Bí mật nghề nuôi hổ

05/08/2012 07:45
10 giờ sáng, đàn hổ tại Công viên Thủ Lệ di chuyển vào khu vực cách ly theo thói quen từ hàng chục năm nay. Anh Phúc ném từng tảng thịt bò tươi qua lỗ nhỏ phía dưới song sắt.

Con “Sứt Tai” nằm gọn gàng trên bệ sắt cao sát tường từ bao giờ và ngấu nghiến thưởng thức bữa sáng.

Khoảng 9h30 sáng, anh Nguyễn Quang Phúc, tổ trưởng Tổ Thú dữ thuộc biên chế Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội lại có mặt tại khu cách ly của Công viên Thủ Lệ để lựa chọn thịt bò tươi và xương trong những chiếc rổ rồi tỉ mẩn cân theo khẩu phần. Thông thường, “tiêu chuẩn” dành cho một con hổ là 5 cân thịt và 1 cân sườn, chia thành 2 bữa.

Hiện nay, Vườn thú Hà Nội có khoảng 10 con hổ, đa phần là hổ Đông Dương trong đó con nặng nhất trên 200kg, con nhỏ nhất khoảng 70 kg. Ít người biết rằng, các "ông ba mươi" ở đây cũng có tên riêng rất ngộ nghĩnh như con Điên, Xám, Sứt Tai, Mi Mẹ, Lâm Nhi, Bình Dương…

Mỗi chuồng hổ ở đây được bố trí thành 2 khu vực riêng biệt, cách nhau bằng bức tường bê tông kiên cố có cửa sắt. Cánh cửa này được thiết kế rất nặng nên Tổ Thú dữ phải huy động 2 đến 3 người kéo bằng hệ thống tời. Khu trước là nơi hổ vui chơi và tắm nắng; phía sau là chỗ ăn, ngủ. Hàng ngày, tổ chia ca dọn vệ sinh “buồng” ngủ khi đã lùa hổ ra khu trước. Nhân viên phải khóa cửa cẩn thận trước khi phun nước, cọ sàn, quét khô…

Bí mật nghề nuôi hổ, Tin tức trong ngày, ho, nghe nuoi ho, ho binh duong, ho dong duong,lam nhi, cong vien thu le...

Anh Phúc chia khẩu phần ăn cho các chú hổ...

Bí mật nghề nuôi hổ, Tin tức trong ngày, ho, nghe nuoi ho, ho binh duong, ho dong duong,lam nhi, cong vien thu le...

... Rồi trực tiếp cho hổ ăn

“Làm nghề chăm sóc hổ thì người nào chả sợ. Người nhà ai cũng khuyên can nhưng đây là nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn…”, anh Phúc chia sẻ.

Theo anh Phúc, nghề nuôi hổ là nghề vất vả. Anh còn nhớ năm 2009, con Bình Dương bị ốm và phải nằm cũi, nhân viên Tổ Thú dữ phải mang giường ngủ kê gần cũi để theo dõi sát sao và tiện chăm sóc. Ngày này qua ngày khác, anh Phúc thái nhỏ từng miếng thịt rồi dùng tấm gỗ đưa sát vào mồm Bình Dương. Khi tiêm, một người cầm gậy khua khoắng thu hút hổ chú ý, người kia… rình rình rồi đâm xi lanh vào mông. Nhớ lại năm đó, anh Phúc bảo: “Mình ốm không sao chứ hổ ốm thì lại khổ”.

