Biển Đông: Khi Philippines "mở cổng xả lũ", một mình đối chọi với TQ

31/03/2014 08:01
Đông Bình
(GDVN) - Philippines chính thức nộp báo cáo đưa ra chứng cứ và phân tích tính chất bất hợp pháp của chủ trương "đường lưỡi bò" của Trung Quốc tại Tòa án quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alberto del Rosario
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alberto del Rosario

Chứng cứ được đưa ra Tòa

Ngày 30 tháng 3, Philippines đã sử dụng hình thức văn kiện điện tử, chính thức đệ trình lên Tòa án quốc tế La Hay một bản tài liệu chứng cứ và phân tích dài tới 4.000 trang, đã bác bỏ yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo tại Thủ đô Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario đã thông báo hành động mới nhất chính thức khiếu nại lên Tòa án quốc tế của Chính phủ Philippines.

Ông Rosario cho biết, hoạt động này là để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Philippines, là vì hậu thế của Philippines, là hành động để bảo đảm quyền tự do hàng hải của các nước trên thế giới.

Sau khi tàu của Chính phủ Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough - khu vực bên ngoài bờ biển phía tây bắc Philippines, vào tháng 1 năm 2013, Philippines đã quyết định đưa tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa họ với Trung Quốc đệ trình lên Trọng tài tòa án quốc tế.

Tàu cảnh sát biển 3401 Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công
Tàu cảnh sát biển 3401 Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công

Philippines yêu cầu Tòa án quốc tế tuyên bố những yêu sách chủ quyền đối với khoảng 80% vùng biển chiến lược - Biển Đông và hành động kiểm soát 8 đảo, đá ngầm của Trung Quốc là bất hợp pháp.

"Đường lưỡi bò" vô giá trị

Dư luận chính thức của Philippines cho rằng, vụ kiện của họ có cơ thắng, đương nhiên, nếu phán quyết của Tòa án có lợi cho Philippines thì cũng khó thực hiện. Nhưng phía Philippines cho biết, họ sẽ được lợi về mặt pháp lý và dư luận, nâng cao được vị thế quốc tế, đánh thẳng vào uy tín của Trung Quốc, phản ánh rõ bản chất tham vọng của Trung Quốc.

Trong vài ngày trước, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có bài viết chỉ đích danh Trung Quốc có ý đồ "định nghĩa lại quy tắc biển", tức là muốn bỏ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển vào "thùng rác", coi "Trịnh Hòa đi phương Tây" bằng đường biển để lại các dấu ấn trên con đường đã qua là “chứng cứ lịch sử” để đòi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.

Tàu cảnh sát biển 3401 Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công
Tàu cảnh sát biển 3401 Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công

Trong bản đồ nhà Thanh (có tính chất pháp lý), trong dư luận của Trung Quốc và các nước, trong các quy định của luật pháp quốc tế không thiếu những chứng cứ, những tiếng nói phản đối, bác bỏ hoàn toàn "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Đối mặt với vụ kiện của Philippines, có chuyên gia của chính Trung Quốc cho là Philippines đã đặt Trung Quốc vào tình thế bị động, lúng túng, khó xử. Nếu Trung Quốc không tham gia thì sau này, trong công tác ngoại giao với ASEAN, Trung Quốc còn mặt mũi nào để ăn nói. Bởi vì, Trung Quốc luôn cho rằng, họ tuân thủ luật pháp quốc tế, luôn muốn nước khác theo gương mình.

Có chuyên gia cho rằng, người Trung Quốc đang cảm thấy luống cuống, bởi vì họ đã phải đối mặt với 5 chiến trường gồm chính trị, ngoại giao, truyền thông đại chúng, an ninh và quân sự, nhưng đến nay, Philippines đã kéo Trung Quốc vào một chiến trường mới: chiến trường pháp lý. Điều này làm cho Bắc Kinh bị bất ngờ, không thể "chuyên tâm tính kế".

Philippines đã "mở cống xả lũ"

Rommel C. Banloai, người phụ trách Cơ quan nghiên cứu hòa bình, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố Philippines cho biết, vụ kiện này sẽ "mở cống xả lũ". Ông nói: "Rất nhiều bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông đang cân nhắc khả năng Trọng tài, nhưng họ còn chưa chuẩn bị tốt. Họ đang quan sát vụ kiện này của Philippines tiến triển thế nào".

