Biển Đông: những biến động lớn năm 2016, cơ hội và thách thức năm 2017

01/01/2017 07:20
TS Trần Công Trục
(GDVN) - Philippines với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017, sẽ tìm cách lái con thuyền Biển Đông vượt qua được trận “cuồng phong” đến từ Hoa lục.

Năm 2016 chuẩn bị khép lại với nhiều biến động của các xu thế địa- chính trị khu vực và toàn cầu. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có lẽ Biển Đông là nơi ghi dấu ấn đậm nét nhất của những thay đổi địa- chính trị trong năm 2016.

Đánh giá lại những bước ngoặt trong vấn đề Biển Đông năm 2016 và đưa ra dự báo cơ hội cũng như thách thức cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông đã được nhiều học giả, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước tiến hành.

Là người luôn bám sát mọi động thái diễn biến mới trên Biển Đông trong nhiều năm qua và liên tục đồng hành cùng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp đến bạn đọc xa gần những phân tích, góc nhìn riêng về Biển Đông dưới lăng kính luật pháp quốc tế, cá nhân tôi cũng xin có đôi lời chia sẻ, tạm gọi là "tổng kết" lại một năm.

Hy vọng những gì cá nhân tôi chia sẻ trên diễn đàn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ cung cấp thêm cho quý bạn đọc một góc nhìn, một cách đánh giá bám sát diễn biến của tình hình.

Chúng tôi trình bày hiểu biết của mình trên cơ sở lấy luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) làm nền tảng, đặt trong bối cảnh cụ thể những xu hướng địa chính trị khu vực và quốc tế.

Phán quyết Trọng tài 12/7 là dấu ấn và là bước ngoặt lớn lao nhất của năm 2016

Trước, trong và sau khi Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ra Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016, nhiều học giả trong nước và quốc tế đã phân tích, mổ xẻ các khả năng, đánh giá Phán quyết, dự báo tác động và ảnh hưởng của nó.

Hình minh họa: Internet.
Hình minh họa: Internet.

Cá nhân tôi cũng có một loạt bài trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cũng như trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn khác trong và ngoài nước về đề tài này.

Nhưng khác với các nhà nghiên cứu khác, tôi luôn có niềm tin sâu sắc và nhất quán vào công lý, công pháp quốc tế và tính công bằng, công tâm của 5 thẩm phán thành viên Tòa Trọng tài thụ lý vụ kiện của Philippines.

Hội đồng Trọng tài đã chọn 7/15 nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc để xét xử thuộc thẩm quyền của mình. Kết quả là Tòa Trọng tài đã ra Phán quyết đầy đủ cả 7 nội dung có lợi cho Manila. 

Thậm chí, học giả Greg Poling từ Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, CSIS, Hoa Kỳ, còn đánh giá Phán quyết này đã đề cập đến 14/15 nội dung đơn kiện của Philippines. Kết quả này đã vượt ra ngoài cả mong đợi của nhiều người, trong đó cá nhân tôi.

Trước đó, tôi nhiều lần nhận định, chắc chắn Tòa sẽ ra Phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò vô lý dựa trên yêu sách "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đưa ra. 

Còn về hiệu lực pháp lý của các cấu trúc địa lý ở Trường Sa, tôi chỉ dám hy vọng Tòa sẽ làm rõ một số cấu trúc, thậm chí Tòa có thể ra một phán quyết "trung dung" với nhóm nội dung này, do lo ngại những phản ứng địa chính trị phức tạp có thể xảy ra sau Phán quyết. 

Nhưng cuối cùng Phán quyết Trọng tài đã làm rất rõ và rất thuyết phục hiệu lực pháp lý của tất cả các cấu trúc ở Trường Sa:

Không có cấu trúc nào đủ tiêu chuẩn để xác định có vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của từng thực thể được công nhận là đảo theo Điều 121, UNCLOS 1982.

Biển Đông: những biến động lớn năm 2016, cơ hội và thách thức năm 2017 ảnh 2

Đài Loan có thể là con bài chiến lược Trump ngăn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

(GDVN) - Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ nếu mạnh dạn, sẵn sàng hành động thì luôn có những cơ hội ngăn chặn và đảo ngược xu thế bành trướng.

Đó là thành công ngoài cả mong đợi, là thắng lợi của công lý, công bằng và công pháp quốc tế, không chỉ là thắng lợi của Philippines, mà là thắng lợi của nhân loại, thắng lợi của UNCLOS 1982. 

Tuy nhiên ngay trong ngày 12/7, trước khi Tòa Trọng tài công bố Phán quyết, có không ít học giả và nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn hoài nghi khả năng Tòa bác đường lưỡi bò. 

