Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Bộ Chính trị kiểm điểm thế nào?

16/08/2012 07:32

Thực hiện đúng phương châm làm từ trên xuống, “đã tắm thì phải gội cả đầu”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tiến hành kiểm điểm một cách nghiêm túc theo các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng do Bộ Chính trị tổ chức hôm 13-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp báo cáo kết quả bước đầu cuộc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng trong Đảng, khác hẳn các kỳ kiểm điểm cuối năm, hay giữa và cuối nhiệm kỳ mà thời gian qua vẫn tiến hành. Cách làm cũng có nhiều nét mới. Như kiểm điểm cá nhân, lâu nay chỉ vài ba trang, viết một lần là xong. Nhưng lần này, sau khi kiểm điểm, phê, tự phê rồi còn hoàn thiện lần nữa.

“Trong lãnh đạo chủ chốt, cứ kiểm điểm một đồng chí thì các đồng chí khác tham gia xong lại bổ sung thêm bản kiểm điểm của mình. Thậm chí hôm nay kiểm điểm, hôm sau có đồng chí đã nộp bổ sung thêm bản mới. Như thế, hầu hết các đồng chí phải viết lại, bổ sung 3-4 lần, nhiều nhất cũng phải tới năm lần. Tinh thần làm việc rất nghiêm túc, tự giác” - Tổng Bí thư cho biết.

Lấy ý kiến rộng rãi

Ngoài những thông tin bước đầu cho cán bộ cao cấp toàn quốc, ngay tại hội nghị ngày 13-8, các vị lãnh đạo chủ chốt các ban đảng, trực tiếp tham gia vào quá trình kiểm điểm, phê và tự phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn chủ động thông tin chi tiết hơn về đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt này cho các cơ quan báo chí được mời dự họp.

Ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho hay: “Trong mấy nhiệm kỳ gần đây được công tác tại cơ quan trung ương, tôi thấy hằng năm và các đợt giữa nhiệm kỳ, cuối nhiệm kỳ, các đồng chí thành viên và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều sinh hoạt tự phê và phê bình. Nhưng lần này có những điểm mới, đặc biệt là cách làm”.

Cụ thể, ở khâu chuẩn bị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư coi trọng tập hợp, lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến trước khi kiểm điểm. Đối tượng lấy ý kiến rộng rãi nhất từ trước tới giờ, bao gồm các tổ chức Đảng trực thuộc trung ương; các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ hàm bộ trưởng trở lên từ trước đến nay; chi bộ nơi công tác và nơi cư trú của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tính đến 21-6, về góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đã tiếp nhận 89 ý kiến của các cấp ủy, tổ chức Đảng; 103 ý kiến cá nhân các nguyên lãnh đạo cấp cao. Góp ý cho cá nhân các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có 25 ý kiến của cấp ủy, 72 ý kiến cá nhân các vị nguyên lãnh đạo cấp cao và 36 ý kiến của các chi bộ, chi ủy nơi các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đương chức đang sinh hoạt. Các ý kiến góp ý được tập hợp khách quan, đầy đủ, chính xác, trung thực, theo cách giữ nguyên văn lời góp ý, gửi cho từng vị được góp ý để tham khảo, trên cơ sở đó hoàn thiện bản kiểm điểm cá nhân của mình.

Bộ Chính trị kiểm điểm thế nào? ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI ngày 13-8. Ảnh: TTXVN

Không trù dập, thành kiến người góp ý

Cũng chuẩn bị cho việc kiểm điểm, Bộ Chính trị đã thông qua một văn bản về các nguyên tắc tiến hành kiểm điểm. Theo đó, việc kiểm điểm lần này phải chu đáo, chặt chẽ, khoa học, nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc chắn, có kết quả đến đó chứ không làm lướt, hình thức. Tránh tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng để nói xấu, thổi phồng khuyết điểm nhằm hạ thấp uy tín nhau.

Phát huy dân chủ, từng người phải nghiêm túc kiểm điểm và cầu thị trước góp ý của những người khác, cũng như ý kiến góp ý của các cấp ủy và cá nhân các vị nguyên lãnh đạo. Phải tự giác trung thực, xem xét nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, thấy rõ khuyết điểm, tự sửa chữa. Không được trù dập, thành kiến người góp ý.

