Bộ đội Cụ Hồ dẫn đường trong cuộc chiến chống lại COVID-19

22/12/2021 09:07
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong cuộc chiến sinh tử với "giặc" COVID-19, nhiều người dân đã được cứu sống nhờ những quyết định táo bạo và đầy sáng tạo của lực lượng các bác sỹ quân y.

Đại dịch COVID-19 bước vào năm thứ 2 với hai đợt dịch thứ 3 và thứ 4 bùng phát phức tạp, nhiều thiệt hại, khó khống chế hơn gấp bội, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam đã trải qua những tháng ngày không thể nào quên, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường ở nhiều địa phương trên cả nước.

Chính trong thời khắc khó khăn ấy, chúng ta đã chứng kiến những hình ảnh xúc động, sâu sắc, những nghĩa cử cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ với nhân dân. Những người lính đã hỗ trợ nhân dân thành phố không chỉ bằng mệnh lệnh của người chỉ huy mà còn bằng mệnh lệnh từ trái tim.

Trong cuộc chiến sinh tử, nhiều người dân cũng đã được cứu sống nhờ quyết định táo bạo và sáng tạo của các bác sỹ quân y. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong cuộc chiến sinh tử, nhiều người dân cũng đã được cứu sống nhờ quyết định táo bạo và sáng tạo của các bác sỹ quân y. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều quyết định táo bạo

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, những người lính không chỉ giúp lo an sinh, giãn cách mà bộ đội còn tham gia vào việc chữa bệnh cho F0 tại nhà cũng như tại bệnh viện dã chiến, lo cho dân khi không may có người mất đi.

Trong cuộc chiến sinh tử ấy, nhiều người dân cũng đã được cứu sống nhờ quyết định táo bạo và đầy sáng tạo của các bác sỹ quân y.

Ở Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Quân y 175) có thời điểm tiếp nhận bệnh nhân là sản phụ diễn biến phức tạp sau ca mổ sinh, suy hô hấp nặng. Tuy nhiên, hai máy ECMO (tim phổi nhân tạo) hiện có tại trung tâm đã cho hai ca F0 nặng khác sử dụng.

Ngay lúc đó, Thượng tá Vũ Đình Ân (Phó giám đốc Trung tâm), thiếu tá Diệp Hồng Kháng (Trưởng Khoa Hồi sức tích cực của Trung tâm) và thượng úy Nguyễn Cảnh Chung sau khi tham vấn các chuyên gia về máy đã cùng các kỹ sư quyết định cải tiến, chia đôi máy thở ECMO điều trị cho 2 sản phụ Nguyễn Thị Thu Trinh và Nguyễn Thị Ngọc Hoài.

Đây được xem là bước đi sáng tạo của các bác sỹ, bởi thông thường mỗi máy ECMO chỉ dùng cho một bệnh nhân trong một thời điểm. Cuối cùng, cả hai bệnh nhân đều đã ổn định ra viện.

Lực lượng quân y chăm sóc sức khoẻ cho người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lực lượng quân y chăm sóc sức khoẻ cho người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trung tướng Ngô Minh Tiến - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho hay có lẽ chưa bao giờ trong 30 năm gần đây, quân đội lại huy động một lực lượng lớn như vậy chi viện cho miền Nam tham gia chống dịch.

Thời điểm cao nhất, quân đội đã điều trên 140.000 cán bộ chiến sỹ quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, trong đó có trên 10.000 bác sỹ quân y chủ động ngay từ thời gian đầu xây dựng các phương án cụ thể để phối hợp cứu chữa người bệnh.

Chung tay với cả nước, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; trong đó có Bộ Y tế và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Học viện Quân Y đã thực hiện các lời hiệu triệu luôn luôn sẵn sàng đi đầu vào những nơi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể, đội ngũ y bác sỹ và sinh viên quân y đã tham gia những đợt tăng cường cùng với Bộ Y tế cũng như các địa phương từ đợt dịch tại Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang và tăng cường cho Hà Nội cùng các tỉnh xung quanh. Đến nay, vẫn còn 300 y bác sỹ, học viên đang chi viện tại các tỉnh, thành phía Nam.

