Biển Đông: Phép thử lẫn quân bài chủ của Trung Quốc

02/07/2012 06:35
Trung Quốc sẽ khiêu khích để thăm dò rồi căn cứ vào tình hình và phản ứng của bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế mà hành động tiếp...
“Mỗi khi Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông, ta phải nhìn từ nhiều mặt. Biển Đông là phép thử. Họ muốn thử Việt Nam, muốn thử ASEAN, muốn thử cả Mỹ, nhưng cũng đừng nghĩ họ chỉ “thử” không thôi mà trong một số trường hợp, họ làm tới và làm lớn nếu có cơ hội. Đặc biệt, hiện nay biển Đông đã vượt ra ngoài vấn đề tuyên bố chủ quyền hay quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng. Nó trở thành vấn đề đại chiến lược”. TS Đinh Hoàng Thắng, Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển(SENA) nói.

Biển Đông là vấn đề đại chiến lược

. Thưa ông, có ý kiến cho rằng Trung Quốc chỉ đánh “đòn gió” để “nhắc nhở” Việt Nam chứ thực chất tình hình không đến mức nghiêm trọng. Ông bình luận thế nào về nhận định này?

Biển Đông: Phép thử lẫn quân bài chủ của Trung Quốc ảnh 1

+ TS Đinh Hoàng Thắng (ảnh): Biển Đông từ nay là quân bài chủ trong ván bài lớn giữa các cường quốc. Nó trở thành một bộ phận, nếu không muốn nói là tiêu điểm của sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Phải nhìn biển Đông trong quá trình tái cấu trúc sức mạnh nói chung và tái cân bằng quyền lực trong khu vực nói riêng mới thấy vấn đề ngày càng vượt khỏi tầm quan hệ song phương và khu vực. Đương nhiên có vấn đề giữa ta với Trung Quốc, có vấn đề giữa ta với khu vực; nhưng “các vật cược chính” và “những nhà cái” trong canh bạc lớn này ghê gớm hơn ta nghĩ rất nhiều.

. Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Liberman có nói rằng biển Đông không phải là điểm chính trong quan hệ Mỹ-Trung mà là quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Ông đánh giá thế nào?

+ Đấy là vế thứ nhất trong câu ông ta phát biểu. Vế tiếp theo mới quan trọng: hành vi của Trung Quốc trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới. Xét về khía cạnh ấy, điều gì xảy ra trên biển Đông cũng là mối quan tâm của tất cả mọi người trên thế giới. Về chiến lược, chẳng ai nói trắng ra cả, người ta thường giấu phần quan trọng nhất. Mình là người trong cuộc, phải tỉnh táo, đừng đơn giản hóa mọi chuyện.

Biển Đông: Phép thử lẫn quân bài chủ của Trung Quốc ảnh 2

Đảo Đá Tây trên biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.. Ảnh: HN

. Theo ông, việc Trung Quốc gọi thầu trên chín lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là thử phản ứng hay chuẩn bị “đánh” một ván bài lớn?

+ Cả hai! Trung Quốc sẽ  khiêu khích để thăm dò rồi căn cứ vào tình hình và phản ứng của bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế mà hành động tiếp… Không loại trừ Trung Quốc có thể nhờ một vài công ty dầu khí của nước ngoài, mà thực chất là do Trung Quốc tài trợ, “tham gia thầu”. Sau đó, Trung Quốc sẽ cho tàu hải giám vào vùng đặc quyền kinh tế của ta để bảo vệ các công ty “chân gỗ” này, tạo ra tình huống rất nguy hiểm. Báo chí ta có nói tới “ba mũi giáp công” của Trung Quốc nhưng tôi e rằng họ sẽ còn nhiều mũi giáp công nữa! Tất cả là tùy vào phản ứng của Việt Nam và các bên liên quan.

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

Trung Quốc gọi thầu như vậy là còn có ý để hợp pháp hóa đòi hỏi chủ quyền của họ trong vùng biển của Việt Nam, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp. Nâng cấp TP Tam Sa cũng là chiêu để họ giành nhiều chủ động hơn… Vừa nâng cấp quản lý, vừa gọi thầu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, lại dọa đưa dàn khoan “khủng” xuống biển Đông và cho tàu hải giám tuần tiễu. Đấy là những việc ta phải đối phó trước mắt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định trong buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội, ta cương quyết bảo vệ chủ quyền,  một tấc đất cũng phải giữ…

+ Vâng, Tổng Bí thư đã nêu lên vấn đề bảo vệ chủ quyền, gắn liền với bảo vệ chế độ và giữ gìn môi trường hòa bình. Tôi tin rằng Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục có những hình thức thích hợp, thông qua các kênh ngoại giao, song phương, đa phương, nói chuyện trực tiếp với Trung Quốc… để nói với thế giới và đấu tranh với Trung Quốc trong thời điểm nước sôi lửa bỏng như thế này. Ta nên chủ động hơn nữa, công khai hơn nữa trên mặt trận thông tin đối ngoại. Trong cuộc đấu tranh này, lợi ích quốc gia của ta về cơ bản phù hợp với lợi ích của đa số các nước. Ai cũng muốn chủ quyền của mình được bảo vệ, giải quyết tranh chấp qua thương lượng, tuân thủ Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Tận dụng “sức mạnh mềm”

. Ông đánh giá thế nào về dư luận thế giới cho đến nay?

+ Trước đây quốc tế thường trung lập trong vấn đề tuyên bố chủ quyền. Nhưng nay họ nói các lô dầu đó của Việt Nam, nằm trong vùng biển Việt Nam, như vậy là đã gián tiếp ủng hộ tuyên bố chủ quyền của ta.

. Ông nghĩ đến một giải pháp nào cho vấn đề biển Đông hiện nay?

+ Tôi nghĩ đến “sức mạnh mềm” trước tiên. Bên trong ta phải đoàn kết, thống nhất; bên ngoài ta cần hội nhập sâu, rộng để kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chúng ta phải tận dụng tối đa các công cụ pháp lý trong tay, như Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để căn cứ vào đấy mà đấu tranh.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên tốc độ, cho nên việc chọn đúng lúc, quyết định đúng thời điểm là điều hết sức hệ trọng. Nếu Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) đạt được thành tựu vào cuối năm nay thì đó là một hướng tích cực. Ngoài ra, còn lo xây dựng đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, đối tác chiến lược giữa Việt Nam với năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (P5), trở thành thành viên Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Giải pháp cho vấn đề biển Đông sẽ nằm trong tổng thể đó. Đấy là câu chuyện của các nhà hoạch định chính sách!

Xin cảm ơn ông.

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


HOÀNG THƯ/Pháp luật TPHCM