Biển Đông: TQ đưa ra quy chế mơ hồ để hiện thực hóa “đường lưỡi bò”

23/01/2013 07:30
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Phải chăng “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” chỉ  là một công cụ pháp lý dành cho các lực lượng biên phòng, hải giám, tuần hải… sử dụng  để  kiểm tra, kiểm soát, quản lý các vùng biển ven bờ thuộc Hải Nam như phát ngôn của Trung Quốc ? Câu trả lời là không phải như vậy. Thực chất đây chính là căn cứ pháp lý để cho Trung Quốc có thể tiến hành kiểm soát, không chế Biển Đông trong phạm vi đường biên giới lưỡi bò mà Trung Quốc đã công bố.
LTS: Chính quyền Hải Nam (Trung Quốc) đã công bố một văn kiện pháp lý của cái gọi là “Điều lệ quản lý biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong quy chế đó có đề cập đến vấn đề lực lượng hải giám của Trung Quốc có quyền khám xét, bắt, đuổi các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền đặt dưới sự quản lý của tỉnh Hải Nam, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Song song với đó, Trung Quốc tăng cường một lực lượng hải giám không những về số lượng mà còn tăng cường cả về chất lượng. Để hiểu hết được ý đồ của Trung Quốc qua việc này, Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ. 


TS. Trần Công Trục
TS. Trần Công Trục

Bước mới hòng độc chiếm Biển Đông

PV: Biển Đông thêm dậy sóng trước việc chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thông qua “Điều lệ quản lý biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” hòng khống chế tàu thuyền nước ngoài trên Biển Đông từ đầu năm 2013, nhiều thông tin liên quan tới việc nước này tập trận tại Biển Đông, cử tàu hải giám, tàu quân sự lớn tới Biển Đông. Ông đánh giá gì về các động thái này từ Trung Quốc?


TS. Trần Công Trục: Có thể nói rằng đây là một bước mới trong một loạt các hành động của Trung Quốc diễn ra ở những ngày cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Và chúng ta biết rằng, hành động này diễn ra sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc với một chủ trương không thay đổi là: Trung Quốc phải vươn lên thành một cường quốc biển, trước khi trở thành một siêu cường quốc tế.

Muốn thực hiện được chủ trương nhất quán này, trước hết họ phải tìm mọi cách để không chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông, nhằm khai thông con đường vươn ra đại dương. Đó là một bước mới trong chủ trương chiến lược của họ, được thực hiện một cách quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Với  những ai nghiên cứu quá trình đó của Trung Quốc thì sẽ không lấy làm ngạc nhiên trước các động thái này.

Nhưng điều đáng lưu ý là trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có một sự chuyển hướng: dùng những hành động mang tính chất dân sự, sử dụng các tàu đánh cá, dùng các biện pháp hành chính, tăng cường lực lượng hải giám, chấp pháp…thay vì những  hành động vũ trang như đã từng diễn ra trong quá khứ… 

PV: Sự thay đổi này thể hiện điều gì thưa ông?

TS. Trần Công Trục: Tăng cường lực lượng hải giám và lực lượng tuần tra trên biển. Những tàu đó có khả năng đi trên biển với tốc độ rất cao, được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng lại nấp dưới dạng những tàu dân sự. Đó là điều buộc chúng ta phải chú ý. Kèm với đó là những biện pháp hành chính như ra lệnh cấm đánh bắt hải sản, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở cho các lực lượng “dân sự” đó triển khai “quyền uy” trong khu vực Biển Đông theo yêu sách vô lý của họ.

Có thể thấy rằng đây là sự tính toán nhằm mục đích, một mặt là xoa dịu búa rìu dư luận quốc tế, nếu không muôn nói là nhằm đánh lừa dư luận, che đậy bản chất quân sự trong mọi hoạt động của họ trên Biển Đông; mặt khác là vẫn chứng tỏ được sức mạnh áp đảo của mình trước các nước có liên quan trong khu vực và quốc tế khi hoạt động trong Biển Đông.Và, rõ ràng rằng, qua những  việc này, cho thấy đây là một sự chuẩn bị cho những hành động  phiêu lưu  của họ trong thời gian tới…. 

