Biển Đông không phải là cái ao nhà của Trung Quốc

01/08/2019 06:09
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn
(GDVN) - Căn cứ vào Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, tòa đã tuyên: "không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử trong Đường chín đoạn".

Người phương Bắc đang cố tình viết lại luật biển Đông theo luật pháp Trung Quốc.

Chiếm đóng trái phép Hoàng Sa năm 1974.

Đến năm 1988, Trung Quốc liên tục gây hấn, chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam.

Càng về sau, người Trung Quốc càng vùng vẫy ở biển Đông nhiều hơn.

Xua giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động thăm dò dầu khí ở thềm lục địa năm 2014.

Phái nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 thăm dò địa chất ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đang diễn ra.

Đưa dân quân biển vào lực lượng ngư dân xâm nhập đánh cá và gây xung đột với ngư dân nước ta.

Họ cứ ngang nhiên như biển Đông là ao nhà của Trung Quốc.

Thực ra, các hành động gây hấn, lấn chiếm để độc chiếm biển Đông chỉ là đường đi nước bước của một chiến lược thôn tính bằng chiến lược “Đường chín đoạn” (Cửu đoạn tuyến).

Đường Chín đoạn còn gọi là Đường chữ U, Đường lưỡi bò, Đường chín khúc.

Nó là tên gọi được Bắc Kinh chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền đường quốc giới hải vực Biển Đông.

Tuy nhiên, Đường chín đoạn bị các nước trong khu vực và thế giới phản đối quyết liệt. Điển hình là vụ Philippines kiện về chủ quyền biển đối với Trung Quốc ở Tòa án quốc tế.

Căn cứ vào Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, tòa đã tuyên: "không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường Chín đoạn”.

Đưa dân quân biển vào lực lượng ngư dân xâm nhập đánh cá và gây xung đột với ngư dân nước ta. Cứ ngang nhiên như biển Đông là ao nhà của Trung Quốc. Trong ảnh là tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng năm 2014. Ảnh: TTXVN.
Đưa dân quân biển vào lực lượng ngư dân xâm nhập đánh cá và gây xung đột với ngư dân nước ta. Cứ ngang nhiên như biển Đông là ao nhà của Trung Quốc. Trong ảnh là tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng năm 2014. Ảnh: TTXVN.

Đi ngược dòng thời gian

Thời Càn Long (1735-1740) cực thịnh, thì “lãnh thổ nhà Thanh cũng không bao gồm Đường chữ U bao trọn quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và các quần đảo trên Biển Đông”.

Cùng thời ấy, Chúa Nguyễn Việt Nam đã khai thác và đặt chủ quyền Hoàng Sa.

Chứng cứ thì nhiều, những người dân bình thường, thậm chí học sinh phổ thông cũng có thể nhận ra chủ quyền của Việt Nam qua các bản đồ, quốc sử nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên.

Đại Nam thực lục tiền biên, và trong tác phẩm Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.

Khi ấy, quần đảo Hoàng Sa còn được gọi là Bãi cát vàng. Mỗi năm vào tháng cuối đông, nhà Nguyễn đưa 5 -10, có lần tới 18 - 20 chiếc thuyền đến các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa lấy hoá vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền, súng đạn.

Đội thuyền này được đặt tên là đội Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa biên chế 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào, tháng giêng hàng năm là cắt nhau nhận giấy sai đi.

Lương mang đủ ăn 6 tháng, đi 3 ngày đêm thì đến các đảo ấy và ở lại lấy báu vật của các tàu đắm như: gươm, vàng, bạc vụn, vòng bạc, tiền bạc, súng đạn, ngà voi, đồ gốm sứ; đồng thời kiếm, lượm, mò mai đồi mồi, ốc hoa, hải sâm, mai hải ba...

Đến tháng 8 thì thuyền về cửa Eo (nay là cửa Thuận An) thành Phú Xuân giao nộp; đem cân, định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải sâm, hải ba, rồi lĩnh bằng về quê...

Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết năm 1776 có đoạn: "Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa, ở gần biển, ở ngoài biển có nhiều đảo, núi linh tinh trên 110 hòn.

