Nước sinh hoạt do Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cung cấp cho hàng vạn hộ dân Hà Nội có chứa Styren vượt ngưỡng 1-3 lần sau khi phát hiện nguồn nước bị nhiễm dầu thải.
Đáng chú ý là theo thông tin Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Hoàng Đức Hạnh phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15/10 thì Styren nằm trong nhóm chỉ tiêu 2 năm kiểm tra một lần ở các nhà máy nước.
Theo quy định, nước sạch có 109 chỉ tiêu phải kiểm tra, trong đó 14 chỉ tiêu A, 17 chỉ tiêu B và 78 chỉ tiêu C.
Các chỉ tiêu A và B sẽ được kiểm tra lần lượt là 1 tháng/lần, 6 tháng/lần; còn chỉ tiêu C thì 2 năm/lần.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: giaoduc.net.vn |
Điều này cho thấy người dân có lý do để lo lắng về việc kiểm tra an toàn nước sạch thực sự đã được quản lý tốt chưa?
Ngay như tại Thông tư 41 năm 2018 của Bộ Y tế quy định nhóm chỉ tiêu B xét nghiệm không ít hơn 1 lần/ 6 tháng.
Như vậy liệu có quá ít không khi mà trong suốt 6 tháng thì chỉ cần kiểm tra duy nhất 1 lần đã phù hợp quy định, trong khi đó có rất nhiều chỉ số ảnh hưởng tới sức khoẻ như: Tụ cầu vàng; Trực khuẩn xanh; xyanua; Chì; Seline (Se); Amoni; Cadi; Thuỷ Ngân... cần phải được giám sát thật chặt chẽ.
Ngoài ra, quy định thời gian kiểm tra tổng thể các chỉ tiêu (A và B) cách nhau tới 3 năm liệu có quá dài và cần phải được siết chặt hơn, cần phải xem xét tăng tần suất bắt buộc kiểm tra, làm các xét nghiệm công khai.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Từ xưa đến nay, chất Styren chúng ta chưa quan tâm đến. Chất này gây độc hại đến người dân như thế nào cũng chưa thông tin rõ ràng.
Chất này nếu có trong nước cũng phải qua kiểm tra, sàng lọc rất khó… vì thế chưa được quan tâm.
Phải đến khi nước có mùi khét nồng nặc như vừa qua, người dân phát hiện thì mới chú ý. Nó cho thấy, cơ quan chức năng quản lý, phụ trách vấn đề này đã không điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”.
Đại biểu Phương nhấn mạnh, nước sạch và vệ sinh môi trường là lĩnh vực rất cần thiết được Chính phủ và từng người dân quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và có ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề vi phạm nước sạch, vệ sinh môi trường trong thời gian qua, đặc biệt là trong vụ việc xảy ra tại Hà Nội, nguyên nhân cơ bản đó là các doanh nghiệp sản xuất nước sạch quản lý nước thiếu chặt chẽ, thiếu cụ thể.
Người dân ở từng khu vực cũng thiếu phát huy vai trò của mình trong việc phát hiện, tố cáo, báo cáo các cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm của một số người quá kém, cụ thể là 3 đối tượng vi phạm. Họ không nhận thức được và cũng không hiểu được rằng việc làm của mình có thể gây ảnh hưởng sức khoẻ tới hàng vạn người, bản thân vi phạm pháp luật đối diện với việc bị các cơ quan chức năng truy tố, xử lý.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói thêm, nước sạch là rất cần thiết và ai cũng thấy rất quan trọng, rất cần thiết nhưng để giữ gìn được nguồn nước sạch thì rất là khó.
Bởi lẽ trong bồn nước (phạm vi nhỏ) thì có thể quản lý, còn trong một hồ nước mênh mông rất khó quản lý chưa kể người ta xả nước, trâu bò, thú vật, các hộ dân sống xung quanh… Do đó cần phải làm thế nào để có một quy định chặt chẽ cho đầu ra là nước sạch mới là quan trọng.
“Doanh nghiệp đầu tư khai thác nước phải đầu tư hệ thống lọc nước để đảm bảo giống như ở các nước vào khách sạn có thể uống nước tại vòi…
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Cần giám sát nước sinh hoạt vì sức khoẻ học sinh |
Hệ thống lọc nước của các công ty bán cho người dân phải đảm bảo đúng quy trình về nước sạch.
Bên cạnh đó vấn đề an ninh nguồn nước là hiện nay chưa quản lý được, thí dụ nuôi trâu bò hay động vật, nước thải của gia đình xung quanh xả thải ra môi trường, chảy vào nguồn nước... gây ô nhiễm.
Vấn đề ở chỗ bây giờ phải có nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ, đúng quy trình thì mới hạn chế, đảm bảo nước sạch đến tay người dân.
Cũng nói về vụ việc này, đại biểu Y Khút Niê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, những ngày qua ông theo dõi vụ việc và thấy rằng việc đổ trộm dầu thải là có chủ ý, có sự chủ động từ khi đi mua, tập kết, thuê phương tiện thực hiện nhiệm vụ.
Hiện nay, người chủ mưu ra đầu thú, nhưng đại biểu này cho rằng cơ quan công an cần điều tra mở rộng, không bỏ lọt người có trách nhiệm.
Đại biểu Y Khút Niê nhận định: “Những ngày qua phản ứng của cơ quan chức năng còn chậm, cũng như chưa quy rõ trách nhiệm của những người liên quan.
Cần phải quy trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch cho người dân. Dù cho có bị tác động bên ngoài, hoặc có thể do phá hoại đi chăng nữa, thì với trách nhiệm của người quản lý, như vậy là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu anh phát hiện sớm, ngăn chặn sớm thì chắc chắn không thể để xảy ra việc hàng vạn người dân Thủ đô dùng nước không an toàn”.
Sau sự cố nước nhiễm dầu, Thành phố Hà Nộ sẽ có những hành động gì để bảo vệ sức khoẻ của hàng triệu người dân? Việc xét nghiệm các chỉ tiêu nước sinh hoạt đã thật chính xác chưa? Quy trình thực hiện sản xuất ra nước sinh hoạt tại các nhà máy có đảm bảo không, ai kiểm tra, ai giám sát, có minh bạch được không?