Thế mới thấy tầm vóc Phán quyết Trọng tài thật lớn lao, vĩ đại, xóa bỏ những nỗi sợ mơ hồ trong giới nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế về một yêu sách quá lố, quá phi lý của Trung Quốc.

Hạ thấp hay tuyệt đối hóa vai trò Phán quyết Trọng tài có thể làm suy giảm ý nghĩa và ảnh hưởng của nó

Trước khi công bố Phán quyết Trọng tài chiều tối 12/7 giờ Việt Nam, có một quan điểm khá cực đoan, đổ lỗi cho Phán quyết Trọng tài và hoạt động xét xử của Tòa Trọng tài "gây căng thẳng Biển Đông".

Quan điểm này có lẽ bị ảnh hưởng bởi chiến dịch vận động, tuyên truyền rầm rộ bằng nhiều thủ đoạn vừa mua chuộc vừa  đe dọa của Trung Quốc, khiến một số người hoang mang, lo sợ. 

Và cũng không loại trừ một người muốn "té nước theo mưa" để cổ súy cho luận điệu ngụy biện của Trung Quốc nhằm chống lại UNCLOS 1892, phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trong tài theo Phụ lục VII, UNCLOS, chống lại Phán quyết.

Sau khi Phán quyết Trọng tài được công bố, một thái cực khác cũng khiến dư luận hiểu sai lệch giá trị và ý nghĩa của nó, đó là tuyệt đối hóa vai trò của Phán quyết, xem nó như chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Chính những quan điểm tuyệt đối hóa vai trò và tác động của Phán quyết Trọng tài đã dẫn đến nhận thức sai lầm về phản ứng và chính sách của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, cũng như nhận định "Việt Nam cô độc trong cuộc đối đầu với Trung Quốc" mà Tổ chức nghiên cứu địa chính trị toàn cầu Stratfor mới đưa ra gần đây.

Điều này đã được chúng tôi phân tích và mổ xẻ thường xuyên trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong loạt bài về Biển Đông. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin lưu ý, xin nhắc lại 2 vấn đề quan trọng xung quanh Phán quyết Trọng tài 12/7.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Thứ nhất, Phán quyết Trọng tài 12/7 là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình giải quyết các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế với 2 đóng góp cực kỳ quan trọng. 

Một là vô hiệu hóa đường lưỡi bò bất hợp pháp, bác bỏ quan điểm về "quyền lịch sử" vốn đã bị UNCLOS 1982 loại bỏ khi xây dựng, trong đó Trung Quốc là một nước thành viên tích cực tham gia, đóng góp và hình thành nên Công ước.

Hai là làm rõ hiệu lực pháp lý của các cấu trúc địa lý ở Trường Sa với xác quyết, không một cấu trúc nào ở quần đảo Trường Sa đủ điều kiện để có hiệu trong việc mở rộng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của từng  đảo theo Điều 121, UNCLOS 1982. 

Hai điều này đã góp phần thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có phạm vi Trung Quốc cố tình tìm cách tạo ra tranh chấp. 

Xin được nhấn mạnh rằng, sau Phán quyết Trọng tài, Trung Quốc tạm thời đã không dùng giàn khoan khổng lồ, hạm đội tàu cá dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các nước ven Biển Đông như họ từng làm trước thời điểm 12/7/2016.

Cá nhân người viết coi đó là một cách Trung Quốc ngầm thừa nhận và thực thi một phần nội dung Phán quyết.

Thứ hai, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế  tiếp tục nghiên cứu kỹ Phán quyết Trọng tài 12/7, nó có thể xem như một Phụ lục bổ sung cho UNCLOS 1982 trong việc ứng dụng và giải thích Công ước vào thực tế ở các khu vực tranh chấp phức tạp như Biển Đông.

Sở dĩ phải lưu ý điều này là vì, sau Phán quyết Trọng tài vẫn có những quan điểm, nhận thức và băn khoăn trong dư luận rằng Việt Nam chịu "thiệt thòi về chủ quyền” đối với một số cấu trúc ở Trường Sa, như thế là hiểu sai bản chất Phán quyết và chúng tôi đã phân tích. 

Tuy nhiên các hãng truyền thông quốc tế và báo chí trong nước khi phỏng vấn chuyên gia vẫn không ít người nhầm lẫn, đánh đồng 2 loại tranh chấp hoàn toàn khác nhau về bản chất và cơ chế pháp lý giải quyết: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp ứng dụng - giải thích UNCLOS 1982.

Nếu vẫn tiếp tục nhầm lẫn như thế thì đồng nghĩa với việc vô hình trung trở thành cái loa tuyên truyền cho yêu sách phi lý của Trung Quốc và chủ trương chống đối UNCLOS 1982 mà họ theo đuổi hiện nay. 