Giữa núi là biển, từ hòn này sang hòn kia đi một ngày đường hoặc một vài trống canh thì đến.

Trong các đảo có Cồn Cát Vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy.

Trên đảo có vô số tổ yến, các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh, trên bãi vật lạ rất nhiều”

Điều rất ngạc nhiên là các giáo sỹ, học giả phương Tây (trong các tác phẩm Địa lý vương quốc Côsanhsin - xứ An Nam, Bức tranh toàn cảnh về nước Côsanhsin...) đã nhiều lần khẳng định.

Năm 1816, vua Gia Long đã thân chinh vượt biển, cắm cờ và long trọng tuyên bố chính thức thực hiện chủ quyền với hai quần đảo; đã lập những đội trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế tàu thuyền mọi nước ngoài qua lại và để bảo trợ người đánh cá bản quốc...

Đại Nam thực lực tiền biên ghi chép tỉ mỉ về việc thành lập các đội Hoàng Sa hàng năm được cử đến không chỉ quần đảo Hoàng Sa mà còn ra tận quần đảo Trường Sa để khảo sát, vẽ bản đồ và thực hiện chủ quyền của nhà nước Việt Nam.

Vậy là chỉ bằng những con thuyền gỗ buồm vải thô sơ mà đội Hoàng Sa cùng với thuỷ quân triều đình đã dọc ngang tuần tiễu canh giữ và khai thác các đảo và biển Đông mênh mông bốn mùa phong ba bão tố.

Bộ đội Hải quân Việt Nam ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Ảnh: TTXVN
Bộ đội Hải quân Việt Nam ngày đêm vững  chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Ảnh: TTXVN

Coi thường luật quốc tế

Đường chữ U - lưỡi bò 11 đoạn chỉ đến tháng 2 năm 1948 mới xuất hiện trong phụ lục "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc".

Bản đồ này do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành.

Dĩ nhiên, trong lúc huynh đệ tương tàn, nội chiến triền miên và tranh chấp từng mét đất với những người lãnh đạo Bát Lộ quân thì cái bản đồ ấy cũng chỉ là... vẽ tam toạng, chứ tầu thuyền, kĩ thuật địa lí địa chất nào để đi đến từng đảo, từng vùng thềm lục địa mà đo đạc, tính toán.

Dĩ nhiên, cái bản đồ ấy là... vơ vào khoanh đại một vùng biển mênh mông của nước khác làm của mình, không có cơ sở pháp lý quốc tế.

Khi nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, thì Bắc Kinh sử dụng luôn cái bản đồ Đường chữ U 11 đoạn vô pháp lý này, và bỏ 2 đoạn thành chín đoạn.

Đồng thời vẽ liền, chứ không đứt đoạn: “Đường lưỡi bò mới được cho là sẽ bắt đầu từ vị trí cửa vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, đi về phía nam vào vùng biển Malaysia, rẽ ngoặt lên vùng biển phía tây Philippines và kết thúc ở phía đông nam đảo Đài Loan".

Trước ngày quốc khánh 1/10/1949, Trung Quốc hầu như không sở hữu biển Đông.

Họ kiểm soát rất ít trong số 4 quần đảo, bãi ngầm ở biển Đông. Đến năm 1951, Trung Quốc đơn phương công khai tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò chín đoạn.

“Đường chín đoạn bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%”.

Nếu âm mưu này trở thành hiện thực thì Trung Quốc sẽ trọn vẹn ôm hết biển Đông.

Biển Đông sẽ trở thành cái ao nhà của Trung Quốc, họ sẽ tha hồ tát múc, đánh cá, hút dầu thô, ngăn cản hay cho phép láng giềng sang rửa chân hay không.

Người Trung Quốc tiến về phương Nam thì đất liền Đại Việt giang sơn cẩm tú đã có chủ trấn giữ mấy ngàn năm.

Mọi thủ đoạn lấn chiếm

Không bành trướng, phát triển xuống phương Nam trên đường bộ thì Trung Quốc lấn chiếm và dùng biển Đông như một phần lãnh thổ, một con đường chinh phục.

