Bún mắng, cháo chửi, bán hàng đốt vía trong mắt một người Hà Nội gốc

06/07/2012 14:21
Nguyễn Tiến
(GDVN) - Bà Lê Ê-lê-na cho biết: "Ngày xưa, người mua người bán rất lịch sự, không có chuyện lườm nguýt, đốt vía đốt vang, chửi tục chém gió, rủa xả độc địa như bây giờ".
Xung quanh câu chuyện về văn hóa phục vụ của không ít nhân viên, chủ nhà hàng, cửa hàng dành cho khách hàng trên mảnh đất Hà Nội đã lưu danh thành tiếng xấu như: "bún mắng, cháo chửi, đốt vía...", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Để bạn đọc có sự nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn về văn hóa bán hàng và những nét đẹp của người Hà Nội thời xưa và nay, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Lê Ê-lê-na, một người sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho giáo đã nhiều đời sinh sống ở thủ đô Hà Nội (tại Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong câu chuyện, bà đã chia sẻ những thông tin, cách nhìn nhận và sự thay đổi của văn hóa Hà Nội xưa và nay.
Chỉ là quán bún dọc mùng với chân giò, lưỡi lợn nhưng theo phản ánh của nhiều thực khách, nếu ai đó cao hứng hỏi han hay thắc mắc gì lập tức sẽ bị "ăn chửi" của bà chủ quán.
Chỉ là quán bún dọc mùng với chân giò, lưỡi lợn nhưng theo phản ánh của nhiều thực khách, nếu ai đó cao hứng hỏi han hay thắc mắc gì lập tức sẽ bị "ăn chửi" của bà chủ quán.
Liên quan đến những quán ăn, thái độ phục vụ và văn hóa ứng xử của các nhà hàng, quán ăn như: bún mắng, cháo chửi tồn tại bấy lâu nay ở Hà Nội bà Ê-lê-na cho rằng: Khởi đầu của bún mắng, cháo chửi có thể là sự "độc đáo".
Có thể xuất phát từ tâm lý của một số khách gần nơi "quán chửi" thì chấp nhận gần - rẻ - ngon. Một số khách nghèo thì chấp nhận rẻ - ngon. Một số khách dễ tính chỉ cần qua cơn đói là xong. Một số khách thì do lỡ bữa hay lỡ độ đường ghé vào...". 

Khi được hỏi về văn hóa mua bán của ngày xưa còn trong tâm trí của mình, bà Lê Ê-lê-na cho biết: "Ngày xưa, ở Hà Nội bên mua bên bán nhã nhặn với nhau ở mức mà bây giờ lớp trẻ không tưởng tượng được, chẳng những nhã nhặn mà còn rất giữ chữ tín.

Họ trao và nhận món hàng bằng hai tay kèm câu cảm ơn, lời chào từ hai phía. Họ mời mua rất lễ độ: “Bác mua giúp con, cá tươi lắm ạ”, “Chúng con có mẫu lụa mới, xin mời bà xem ạ.”. Bị từ chối người bán vẫn lịch sự: “Dạ, vâng, mai mốt bà mua cho con đắt hàng bà nhé”.

Người mua từ chối cũng lịch sự: “Cảm ơn cô, hôm nay tôi có việc, chúc cô mau hàng”. Nhận tiền của khách trả thì nói: “Con xin bà”… không có chuyện lườm nguýt, đốt vía đốt vang, chửi tục chém gió, rủa xả độc địa như bây giờ".


Trong tâm trí của bà Lê Ê-lê-na thì người Hà Nội xưa không những buôn bán có văn hóa mà luôn giữ được những nề nếp sinh hoạt quy củ. Người đàn ông trong nhà không bao giờ mặc quần đùi, áo may ô ra ngoài đường. Còn người phụ nữ thì lúc nào cũng phải mặc áo dài.