Quân đội Việt Nam tuần tra trên đảo Sinh tồn
Quân đội Việt Nam tuần tra trên đảo Sinh tồn

Trước những cuộc chiến là những tuyên bố?

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về những hành động phiêu lưu đó…

TS. Trần Công Trục: Chúng ta đã từng chứng kiến  những sự kiện xâm chiếm bằng vũ lực trái phép của Trung Quốc  đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào những thời điểm  năm 1956, 1974, 1988. Và trước khi gây ra những cuộc xâm chiếm bằng vũ lực này, họ vẫn thường có những tuyên bố, tuyên truyền, dọn dư luận …

Và, thường thì sau những chiến dịch đó là những bước tiến quân sự với những quy mô khác nhau phụ thuộc vào các điều kiện và thời cơ cụ thể. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tìm cách ngăn chặn, đối phó trước những hành động này như thế nào trong bối cảnh hiện nay. 

PV: Theo ông những tiếng nói hiếu chiến vừa qua từ phía Trung Quốc có phải là đại diện cho Trung Quốc hay không?

TS. Trần Công Trục: Tôi hy vọng những tiếng nói đó chỉ là của một số người có tính chất cực đoan, diều hâu – những người chỉ nhằm bảo vệ cho tham vọng của họ. Tôi nghĩ trong số những người dân Trung Quốc, kể cả những người lãnh đạo,  không thiếu những tiếng nói chân chính, hiểu biết. Thực tế đã có không ít những tiêng nói khoa học, khách quan và chân chính như thế của các nhà khoa học, các học giả và cả những chinh khách của Trung Quốc đã được dư luận đồng tình, khâm phục, chia sẻ…

PV: Nhưng càng ngày càng nhiều tiếng nói diều hâu như thế…

TS. Trần Công Trục: Tất nhiên với cơ chế phát ngôn của Trung Quốc thì những phát ngôn hiếu chiến đó không phải chi là ngẫu nhiên. Điều này có thể là những phản ánh phần nào đó chủ trương chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc .

Điều gì quyết định cục diện Biển Đông?

PV: Trước đây, thế giới vẫn ví Trung Quốc như “con hổ đang ngủ” nhưng với những biểu hiện như hiện nay, dường như con hổ đó đã thức dậy và đang đói khát, hung dữ. Thế giới có ánh nhìn nào khác về con hổ này, thưa ông?

TS. Trần Công Trục: Thực tế những phản ứng, những quan tâm của khu vực và thế giới cho chúng ta biết rằng người ta cũng rất lo ngại trước một Trung Quốc “tỉnh giấc” đang đói về nhiên liệu và môi trường phát triển. Thậm chí đã có người lo ngại rằng tình trạng căng thẳng thiếu kiềm chế này không được kiểm soát tốt thì chúng ta đang ở trên “miệng hố chiến tranh”.  Vì hòa bình, hợp tác, phát triển; vì sự tồn tại của nhân loại trong một thế giới đầy những biến động này, mỗi một quốc gia, dân tộc, mỗi một con người chân chính sẽ biết phải làm gì  để ngăn cản những hành động sai trái đó.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, các con tàu to có quyết định cục diện trên bàn cờ Biển Đông?

TS. Trần Công Trục:  Câu hỏi này có thể có lời giải nếu nhìn vào tốc độ tăng ngân sách quốc phòng của các quốc gia trong khu vực và các nước liên quan khác trong thời gian gần đây. Rõ ràng là không phủ nhận được sức mạnh của những phương tiện kỹ thuât, vũ khí trong thời đại hiện nay, nhất là hoạt đông trên biển. Vấn đề sử dụng vào mục đích gì và ở phạm vi biển  nào  mới là câu chuyện đáng nói.

Nếu sử dụng vào mục đích không chính đáng và đi vào các vùng biển hợp pháp của nước khác thì ắt sẽ vấp phải sự chống đối với phương cách tương tự, với cả một sức mạnh vô song của một dân tộc và công đồng quốc tế…. 

(còn nữa)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang