Bộ GTVT “tố” Bộ XD thanh tra sai thẩm quyền

09/06/2011 00:06
Việc Bộ GTVT “tố” Bộ Xây dựng thanh tra sai thẩm quyền, sau đó Bộ Xây dựng đáp lại bằng một văn bản không kém phần “cứng rắn” đang được coi là sự kiện hi hữu...
Việc Bộ GTVT “tố” Bộ Xây dựng thanh tra sai thẩm quyền, sau đó Bộ Xây dựng đáp lại bằng một văn bản không kém phần “cứng rắn” đang được coi là sự kiện hi hữu trong công tác thanh tra.
Rất có thể Chính phủ sẽ phải đứng ra để phân xử đúng, sai.
Bộ GTVT: Bộ Xây dựng thanh tra trái quy định
Cuối năm 2010, Bộ Xây dựng đã có kết luận thanh tra số 2392 về công tác quản lý đầu tư xây dựng của Ban Quản lý dự án 1 và hai dự án cải tạo quốc lộ 12; mở rộng quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ. Sau đó, Bộ GTVT đã có phản ứng mạnh mẽ. Trong công văn gửi Bộ Xây dựng, Bộ GTVT khẳng định: Công tác thanh tra, kiểm tra về công tác đấu thầu đối với các dự án thuộc ngành GTVT không thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và cũng không thuộc phạm vi thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Đặc biệt, Bộ GTVT còn cho rằng Thanh tra Bộ Xây dựng đã vi phạm về các hành vi bị cấm quy định tại Điều 12 của Luật Thanh tra năm 2004. Thanh tra Bộ Xây dựng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái luật; thanh tra vượt quá thẩm quyền, phạm vi nội dung trong quyết định thanh tra.
Chiều 8-6, ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, khẳng định: Bộ GTVT sẽ có văn bản phúc đáp những ý kiến của Bộ Xây dựng. Trường hợp Bộ Xây dựng vẫn không đồng ý, có thể Bộ GTVT sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ giải quyết.
“Khi tiến hành thanh tra, chúng ta phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Ví như, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ được thanh tra các vấn đề tài chính, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra về đấu thầu, Thanh tra Bộ Xây dựng là về quản lý chất lượng… Việc thanh tra vượt thẩm quyền so với quy định cho phép là trái luật. Ví như Bộ Tài chính thì không thể thanh tra chất lượng công trình được” - ông Hào nói.
Một đoạn quốc lộ 1 Mỹ Thuận-Cần Thơ. Ảnh: CTV
Một đoạn quốc lộ 1 Mỹ Thuận-Cần Thơ. Ảnh: CTV
Bộ Xây dựng: Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ pháp luật
Trước phản ứng của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đã có văn bản phúc đáp, trong đó cho rằng: Điều 17 Nghị định 46/2005 có quy định nội dung thanh tra chuyên ngành xây dựng: Thực hiện thanh tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động xây dựng gồm 13 mục cho toàn bộ các công việc trong suốt quá trình thực hiện dự án đầu tư từ công tác lập dự án đầu tư đến khi đưa công trình vào sử dụng; thanh, quyết toán công trình, trong đó tại khoản 5 là nội dung: “Công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng”…
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT cần thận trọng, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật trước khi ban hành văn bản, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, nội dung trong công văn trên của Bộ GTVT là những nội dung giải trình của các đơn vị và đã được đoàn thanh tra làm rõ với các đơn vị trong quá trình thanh tra trước khi trình bộ trưởng Bộ Xây dựng ký kết luận.
Được biết, theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, trong quá trình thực hiện công tác quản lý các dự án đầu tư, PMU 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT) còn nhiều thiếu sót, sơ hở, tùy tiện, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, gây thất thoát vốn đầu tư. Điều này thể hiện qua các công tác lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán chi phí xây dựng, lựa chọn nhà thầu không tuân thủ các quy định của pháp luật làm lãng phí và thất thoát rất lớn vốn đầu tư của Nhà nước. Thanh tra Bộ Xây dựng đã làm rõ tổng số tiền thất thoát từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt dự toán không đúng quy định của Nhà nước là gần 125 tỉ đồng. Tại dự án cải tạo quốc lộ 12, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước số tiền lãi do thanh toán trước là 815 triệu đồng. Số tiền này được nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Tranh chấp hi hữu
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản cho biết ông chưa tiếp cận hồ sơ tranh chấp thẩm quyền thanh tra giữa Bộ Xây dựng với Bộ GTVT. Tuy nhiên, theo ông, việc tranh chấp ở cấp bộ như vậy là khá hi hữu. “Thường thì thanh tra việc gì các bộ trưởng đều có trao đổi, phối hợp với nhau. Đều là thành viên Chính phủ cả nên có việc gì họ sẽ tự bàn bạc, dàn xếp với nhau” - ông Sản nói.
Theo ông Sản, Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thanh tra. Luật giao cho tổng thanh tra chức năng “chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các thanh tra bộ; giữa thanh tra bộ với thanh tra tỉnh”. Nhưng thực tiễn, Thanh tra Chính phủ mới chỉ xử lý những chồng chéo giữa thanh tra bộ với thanh tra tỉnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Khanh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành thuộc Thanh tra Chính phủ, về nguyên tắc, thanh tra bộ chỉ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ. Chỉ riêng Thanh tra Chính phủ là được quyền thanh tra toàn diện, phủ khắp tất cả lĩnh vực quản lý Nhà nước của Chính phủ - tức bao gồm mọi mảng quản lý Nhà nước của các bộ cộng lại.
Theo Pháp luật TPHCM