“Người phụ nữ ngày xưa khi ở nhà mặc bộ đồ làm việc nhưng khi có khách tới nhà thì lập tức phải thay quần áo để vào tiếp khách chứ không có chuyện mặc những thứ đồ khi đang nấu nướng… mà ngồi tiếp khách. Người phụ nữ khi ra đường bao giờ cũng phải mặc áo dài, kể cả là những người gánh hàng rong.

Bà Lê Ê-lê-na (bên phải) trong một lần thăm trại trẻ mồ côi
Bà Lê Ê-lê-na (bên phải) trong một lần thăm trại trẻ mồ côi


Chỉ có một số người mà ngày xưa gọi là "con sen" thì khi đi chợ mới mặc áo ngắn. Sau này vì điều kiện khó nên không có áo dài nhưng người phụ nữ vẫn mặc áo cánh chứ không bao giờ mặc áo ngắn tay ra ngoài”, bà Ê-lê-na nói.

Bà Ê-lê-na cho biết, ngày xưa con cái hay bất kì ai đi đâu ra khỏi nhà đều phải chào hỏi. Thậm chí khi ở nhà có người giúp việc thì người nhà khi đi ra ngoài vẫn chào là “chị ở nhà nhé tôi đi ra ngoài”. 

Trong kí ức của bà Ê-lê-na vẫn còn nhớ như in những hình ảnh mà có lẽ bây giờ đã trở thành dĩ vãng: “Ngày xưa người Hà Nội còn văn minh đến mức, khi bố thí cho người ăn xin cũng đưa hai tay. Ngày còn nhỏ, tôi biết có gia đình khi bữa ăn của gia đình còn dư ra một chút, cụ ấy phơi trên bể nước cho khô. Sau đó cụ lấy giấy gói chút cơm thừa ấy rồi mang ra dọc bờ hồ Hoàn Kiếm và cho những những ăn xin ở đấy. Nhưng khi đưa cho người ta cụ cũng tôn trọng đưa bằng hai tay”.
Bà Ê-lê-na cũng cho biết, một gia đình có nề nếp là một gia đình giáo dục con cái rất tốt. “Từ cách đôi đũa cũng được dạy cầm như thế nào cho đúng cách. Khi cầm đũa, không được cầm cao lên hay thấp xuống, các ngón tay không được chĩa ra ngoài. Khi gắp thức ăn không được úp tay xuống mà phải gắp ngang bàn tay mình. Phải học từ những cách búi tóc ra làm sao, đánh răng rửa mặt như thế nào, rửa nhà vệ sinh ra làm sao…”
Bà Lê Ê-lê-na 50 tuổi, sinh ra trong gia đình trí thức yêu nước, Nho học, Tây học. Cụ cố bên ngoại là nhà yêu nước Thái Phiên hiệu Nam Xương, tu sỹ Phật giáo, dạy học và tham gia phong trào Duy Tân, Đông Du cùng các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Sau đó tham gia lãnh đạo tổ chức khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội. Bà ngoại - nhà yêu nước, liệt sỹ Thái Thị Bôi, Đảng viên nữ đầu tiên của chi bộ Thanh niên CM đồng chí hội Trung Kỳ, người tổ chức rất nhiều cơ sở kinh doanh sản xuất để cung cấp tài chính cho Đảng CS hoạt động. Ông ngoại bà, cụ Lê Văn Hiến tham gia chi bộ Đảng xã hội Pháp (SFIO) tại Đà Nẵng, cố Bộ trưởng trong chính phủ lâm thời 1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VNDC Cộng Hoà tại Vương quốc Lào, nghỉ hưu làm chủ nhiệm câu lạc bộ Thăng Long… Ông nội là Trung tướng quân đội Liên Xô, cha mẹ đều là trí thức, học vấn cao ngành toán điều khiển, dân tộc học và nghiên cứu khoa học ngoại cảm.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Văn hóa ứng xử nơi công cộng  Hình ảnh cười chỉ có ở giao thông VN
Hà Nội - một thời để nhớ
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
Nguyễn Tiến