Tổng quân số của Học viện Quân y đi chi viện, kể các giảng viên và các bác sỹ sau đại học, các học viên vào Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 3.000 lượt người, tổ chức dưới nhiều hình thức như lập bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị và chia sẻ những bệnh nhân nặng đối với các bệnh viện khác trong Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Có những lúc, quân số của Học viện Quân y tại Hà Nội chỉ còn 132 sinh viên đủ để đi canh gác, còn gần như học viên đều học ở “chiến trường” phía Nam, trong khi nhà trường trước kia luôn có 3.500-4.000 học viên tại trường.

Tổng quân số của Học viện Quân y đi chi viện vào Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 3.000 lượt người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng quân số của Học viện Quân y đi chi viện vào Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 3.000 lượt người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã phối hợp để tạo thành những bệnh xá lưu động theo đúng tinh thần của quân đội trong thời chiến.

Các tổ lưu động gồm có các bác sỹ quân y và sinh viên quân y xuống phối hợp cùng với y tế cơ sở đi xe máy, vào từng ngõ ngách chăm sóc cho người dân.

Các chiến sỹ quân y thực hiện phối hợp với nhau để làm việc, phát hiện, tư vấn điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bà con không chỉ COVID-19 mà cả các bệnh khác ngay tại nhà.

Tôi cho rằng đây là một mô hình mà các bộ, ngành, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và chúng ta đã phối hợp hết sức hiệu quả với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương bây giờ là Cần Thơ… rất hiệu quả,” Giám đốc Học viện Quân y, giáo sư Vũ Quyết nhấn mạnh.

Những trái tim phụng sự nhân dân

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 21/8/2021, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đưa ra quyết định rất khó khăn nhưng đúng đắn, kịp thời, được lòng dân là điều lực lượng quân đội, công an, y tế giúp đỡ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam tăng cường chống dịch.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sỹ toàn quân và lực lượng dân quân, tự vệ không ngại hiểm nguy, gác lại nỗi niềm riêng tư để thực hiện “trách nhiệm phụng sự nhân dân".

Các chiến sỹ quân y lên đường vào chi viện phía Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chiến sỹ quân y lên đường vào chi viện phía Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong đợt dịch thứ tư, hơn 140.000 cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ đã được huy động tham gia phòng, chống dịch; triển khai, duy trì hoạt động của 190 khu cách ly tập trung; tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh; phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, đi chợ giúp dân, lo hậu sự và vận chuyển tro cốt đồng bào tử vong vì COVID-19....

Hơn 600 tổ quân y lưu động từ miền Bắc vào chi viện đã ngày ngày với bình oxy, túi thuốc đến từng gia đình trực tiếp chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân COVID-19, trong đó có rất nhiều bệnh nhân F0 trở nặng. Sáng kiến này đã góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Những người con của nhân dân mang sứ mệnh "màu xanh áo lính" đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, cần mẫn hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch, đi chợ, thu hoạch nông sản, phục vụ trong khu cách ly, canh gác các chốt kiểm dịch, cứu chữa người bệnh, chăm sóc em bé mồ côi, mai táng đồng bào tử vong do dịch bệnh bằng tất cả tấm lòng và trái tim chan chứa tình người.

Bác sỹ quân y đi từng ngõ, gõ từng nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ quân y đi từng ngõ, gõ từng nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng chính nghĩa tình quân dân là giá trị nội lực, sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước và vượt qua những thời khắc khó khăn của lịch sử như đại dịch COVID-19.

Trong thời bình, những người lính sống trong lòng nhân dân, giúp dân cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, địch họa, cứu hộ cứu nạn... Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những người con mang màu xanh áo lính đi giữa "vùng đỏ" - các tâm dịch để giúp đồng bào...

Trong những ngày tháng qua và đến tận bây giờ, cuộc chiến phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam đã được "dẫn đường" bằng những trái tim, trong đó có trái tim của anh bộ đội Cụ Hồ. Trái tim đó đã mách bảo những người lính vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, đến nơi nhân dân cần và phục vụ nhân dân.

Theo TTXVN