Tàu cảnh sát biển 3401 Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công
Tàu cảnh sát biển 3401 Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công

Rommel C. Banloai cho rằng, khả năng này là tồn tại, nếu kết quả phán quyết của Tòa án có lợi cho Philippines, Trung Quốc có thể sẽ "rút khỏi" Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Mặc dù trong tình hình diễn ra vụ kiện, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục gia tăng tuần tra ở vùng biển này để đòi "chủ quyền".

Trong thời gian tới, Ủy ban Trọng tài sẽ xác định xem vụ kiện của Philippines có thuộc quyền hạn của họ hay không. Quan chức Philippines cho biết, bản thân tài liệu chứng minh mà họ đệ trình đã xác nhận điểm này.

Tham lam sẽ ăn quả đắng?

Gần đây, Trung Quốc tiếp tục làm căng tranh chấp bãi Cỏ Mây với Philippines. Bãi cạn này hiện do một tiểu đội của Philippines kiểm soát, chốt giữ trên một chiếc tàu đổ bộ cũ nát.

Philippines điều tàu đến để tiếp tế cho tiểu đội này, nhưng phía Trung Quốc đã liên tiếp cho tàu cảnh sát biển lởn vởn ở xung quanh và xua đuổi, cưỡng ép không cho tàu Philippines tiếp cận.

Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công
Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công

Philippines đã buộc phải dùng đến máy bay để tiếp tế, nhưng trong ngày 29 tháng 3 vừa qua, một tàu công vụ của Philippines đã chọc thủng vòng vây của 2 tàu cảnh sát biển Trung Quốc, tiếp cận thành công chiếc tàu cũ trên bãi Cỏ Mây.

Trong hành động này, đã xuất hiện 1 máy bay hải quân Mỹ, 1 máy bay quân sự Philippines và 1 máy bay Trung Quốc. Các quân nhân Philippines đã vỗ tay hoan hô đối với “thành công” này của phía Philippines.

Được biết, gần đây, khi được hỏi Mỹ có hỗ trợ Philippines hay không nếu Trung Quốc-Philippines xảy ra xung đột, Bộ trưởng tác chiến Hải quân Mỹ, thượng tướng Jonathan Greenert khẳng định, Mỹ sẽ ủng hộ Philippines (ở Biển Đông), do hai bên có Hiệp ước!

Đối với vụ kiện của Philippines, Trung Quốc thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cho rằng, họ không chấp nhận và không tham gia vụ kiện, cho rằng, Trung Quốc có “bằng chứng pháp lý quốc tế đầy đủ” về chủ trương “đường lưỡi bò”. Nhưng Trung Quốc lại không đưa ra bất cứ bằng chứng nào!

Ngày 30 tháng 3, Trung Quốc tiếp tục khăng khăng đòi yêu sách chủ quyền đối với "đường lưỡi bò" bất hợp pháp. Hồng Lỗi tự cho rằng: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh (của Việt Nam), Trung Quốc không chấp nhận Trọng tài quốc tế…".

Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công
Hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines để xua đuổi khỏi bãi Cỏ Mây, nhưng không thành công

Tất cả những phát ngôn liên tục, cụ thể của Trung Quốc về Biển Đông, cùng các hành động "mời thầu" tại thềm lục địa của Việt Nam, cho tàu chiến và binh sĩ tới bãi ngầm James tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, hay cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough ở vùng biển tây bắc Philippines, thường xuyên tập trận đổ bộ trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tập trung ưu tiên biên chế các loại tàu chiến phục vụ cho đánh chiếm biển đảo cho Hạm đội Nam Hải... đều phản ánh rõ tham vọng "đường lưỡi bò" tham lam vô độ, điều mà không ai có thể chấp nhận được!

Đúng như Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Emmanuel Bautista ngày 20 tháng 2 tuyên bố: "Chỉ cần nhìn vào bản đồ thì sẽ biết Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với đảo, đá ngầm ở Biển Đông là tuyên bố vô giá trị"!

Đông Bình