Bộ Tư pháp nói nếu Bộ Tài nguyên chưa thể làm tốt hơn thì đừng làm vội

30/11/2017 14:14
Vũ Phương
(GDVN) - Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, nếu chưa đủ điều kiện, chưa lường được khó khăn, vướng mắc xã hội thì Bộ Tài nguyên có thể ngừng hiệu lực Thông tư 33.

Chỉ còn ít ngày nữa Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có hiệu lực và đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh văn bản trên của ngành tài nguyên như một "hủ tục hành chính" ngay sau khi thông tin Thông tư 33 quy định khó hiểu trên đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận.

Nhiều người dân còn tỏ ra hoang mang, bởi trong thực tế, không ít người xin nhập hộ khẩu, đặc biệt là hộ khẩu ở các thành phố lớn và được gia chủ cho ...nhờ. Thông tư có hiệu lực đồng nghĩa những người thân, họ hàng, cô, dì, chú, bác, cháu… có tên trong sổ hộ khẩu có người sẽ đòi ghi thêm tên vào sổ đỏ.  

Những phiền phức và thậm chí gây mâu thuẫn gia đình, kiện tụng, tranh chấp hoàn toàn có thể xảy ra nếu những người không có công sức, không đóng góp tài sản trên bỗng một ngày nghĩ mình là chủ tài sản đó vì được ghi tên.  

Không ít ý kiến bày tỏ việc ban hành Thông tư 33 quy định ghi thêm tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là việc làm thừa thãi và vô trách nhiệm của ngành tài nguyên.

Thậm chí có nhiều ý kiến còn thẳng thắn đặt câu hỏi quy định khó hiểu của ngành tài nguyên ban hành người dân được hưởng lợi gì? Ngành tài nguyên không làm được tốt hơn cho người dân thì xin đừng làm.

Quy định ghi thêm tên vào sổ đỏ như một bước lùi, dội gáo nước lạnh của ngành tài nguyên vào nỗ lực cải cách hành chính của nước nhà. Hay không ít người còn "xếp hạng" thông tư 33 là văn bản pháp luật ban hành tệ nhất năm. 

Cùng với quy định đầy khó hiểu trên, nhiều ý kiến bày tỏ việc ghi tên đẩy đủ các thành viên vào sổ đỏ thì những sổ đỏ đã làm trước đó có phải làm lại hay không?.

Cũng như nếu phải ghi đầy đủ các thành viên vào sổ đỏ, vậy trường hợp gia đình nào mỗi lần có  người sinh ra hay mất đi lại phải làm lại sổ đỏ hay sao.

Cũng như việc sau này muốn chuyển nhượng nhà đất lại phải xin xác nhận của từng người?...

Nhiều người còn đặt câu hỏi khá hài hước nhưng thực tế hoàn toàn có thật như tại phố cổ Hà Nội có vài chục hộ gia đình cùng chung sống một nơi.

Trong đó, có cả phần sở hữu chung và riêng, tổng số các thành viên nếu phải ghi vào sổ đỏ sẽ lên tới cả trăm người, vậy sổ đỏ có ghi hết được không? Và khi bán, chuyển nhượng sổ đỏ đó người dân phải xin đủ hàng trăm chữ ký hay sao?

Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - ông Đồng Ngọc Ba cho rằng, nếu chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét lùi thời hạn hiệu lực quy định ghi thêm tên thành viên gia đình vào sổ đỏ. Ảnh: Bộ Tư Pháp.
Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - ông Đồng Ngọc Ba cho rằng, nếu chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét lùi thời hạn hiệu lực quy định ghi thêm tên thành viên gia đình vào sổ đỏ. Ảnh: Bộ Tư Pháp. 

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: “Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật không được giao thẩm quyền kiểm tra, kết luận về tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật trên.

Nhưng qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, chúng tôi chưa thực sự yên tâm về tính khả thi của quy định này và đã có ý kiến trực tiếp tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến theo thủ tục quy định, nhưng việc để sau khi ban hành quy định, một bộ phận người dân không đồng thuận, gây bức xúc xã hội, thì cần nghiêm túc xem xét lại phương pháp làm, chất lượng của việc lấy ý kiến về dự thảo quy định này trước khi ban hành”.

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba thẳng thắn nêu: “Nếu các điều kiện cần thiết để triển khai quy định tại Thông tư 33 chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa lường hết và có giải pháp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về các vấn đề đã nêu trên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét việc lùi thời điểm có hiệu lực của quy định này để có thêm thời gian chuẩn bị, trong đó cũng cần quan tâm việc truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội”.

Những giải thích của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ghi thêm tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ khiến người dân khó hiểu. Ảnh: R.T
Những giải thích của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ghi thêm tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ khiến người dân khó hiểu. Ảnh: R.T

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: “Tính hợp hiến, hợp pháp và tính phù hợp thì quy định tại thông tư 33 hoàn toàn không có vấn đề gì. Vấn đề ở đây là khâu tổ chức triển khai có hai đối tượng là cơ quan tổ chức và người sử dụng đất.

Trách nhiệm của Bộ là sẽ có hướng dẫn chi tiết cho các địa phương. Qua trao đổi với địa phương, các văn phòng đăng ký đất đai thì nói Thông tư 33 không có vướng mắc gì vẫn triển khai bình thường. Trước đó ghi một người, giờ ghi thêm đủ các thành viên vào.

Đối với người dân, trong đơn đề nghị cấp giấy sử dụng đất có hướng dẫn ghi tên rồi, trước đây là ghi tên ông (hoặc bà), bây giờ khai thêm các thành viên có quyền sử dụng đất vào.

Còn trường hợp cấp giấy chứng nhận rồi thì vẫn có giá trị pháp lý, họ vẫn tham gia giao dịch bình thường. Còn gia đình nào đã cấp sổ đỏ rồi mà người ta thấy là cần phải minh bạch hóa thì chỉ cần làm đơn đăng ký biến động bổ sung tên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cái này cũng có mẫu đơn sẵn”.

Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ

Ông Mai Văn Phấn cho rằng: “Có thể dư luận đang hiểu “Hộ gia đình sử dụng đất” và “Hộ gia đình” theo sổ hộ khẩu theo cách hiểu thông thường.

Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau, một cái quản lý về nhân hộ khẩu và một cái quản lý về người sử dụng đất”.

Trước câu hỏi của phóng viên, Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường nên lùi thời hạn hiệu lực Thông tư 33.

Về việc này, ông Mai Văn Phấn cho rằng: “Quyết định lùi thời hạn hiệu lực Thông tư 33 hay không là quyết định của lãnh đạo bộ”.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 27/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định quá trình xây dựng Thông tư 33 đã được tiến hành theo đúng trình tự và xin ý kiến góp của các bộ ngành liên quan.

Cũng theo Thứ trưởng Hoa, quản lý đất đai là lĩnh vực rất nhạy cảm nên việc xây dựng văn bản có những quy định mà người trong ngành hiểu ngay nhưng bên ngoài mọi người chưa hiểu đúng ý.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng thừa nhận, những “thiếu sót” khi ban hành Thông tư 33 khiến dư luận hiểu chưa thật đúng. Cách diễn đạt trong thông tư trong ngành sẽ hiểu nhưng bên ngoài có thể chưa hiểu đúng ý. Do đó, Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này”. 

Vũ Phương