“Phương châm của đợt sinh hoạt này là phòng ngừa, ngăn chặn, trị bệnh cứu người, giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của tập thể và từng cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vì sự nghiệp chung của Đảng. Kiểm điểm để mỗi đồng chí, cả tập thể mạnh thêm và toàn Đảng mạnh thêm. Không làm được thì coi như đợt kiểm điểm này không đạt mục tiêu yêu cầu đặt ra. Trong phương châm cũng yêu cầu kiểm điểm trên cơ sở có lý, có tình nhưng cũng phải nghiêm minh với những trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, nhất là có khuyết điểm mà không nhận ra hoặc che giấu khuyết điểm” - ông Dụ cho biết.

Thống nhất nhiều công việc hệ trọng

Phần tiếp theo của cuộc kiểm điểm 16 ngày diễn ra trong tháng 7 và đầu tháng 8, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất cao nhiều công việc hệ trọng.

Thứ nhất, từng vị trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư căn cứ vào ý kiến đóng góp của các thành viên khác và kết luận bước đầu của Bộ Chính trị để hoàn thiện, bổ sung và nâng cao chất lượng báo cáo kiểm điểm của mình, trên tinh thần nghiêm khắc, thẳng thắn, cầu thị, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân đương chức và nghỉ hưu. Báo cáo này vừa để trình với trung ương, vừa làm gương cho cấp dưới và là kinh nghiệm cho khóa sau.

Thứ hai, giao Văn phòng Trung ương và các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ, thận trọng các ý kiến thảo luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trên cơ sở đó hoàn chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm điểm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Văn phòng Trung ương cũng chuẩn bị bản giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cá nhân, cấp ủy với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ ba, giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, xác minh những vấn đề Bộ Chính trị yêu cầu, vừa khẩn trương, nghiêm túc, công tâm khách quan, có kết luận rõ ràng, chính xác để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ tư, tháng 9, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại thông qua báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân và bản giải trình; có kết luận chính thức của Bộ Chính trị về kết quả quá trình chuẩn bị, quá trình kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lúc đấy sẽ đánh giá việc kiểm điểm đã đạt yêu cầu chưa, chỗ nào chưa đạt phải làm lại. Trên tinh thần đó xử lý những vấn đề sai phạm.

Thứ năm, bộ phận Thường trực Trung ương 4 giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị báo cáo kiểm điểm, bản giải trình để trình Hội nghị Trung ương 6.

Thứ sáu, các cơ quan chức năng có trách nhiệm chuẩn bị văn bản để thông báo tới những cấp ủy và cá nhân đã góp ý cho tập thể và cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý.

Thứ bảy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công các vị trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban đảng ở trung ương tới dự các hội nghị kiểm điểm của các cấp ủy trực thuộc trung ương.

Chuẩn bị bàn quy hoạch cán bộ chiến lược

Ngoài các nội dung trên, Bộ Chính trị cũng thống nhất giao các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các công việc rất quan trọng mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra. Đó là: Xây dựng quy hoạch cán bộ chiến lược để trình Hội nghị Trung ương 6; chuẩn bị đề án xin trung ương tái lập Ban Kinh tế Trung ương; hoàn thiện đề án về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự của Ban Nội chính Trung ương để trình Bộ Chính trị; hoàn thành thủ tục quy trình lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH và HĐND bầu, phê chuẩn; xây dựng quy chế thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu.

Song song với việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoàn thiện việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của mình, trong những ngày tới, các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc trung ương sẽ bắt tay vào lấy ý kiến đóng góp cho việc góp ý và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cho tập thể, cá nhân thành viên cấp ủy mình.

Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm theo trình tự: tập thể trước, cá nhân sau; trong kiểm điểm cá nhân, Tổng Bí thư kiểm điểm trước, sau đó lần lượt đến Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH và Thường trực Ban Bí thư, tiếp đến là các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác.

Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong bốn ngày (từ ngày 12 đến 15-7). Về kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân trong 12 ngày, chia làm hai đợt. Đợt 1 (từ ngày 21 đến 25-7) kiểm điểm tự phê bình và phê bình bốn lãnh đạo chủ chốt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

Đợt 2, trong bảy ngày (từ ngày 1 đến 7-8), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn lại.

NGHĨA NHÂN/Pháp luật TPHCM