Trước đó, năm 2008, một “cô” hổ sinh hạ được 4 “nhóc” xinh xắn lúc 12 giờ trưa nhưng lại không chịu cho con bú. Đây là tình thế nguy hiểm vì hổ con sẽ chết nếu không có sữa. 15 giờ, anh Phúc buộc phải xin phép cơ quan rồi trực tiếp vào chuồng tách hổ con mang ra ngoài “nuôi bộ”. Nhân viên tại đây đã tìm mua chó mới đẻ để cho hổ con bú. Nửa tháng sau, chó hết sữa. Anh Phúc lặn lội đi Sơn Tây (Hà Tây cũ) tìm mua con chó khác. Anh vẫn nhớ như in cảnh mọi người “sung sướng” ôm từng “nhóc” hổ con để cho chúng bú sữa, mỗi đêm từ 4 đến 5 lần. Sau này, Tổ Thú dữ chuyển phương án “nuôi bộ” bằng sữa hộp dành cho trẻ nhỏ nên các anh không phải đi tìm mua chó nữa. Nhưng đáng tiếc là 2 con hổ đã chết sớm do không kịp thích nghi; 1 con chết sau khi mổ thoát vị rốn. Hiện tại, còn một con tên Nô vẫn sống khỏe mạnh, nặng 150kg.

Một chuyện khá lạ là anh Phúc và đồng nghiệp phải thường xuyên kiểm tra…phân của hổ. Nếu phân cục là hổ khỏe; phân cứng, màu hơi hồng thì hổ bị táo. Nhờ đó, vườn thú sẽ thay đổi khẩu phần ăn sao cho phù hợp. Nếu hổ bị bệnh đường ruột thì tăng xương, bị táo thì tăng gan, giảm xương…

Xung quanh chuyện chăm sóc hổ mang thai cũng lắm điều thú vị. Khi hổ “động dục” thường có biểu hiện bỏ ăn, cọ lông vào chuồng và nước tiểu đục. Đầu tiên, nhân viên vườn thú sẽ xua hổ đực đến gần cửa để hổ cái quen mùi rồi mới ghép chuồng. Nếu giao phối được thì hổ cái quay lại… cắn con đực; nếu không được thì… gầm gừ. Trong 2 ngày, hổ sẽ giao phối vài lần rồi bị tách chuồng. Vườn thú sẽ cho hổ phối lại sau 1 tháng. Nếu hổ cái không chịu thì nghĩa là đã có kết quả. Hiện nay, anh Phúc còn biết… tính ngày để hổ thụ thai luôn chứ không cần phải thử theo cách như trên. Chỉ bằng cách quan sát, anh Phúc cũng nhận biết hổ cái đó đã có thai hay chưa.

Khi đã thụ thai, hổ cái sẽ đẻ sau 100 đến 105 ngày. Nửa tháng trước khi hổ sinh con, Tổ Thú dữ phải đóng ổ to bằng cái giường, làm bằng gỗ, cao 20 cm và để trong góc chuồng. Nhân viên vườn thú sẽ vệ sinh kỹ hơn và tăng khẩu phần ăn của hổ cái thêm 1kg. Mọi biểu hiện của hổ cái được theo dõi bằng camera. Sát ngày hổ đẻ, nhân viên không vào vệ sinh và che chắn chuồng kỹ lưỡng vì hổ mẹ sẵn sàng bỏ con nếu ngửi thấy hơi lạ. Thậm chí, anh Phúc phải bôi phân hổ vào găng tay rồi mới “dám” vệ sinh chuồng sau ngày hổ đẻ 1 tuần.

Bí mật nghề nuôi hổ, Tin tức trong ngày, ho, nghe nuoi ho, ho binh duong, ho dong duong,lam nhi, cong vien thu le...

Bí mật nghề nuôi hổ, Tin tức trong ngày, ho, nghe nuoi ho, ho binh duong, ho dong duong,lam nhi, cong vien thu le...

Bí mật nghề nuôi hổ, Tin tức trong ngày, ho, nghe nuoi ho, ho binh duong, ho dong duong,lam nhi, cong vien thu le...

Anh Phúc đang "tâm sự" với chú hổ có biệt danh là con Điên

Thừa nhận hổ là loài vật có bản năng hoang dã nhưng anh Phúc và 17 nhân viên trong Tổ thú dữ chưa gặp tai nạn nào đáng kể bởi các quy định an toàn ngặt nghèo. "Nếu không tâm huyết thì khó có thể gắn bó với nghề… ", anh khẳng định chắc nịch.

Trường Giang - Minh Yến - Hồng Phú (Khampha.vn)