờ cùng ngày thì được chuyển xuống Khoa hồi sức tích cực của bệnh viện này để cấp cứu. 

“Trước khi tiêm thuốc sức khoẻ của ông tôi vẫn bình thường. Tuy nhiên sau khi tiêm hai loại kháng sinh trên thì ông tôi bắt đầu kêu đau dữ dội, bị ngứa, mẩn đỏ toàn thân, khó thở, huyết áp không đo được. Sau đó thì họ chuyển ông tôi xuống dưới Khoa hồi sức tích cực. Không lâu sau đó thì chúng tôi nhận được tin ông tôi đã tử vong”, anh Duy cho biết thêm.

Chị Trần Thị Diên (con dâu bệnh nhân Hồng) vừa không dấu nổi nỗi đau vừa phan trần: “Tôi cũng không hiểu sao họ biết bố chồng tôi bị dị ứng thuốc kháng sinh và vẫn tiêm. Khi vào cấp cứu được một lúc thì các bác sĩ đi ra, còn bố chồng tôi thì toàn thân tím tái, bụng trướng to, máu mũi, miệng chảy ra và tử vong”.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Châu (em ruột ông Hồng) thì việc xảy ra xô xát với các y, bác sĩ và làm hư hỏng máy móc của bệnh viện là do sau khi nhận được tin xấu của ông Hồng người nhà đã tập trung và muốn vào trong xem tình hình nhưng bị lực lượng bảo vệ ngăn cản không cho vào nên xảy ra xô xát như trên. 

Ông Châu cũng bức xúc cho biết: “Vì sao biết anh tôi dị ứng thuốc kháng sinh mà các bác sĩ tại đây vẫn tiêm cho anh tôi?  Sốc phản vệ thì đương nhiên rồi, nhưng vì sao sốc phản vệ? Không thể cho rằng nguyên nhân tử vong do “sốc phản vệ” là qua chuyện. Vì sao lại dùng hai loại thuốc kháng sinh chích thẳng vào cơ thể của một bệnh nhân vốn đã dị ứng với thuốc kháng sinh mà không test hoặc thử nghiệm trước để dẫn đến hậu quả khôn lường?

Gia đình chúng tôi cần có câu trả lời rõ ràng từ phía bệnh viện. Còn việc xảy ra xô xát và làm hư hỏng trang thiết bị của bệnh viện là khi nhận tin xấu của anh tôi người nhà muốn vào nhưng bị lực lượng bảo vệ ngăn cản nên mới dẫn đến chuyện đáng tiếc trên. Cái này gia đình chúng tôi sẽ có trách nhiệm sau.”

Hai loại thuốc tiêm cho bệnh nhân không nằm trong quy định phải thử thuốc?

Sau khi sự việc này xảy ra chúng tôi cũng đã tìm gặp ban lãnh đạo Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh để có câu trả lời rõ hơn về những uẩn khúc sau cái chết của bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng khiến người nhà bức xúc.

Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Viết Đồng - GĐ Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết; Trước lúc tiêm thuốc kháng sinh cho ông Nguyễn Xuân Hồng, các bác sĩ của bệnh viện này đã tiến hành thử test kháng sinh cho bệnh nhân nhưng thấy kết quả âm tính. Nguyên nhân bệnh nhân Hồng tử vong là do sốc phản vệ.

Cửa kính Khoa hồi sức tích cực cũng bị người nhà bệnh nhân Hồng đập vỡ
Cửa kính Khoa hồi sức tích cực cũng bị người nhà bệnh nhân Hồng đập vỡ

Ông Đồng cũng cho biết thêm: “Hiện tại vì sao dẫn đến việc sốc phản vệ của bệnh nhân Hồng thì đang cần chờ thời gian để các cơ quan chức năng điều tra làm rõ”.

Còn ông Lê Quế - Phó GĐ Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh thì lại cho rằng; Hai loại kháng sinh mà Khoa chấn thương tiêm cho bệnh nhân Hồng không nằm trong loại quy định của Bộ Y tế về việc phải thử thuốc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân các bác sĩ đã tiến hành thử thuốc như vậy đã rất là thận trọng. 
Cũng theo ông Quế thì với căn bệnh viêm xương của ông Hồng thì bắt buộc phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Việc sốc phản vệ của bệnh nhân là rủi ro ngoài ý muốn của bệnh viện.  

Ông Quế cũng cho biết thêm; Hiện bệnh viện đã tạm đình chỉ công tác kể từ ngày 13/8 đối với bác sĩ Đào Xuân Lý - Phó trưởng khoa Chấn thương người đã chỉ định tiêm hai loại kháng sinh trên cho bệnh nhân Hồng và Phan Văn Hà - Điều dưỡng khoa chấn thương người trực tiếp tiêm thuốc cho bệnh nhân để phục vụ công tác điều tra. 

Trao đổi về việc người nhà bệnh nhân Hồng đánh y, bác sĩ và đập phá máy móc bệnh viện ông Quế cho rằng: “Việc đó cần lên án và phải điểu tra làm rõ các hành vi đó không thì không bác sĩ nào dám điều trị cho bệnh nhân nữa. Hiện chúng tôi cũng đã làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng liên quan. 

Chiếc máy sốc điện tim của bệnh viện bị người nhà bệnh nhân đập hư hỏng có trị giá 200 triệu đồng và rất quan trọng trong việc chữa bệnh. Hiện cả bệnh viện chỉ có 2 cái máy như vậy nên chúng tôi đang liên hệ với các kỹ thuật viên nhanh chóng sửa lại chiếc máy trên”.

Được biết sau khi xảy ra sự việc trên Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ gia đình bệnh nhân Hồng 20 triệu đồng để đưa thi thể nạn nhân về quê an táng.  
X. Hoà - Hồng Lĩnh