Bí thư Hoàng Trung Hải nói về trách nhiệm trong vụ nước sạch nhiễm dầu thải

22/10/2019 16:32
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói: “Thành phố phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục, không xảy ra nữa”.

Theo ông Hoàng Trung Hải, qua sự việc này, phải rút kinh nghiệm về quản lý nguồn nước. Ông Hải cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm. Với doanh nghiệp kinh doanh nguồn nước thì phải có trách nhiệm bảo vệ.

Trách nhiệm vòng ngoài là lực lượng công an, như hồ thủy điện đã có quy định từ xưa đến nay. “Bản thân hồ thủy điện thì chủ đầu tư nào làm phải bảo vệ về an ninh, sạt lở, chăn nuôi, ô nhiễm...”, ông Hải nêu ví dụ.

Bí thư Hoàng Trung Hải tại phiên họp tổ chiều ngày 22/10. Ảnh: Nguyên Trần
Bí thư Hoàng Trung Hải tại phiên họp tổ chiều ngày 22/10. Ảnh: Nguyên Trần

Theo ông Hải, cũng cần nói đến trách nhiệm của công an. Như đối với hồ thủy điện đều phải làm việc với công an các địa phương, thậm chí có quyết định của Bộ Công an giao trách nhiệm cho các địa phương phải chăm lo, bảo vệ.

“Việc này được mọi người rất quan tâm. Mình thường nói đến an ninh về chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là vệ sinh, an toàn. Cho nên sau vụ này phải quan tâm hơn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói thêm.

Ông Hải cũng nói về việc thiếu hệ thống quan trắc, vì thế, kể cả có an ninh, bảo vệ hết rồi nhưng vẫn có thể xảy ra mất an ninh, an toàn.

“Vậy, hệ thống nào để phát hiện ra? Phải chia trách nhiệm từng công đoạn một.

Ông nhận nước đầu nguồn thế nào, ông nước xử lý thế nào... chứ không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng như ông Tốn (Tổng Giám đốc Nhà máy nước sạch Sông Đà – PV) nói là tôi không biết nên dừng hay không. Cái đó là cái nhất định phải chấn chỉnh”, ông Hải nói.

Cùng với đó, các nơi phân phối nước cũng phải làm, có hệ thống quan trắc để phát hiện ra. Cấp nước phải bảo đảm chịu trách nhiệm về chất lượng nước và có trách nhiệm giải trình với cơ quan Nhà nước.

Phó Bí thư tỉnh Hòa Bình: Nước bẩn thì công ty cung cấp phải chịu trách nhiệm
Phó Bí thư tỉnh Hòa Bình: Nước bẩn thì công ty cung cấp phải chịu trách nhiệm

“Qua vụ việc, người dân cũng quan tâm hơn. Thành phố, các sở ngành, doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm, sau đó, ra các quy định. Ví dụ muốn xây dựng nhà máy cấp nước thì cần phải có những công nghệ, điều kiện tối thiểu...”, ông Hải nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, thành phố cũng đã có quy định về ứng phó với các sự cố, thảm họa.

“Mình nhìn thấy vấn đề rồi nhưng chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra. Vừa rồi có nhiều chuyện, kể cả ô nhiễm không khí, nguồn nước. Đấy là những thứ mình tiếp tục phải làm khẩn trương quyết liệt hơn, vì những thứ đó nó có thể xảy ra bất cứ ngày nào”, ông Hải nói thêm.

Trước câu hỏi về việc phản ứng của thành phố hơi chậm, ông Hải cho biết, Thủ tướng cũng đã nói, thành phố sẽ rút kinh nghiệm việc này. “Ở đây có việc phân công, phân nhiệm trong công tác xử lý công việc và thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan.

Trong bất cứ việc gì xảy ra thường bao giờ cũng hổng chỗ phối hợp, cứ ông chẳng bà chuộc, ông trước bà sau... nên như tôi vừa nói là quy phạm hoá, quy trình hoá tất cả quá trình xử lý, nếu không sau lại rối...

Tất cả những thứ đó phải điều chỉnh, quy định cho đúng”, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội phân tích.

Liên quan đến nhà máy nước sạch sông Đà nằm trên địa bàn Hòa Bình nhưng cung cấp nước sạch cho Hà Nội có gây khó khăn cho đảm bảo an ninh nguồn nước, ông Hải cho biết “khó nhưng không phải không làm được”.

Theo ông Hải, cũng giống như nhà máy điện trên Hoà Bình nhưng điện dùng ở Hà Nội, có làm sao đâu. “Phải tính hết đến. Tất cả những sự cố mang tính thảm hoạ đã tính đến rồi, bây giờ phải cụ thể hoá, có giải pháp, quy trình, quy phạm nó ra, rồi giao trách nhiệm cho từng cơ quan”, ông Hải nói.

Hà Nội khẳng định nước sạch đã an toàn để ăn, uống

Cũng trong chiều 22/10, tại giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Vũ Đăng Định – Chánh Văn phòng, người phát của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội khẳng định: “Đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống”.

Theo ông Định, trong thời gian qua Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố lấy mẫu nước tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp, tại các vùng dân bị ảnh hưởng để tiến hành xét nghiệm nước hàng ngày. Với kết quả xét nghiệm mẫu nước từ 16/10 đến ngày 21/10/2019, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT.

Cụ thể, từ ngày 16/10 đến ngày 21/10/2019 (liên tục các ngày), Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố trực tiếp lấy mẫu và phối hợp với Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường -Bộ Y tế, Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tiến hành phân tích mẫu nước tại các hộ dân trên địa bàn 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy nước sông Đà: Quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.

Kết quả: 69/69 mẫu có chỉ tiêu Styren đạt quy chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Hiện nay Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.

Trong thời gian tới, Thành phốo giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục lấy mẫu nước để xét nghiệm tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp của nhà máy, tại các vùng dân bị ảnh hưởng đến hết tháng 10/2019.

Đối với Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà, Hà Nội yêu cầu Công ty kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị giám sát, kiểm soát chất lượng nước trên toàn bộ hệ thống cấp nước đảm bảo yêu cầu cấp nước an toàn, phục vụ nhân dân trong vùng cấp nước của Công ty.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát quy trình xử lý nước của Nhà máy nước sông Đà, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Ông Định cho biết, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở đó chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khu vực bảo vệ nguồn nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đà.

“Đề nghị nhân dân trong vùng cấp nước sông Đà khi phát hiện bất kỳ hiện tượng bất thường nào điện thoại ngay đến số điện thoại 0903461980, đồng chí Hùng Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội. Đồng thời tổ chức, cá nhân nào chưa súc xả, thau rửa bể thì tiếp tục thau rửa và đến hết ngày 31/10/2019 sẽ chấm dứt toàn bộ công việc này.

Đề nghị Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tiếp tục cung cấp nước miễn phí đến hết ngày 31/10/2019”, ông Định nhấn mạnh.

Đỗ Thơm