Philippines đã "bổ nhát cuốc pháp lý" đầu tiên vào các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông, thu hẹp phạm vi tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra. Chúng ta được hưởng lợi hoàn toàn từ Phán quyết Trọng tài, nên cần phải có nghĩa vụ cùng Philippines phát huy các giá trị của nó. 

Những trải nghiệm trong hơn 5 tháng qua kể từ sau khi Phán quyết Trong tài được công bố đã có thể cho thấy tính hiệu quả của những phương thức ứng xử linh hoạt trong quan hệ đối ngoại của các nước có liên quan trong khu vực.

Trong đó, không thể không nói đến vai trò của Cộng hòa Philippines. 

Mặc dù là một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, một thành viên của ASEAN luôn đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại yêu sách phi lý của Trung Quốc trong Biển Đông và là bên nguyên, giành thắng lợi tuyệt đối trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông năm 2017, Philippines đã lựa chọn đối thoại và tiếp tục đàm phán với Trung Quốc hậu Phán quyết. 

Biển Đông: những biến động lớn năm 2016, cơ hội và thách thức năm 2017 ảnh 4

Có phải Philippines “phá hư” thế trận Biển Đông?

(GDVN) - Mặc dù không thể phủ nhận vai trò, tác động ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông, nhưng dựa vào Mỹ chống Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng phải trả giá đắt.

Đó là sự lựa chọn khá “thức thời”. Đàm phán sẽ là bước đi tiếp nối Phán quyết Trọng tài, chứ không có nghĩa là chống lại nó, phủ định nó. 

Và như vậy, chúng ta hy vọng và tin tưởng Philippines với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017, sẽ tìm cách lái con thuyền Biển Đông vượt qua được trận “cuồng phong” đến từ Hoa lục. 

Phải chăng đó chính là những bài học thiết thực bổ ích cho những ai đang gánh vác sứ mệnh của Đất nước, Dân tộc mình trước những diễn biến phức tạp đang diễn ra trong Biển Đông?

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã dành ưu tiên cao nhất, tìm mọi cách, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trong quan hệ thăng trầm do lịch sử để lại để duy trì và củng cố mối quan hệ với Trung Quốc “vừa đồng chí, vừa anh em”.

Điều đó cũng chính là vì lợi ích chính đáng của 2 nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển chung của khu vực và quốc tế, nhưng không thể không tuân thủ nguyên tắc:

Đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, coi trọng sự tồn vong của đất nước, của dân tộc như là lẽ sống mà mỗi người dân đất Việt sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ và giữ gìn bằng mọi giá, trong bất kỳ tình huống nào… 

Sự xuất hiện của Donald Trump và Rodrigo Duterte đánh dấu một xu thế chính trị mới ảnh hưởng lớn đến Biển Đông năm 2017

Về những điều chỉnh chính sách của Philippines hậu Phán quyết Trọng tài 12/7 qua các phát ngôn và hành động của Tổng thống Rodrigo Duterte, chúng tôi đã thường xuyên có bài phân tích.

Ở đây chúng tôi chỉ xin chia sẻ một vài điều xung quanh cách đánh giá và nhìn nhận vấn đề. 

Tôi cho rằng, cách làm của ông Rodrigo Duterte hiện nay không chỉ giúp tối đa hóa lợi ích cho Philippines, mà còn góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, gián tiếp thực hiện Phán quyết Trọng tài. 

Nó không mâu thuẫn với chính sách của người tiền nhiệm Benigno Aquino III, mà là một bước phát triển mới, một sự thích ứng cần thiết khi tình hình thực tế đã thay đổi.

Vì vậy, đánh giá các chính sách và tác động chính sách đối ngoại của ông Rodrigo Duterte cần phải đặt vào hệ quy chiếu “3 chiều”:

Một là nó có mâu thuẫn với các quy tắc pháp lý quốc tế và yêu sách của Philippines ở Biển Đông hay không? Hai là nó có đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc của Philippines hay không? Ba là nó có góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông hay không?

Xét trên cả 3 tiêu chí này, trả lời của 2 câu đầu là không, câu thứ 3 là có. 

Đó là nhận xét của cá nhân tôi, còn việc đánh giá chính sách của ông Duterte liên quan đến quyền lợi của Philippines là thuộc về người dân nước này, không phải chúng ta hay bất kỳ quốc gia nào khác.

Còn đối với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, tôi có nhiều hy vọng vào chính sách của ông với Biển Đông và khu vực châu Á -  Thái Bình Dương.

Hạn chế của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama thì có lẽ dư luận đã thấy, trong khi sự quan tâm và hướng tiếp cận mới của ông Donald Trump về Biển Đông cũng đã bước đầu được bộc lộ.