Để thực hiện chiến lược Đường lưỡi bò 9 đoạn, Bắc Kinh bắt đầu đưa ra yêu sách chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thế là toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự chiếm từ tay Việt Nam cộng hòa năm 1974.

Đến năm 1988, Trung Quốc chiếm tiếp một số đảo đá ngầm, mà dữ dội khốc liệt nhất là đảo Gạc Ma của Việt Nam.

Dĩ nhiên, bị các nước trong khu vực và thế giới phản đối quyết liệt. Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 quy định “vùng đặc quyền kinh tế”.

Biển Đông không phải là cái ao nhà của Trung Quốc ảnh 3

Yêu cầu Trung Quốc rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Vùng biển này có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Có nghĩa là các nước có biển được phép có vùng đặc quyền kinh tế mở rộng 200 dặm biển (370.6 km) tính từ lãnh hải của nước đó.

Khi đó, người ta mới nhận ra tầm quan trọng của biển quá quan trong về khai tác tài nguyên, đặc biệt là khai thác dầu mỏ và đánh bắt hải sản.

Nước Việt Nam cũng đã kịp tuyên bố lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Lợi ích kinh tế biển Đông quá lớn như người đẹp bị bỏ quên, ngủ say nhiều trăm năm, bỗng chốc bị dựng dậy.

Người ta bắt đầu quan tâm đến đại dương nhiều hơn. Tham vọng chiếm hoàn toàn biển Đông của người phương Bắc ủ mưu từ trước đến lúc này bộc lộ mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Nhóm Hải Dương Địa Chất 8 vi phạm vùng biển Tư Chính của Việt Nam cũng chỉ là bước đi độc chiếm biển Đông cụ thể của Trung Quốc. “Theo thông số của CGS, tàu Hải Dương Địa Chất 8 được chế tạo năm 2017, rộng 20,4m, dài 88m.

Con tàu nặng 2.368 tấn và có tổng trọng tải 6.918 tấn”. Sự việc này ai cũng biết.

Con tàu khổng lồ chứ không phải cái kim rơi xuống đáy đại dương. Còn các việc làm cụ thể khác nguy hiểm, tinh vi che giấu hành vi xâm lấn biển thì không phải ai cũng biết, cũng hiểu.

Họ đã và đang sử dụng lực lượng quân sự được ngụy trang dưới vỏ bọc ngư dân.

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales nói với báo chí rằng: “Trung Quốc đã cơ cấu một số nhóm trong ‘hạm đội tàu cá chiến lược’ của họ thành các nhóm ‘dân quân biển’.

Những thành viên của các nhóm này có thể phút trước còn là những ngư dân hết sức bình thường, phút sau đã trở thành lực lượng bán quân sự khoác trên mình những bộ quân phục”.

Chiến lược thâu tóm biển Đông này được giới phân tích bình luận quốc tế gọi là “chiến thuật vùng xám”. “ Trung Quốc đã cố ý cho dân quân biển trà trộn với ngư dân vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam”.

Thật giả lẫn lộn. Các ngư dân – dân quân này đã xâm phạm, cướp bóc hải sản, phương tiện, đâm va gây hư hại phương tiện của ngư dân Việt Nam.

Ngang nhiên đi lại, quần thảo, khai thác tài nguyên biển Đông, cứ làm như biển Đông là ao hồ của Trung Quốc.

Không còn nghi ngờ gì nữa âm mưu và hành động của Trung Quốc độc chiếm biển Đông.

Chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, hòa bình là phù hợp với lý tưởng thời đại. Cùng với đối thoại hòa bình phải vận động ngoại giao.

Thời đại ngày nay, thế giới chỉ trong lòng bàn tay. Nhân loại sẽ không để yên cho bất cứ kẻ nào ngang ngược dùng sức mạnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác.

Tất nhiên, không ỉ lại, trông chờ; nước Việt Nam hùng cường cũng là một cách chống hành động của Trung Quốc hòng độc chiếm biển Đông thành cái ao nhà.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn