Các Đại biểu Quốc hội chia sẻ tâm tư cùng bà con Đồng Tâm

15/06/2017 07:15
Bạch Đằng
(GDVN) - Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà: "Ở góc độ của một đại biểu Quốc hội và người làm việc trong lĩnh vực pháp luật tôi tin rằng pháp luật sẽ có đại lượng và công bằng".

Thông tin khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngày 14/6, bên lề nghị trường Quốc hội kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, nhiều Đại biểu đã chia sẻ sự cảm thông và nỗi lòng của mình với bà con Đồng Tâm sau khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án để điều tra.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà đoàn Hà Nội (ảnh Bạch Đằng).
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà đoàn Hà Nội (ảnh Bạch Đằng).

Chia sẻ với báo chí, Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Vụ Đồng Tâm nói riêng và các vụ vi phạm pháp luật nói chung, chúng ta cũng đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Vì đất nước Việt Nam chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật nên bất kể cá nhân, cơ quan, tổ chức nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hình sự, về pháp luật hành chính, trách nhiệm kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Việc khởi tố hình sự hay không dựa trên cơ sở của pháp luật, nếu có dấu hiệu của tội phạm buộc phải khởi tố, không có trường hợp nào ngoại lệ”.

Các Đại biểu Quốc hội chia sẻ tâm tư cùng bà con Đồng Tâm ảnh 2Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận gay gắt về cách giải quyết vụ Đồng Tâm

Bình luận thêm, Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng: “Trong pháp luật có quy định những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ xử phạt hành chính. Có những tình tiết miễn trừ trách nhiệm hình sự và hành chính.

Trên cơ sở đó, chúng ta căn cứ vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm để quyết định có xử hay không  xử, miễn hay không miễn và xử nặng hay nhẹ.

Kể cả có khởi tố vẫn có thể miễn trách nhiệm hình sự và miễn xử phạt; cũng có thể xử mà cho hưởng án treo hoặc chỉ xử theo hình thức rất nhẹ là cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Vấn đề quan trọng nhất đó chính là vấn đề phải thực thi pháp luật cho đúng.

Và sau khi cân nhắc, đánh giá có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hành chính, miễn hình phạt, miễn xử phạt và giảm nhẹ và áp dụng những biện pháp cưỡng chế thấp nhất theo quy định của pháp luật”.

Chia sẻ tâm trạng của bà con Đồng Tâm thời điểm này, vị đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội cho rằng: “Tôi rất chia sẻ với tâm tư của bà con.

Vấn đề khởi tố, có thể bà con và dư luận cho rằng đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị coi là tội phạm.

Tuy nhiên, đứng trước góc độ của một đại biểu Quốc hội và một người đã từng làm việc trong lĩnh vực pháp luật tôi tin rằng pháp luật sẽ có đại lượng và công bằng đối với những người mà có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả cũng như thái độ hợp tác đối với các cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý tội phạm". 

Bình luận về cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trước đây với bà con ở Đồng Tâm, ông Đỗ Đức Hồng Hà bày tỏ quan điểm: “Vào thời điểm nhất định nào đó, có hành vi mà chúng ta chưa thể khẳng định là sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì lời hứa của người có trách nhiệm như vậy có thể nói là phù hợp với hoàn cảnh và tình hình như vậy”.

Nói về kết quả thanh tra, vị đại biểu này cho rằng mong muốn có kết quả theo hướng tốt nhất cho tất cả mọi người.

Đại biểu Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai (ảnh Bạch Đằng).
Đại biểu Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai (ảnh Bạch Đằng).

Cũng bên lề nghị trường Quốc hội, ngày 14/6, bình luận về việc khởi tố vụ án trong vụ việc ở Đồng Tâm, Đại biểu Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai cho rằng: “Việc khởi tố vụ án là một khâu trong quá trình tố tụng, bởi sự việc diễn ra rồi ai cũng biết.

Tôi nhớ khi gặp bà con ở dưới đó, một trong những câu đầu tiên, tâm thư gửi lên trên là nhận lỗi của mình, nhận việc làm là sai như nội dung khởi tố lần này như đập phá tài sản, bắt giữ người.

Điều quan trọng là phải điều tra làm rõ mức độ đến đâu và đặt trong tương quan chung nhiều vấn đề từ phía dân, chính quyền, vấn đề quản lý đất đai… thì mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng có truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cho nên, tôi nghĩ đây là khâu bắt buộc phải làm để có các bước tiếp theo".

Các Đại biểu Quốc hội chia sẻ tâm tư cùng bà con Đồng Tâm ảnh 4Vụ việc Đồng Tâm: Cơ quan công quyền nếu sai sẽ bị xem xét

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết thêm: "Hôm qua, bà con ở Đồng Tâm có gọi điện cho tôi, tôi bảo trước hết ta nên bình tĩnh.

Phải nhìn nhận vấn đề như một tất yếu mà cơ quan chức năng phải làm.

Tôi nói rằng, bà con cần hết sức bình tĩnh để hợp tác với cơ quan điều tra giúp làm sáng tỏ vấn đề”.

Theo vị đại biểu Quốc hội này: “Yếu tố tâm lý rất quan trọng, tôi cũng mong muốn bên cạnh việc làm đúng chức trách của mình, cơ quan chức năng cũng cần có cách tiếp cận để làm sao bà con có sự yên tâm.

Điều tra là để pháp luật vào cuộc nhằm bảo đảm ổn định bền vững lâu dài. Cũng có nghĩa chúng ta cần phải điều tra những cái khác nữa, những yếu tố khác thì sao, như liên quan đến quản lý đất đai cũng phải làm sáng tỏ.

Vì kết luận là kết luận thanh tra toàn diện, kể cả việc hành xử với cụ Kình cũng phải làm rõ vì gây bức xúc cho người dân”.

Nói  thêm về bản cam kết trước đó giữa Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với bà con Đồng Tâm, ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Viết bản cảm kết là giải pháp tình huống, tôi là người có mặt ở đó tôi hiểu. Theo cách hiểu đơn giản là để tháo ngòi nổ để sự việc dịu đi.

Hiện nay, công tác điều tra cho tốt để khẳng định rằng việc làm của bà con nếu có sai thì có lý do khách quan của nó. Cho nên, mức độ như thế nào, có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không là ở khâu sau chứ không phải khâu này”.

Cuối cùng vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Bà con Đồng Tâm cần phải bình tĩnh và hợp tác để tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Cơ quan chức năng cần giải quyết một cách toàn diện về vụ việc này để người dân cảm thấy yên lòng, kể cả họ có sai mà bị xử lý cũng phải tâm phục khẩu phục”.

Bạch Đằng