Trump và đội ngũ cộng sự dày dạn kinh nghiệm thương trường và đàm phán có lẽ đã tìm ra câu trả lời, cách tiếp cận vấn đề Biển Đông để bảo vệ lợi ích của Mỹ: tự do hàng hải hàng không, luật pháp và trật tự quốc tế, vị thế vai trò của Mỹ ở Biển Đông.

Trong số đó, sức ép về mặt quân sự cũng như địa- chính trị thông qua vấn đề Đài Loan đã được Donald Trump và nhóm chuyển giao của ông tính đến. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải chờ xem chính sách chính thức của ông sẽ như thế nào, để tính toán các giải pháp phù hợp.

Bản thân giới nghiên cứu Đài Loan cũng có nhiều quan điểm lo ngại: Đài Loan có thể trở thành con bài mặc cả giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vì vậy nếu chúng ta kỳ vọng Mỹ sẽ "ra tay nghĩa hiệp" ở Biển Đông là không thực tế.

Thiết nghĩ chúng ta chỉ có thể lựa theo những điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ dưới thời Trump - đối trọng xứng tầm của Trung Quốc ở Biển Đông, để điều chỉnh chính sách nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia dân tộc, chứ không thể chọn bên lúc này.

Điều đó kết hợp với việc tăng cường khả năng phòng thủ chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông, sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để bảo vệ tốt nhất lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc, gắn liền với lợi ích khu vực và quốc tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Philstar.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Philstar.

Chính sách hòa hoãn của ông Rodrigo Duterte là một cơ hội mở ra cho Philippines và cho chính chúng ta, đó là làm sao phải duy trì cho được hòa bình và ổn định ở Biển Đông.  

Theo tôi, nên xem đây là mục tiêu quan trọng nhất về đối ngoại, liên quan đến Biển Đông hiện nay. Để xảy ra xung đột, đối đầu lúc này, phần thiệt nhiều hơn sẽ thuộc về các nước nhỏ. Tất nhiên, việc tăng cường phòng thủ vẫn là ưu tiên hàng đầu và là điều không phải bàn cãi.

Còn chính sách của Donald Trump vẫn chưa được công bố chính thức, cần có sự theo dõi, nghiên cứu sát sao. Nó có thể mang lại cả cơ hội lẫn thách thức.

Những lưu ý với người Việt khi tìm hiểu vấn đề Biển Đông

Sự toàn vẹn lãnh thổ,chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên của mọi tầng lớp người dân Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.

Tuy nhiên chúng tôi xin đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "hợp pháp", tính chính danh, chính nghĩa của chúng ta phải được đặt lên hàng đầu khi tiếp cận các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông. 

Muốn làm được như vậy, cần phải nắm rõ các nguyên tắc pháp lý và thực tiễn pháp lý quốc tế về các tranh chấp liên quan, tách bạch yếu tố chính trị khỏi pháp lý.

Đồng thời trong thể hiện quan điểm, cần có cái nhìn bao quát toàn cục một cách tỉnh táo, tránh để cảm xúc chi phối, có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc, như trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta.

Giữa nhiệt huyết và lòng yêu nước với chủ nghĩa dân túy hẹp hòi, nhiều lúc rất mong manh nếu thiếu đi một cái nhìn tỉnh táo dựa trên lăng kính pháp lý, chuẩn mực quốc tế.

Ngay trong giới nghiên cứu, đã từng có những quan điểm chính trị hóa các vấn đề pháp lý, chụp mũ, áp đặt quan điểm cá nhân lên những người không cùng nhận định với mình.

Nhắc lại những tranh luận mang màu sắc cảm xúc và thiếu tính thuyết phục của Đại tá Lê Thế Mẫu chỉ trích nhà báo Hồng Thủy và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi chỉ hy vọng rằng ngay trong đội ngũ nghiên cứu cũng cần nhận ra rằng, có nhiều vấn đề mình cần điều chỉnh.

Đó là, đã tranh luận khoa học, thì phải dựa theo luận cứ khoa học, không chụp mũ, không quy kết bằng cách chính trị hóa các vấn đề học thuật. Phải nói điều này bởi nếu không, chính chúng ta tự chia năm sẻ bảy, chứ chưa cần đối phương phải tác động, gây chia rẽ nội bộ.

Tôi cho rằng trong ấm thì ngoài êm, đối nội quan trọng hơn đối ngoại. Đặc biệt với những vấn đề phức tạp như các tranh chấp khác nhau ở Biển Đông, thống nhất nhận thức trong nội bộ người Việt là quan trọng hơn cả.

Chỉ khi nào chúng ta có chung nhận thức về việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế, chúng ta mới có được sức mạnh và sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế và khu vực, cũng như chính nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và công lý./.

TS Trần Công Trục