Càng ở trên cao càng phải là gương sáng

05/10/2018 10:25
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Phan Xuân Xiểm cho rằng: Trước đây, Bác Hồ từng nói vai trò của người đứng đầu, nhà không thể để dột nóc trở xuống.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng đang bàn về dự thảo “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Trong đó có quy định, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.

Càng ở trên cao càng phải là gương sáng ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ cần phải nêu gương như thế nào?

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, những điều mà mỗi Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống:

Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, "tư duy nhiệm kỳ", công thần, tự cao, tự đợi, háo danh, phô trương; hứa suông, nói không đi đôi với làm, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền...

Ngoài ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cần phải kiên quyết chống việc lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng; liên kết lập "sân sau”, "lợi ích nhóm "; sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi…

Sau khi nội dung của dự thảo được công bố đã nhận được sự chú ý của dư luận.

Trong đó, nhiều người kỳ vọng khi dự thảo này được thông qua và trở thành quy định chính thức trong Đảng sẽ có tác dụng lớn làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng và mang đến niềm tin hơn nữa của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Phan Xuân Xiểm cho rằng, quy định nêu gương với nhiều nội dung cụ thể sẽ có tính răn đe và cũng là cơ sở để ai vi phạm căn cứ vào đó xử lý, ngăn chặn (ảnh Trinh Phúc).
Ông Phan Xuân Xiểm cho rằng, quy định nêu gương với nhiều nội dung cụ thể sẽ có tính răn đe và cũng là cơ sở để ai vi phạm căn cứ vào đó xử lý, ngăn chặn (ảnh Trinh Phúc).

Để có góc nhìn sâu sắc hơn, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phan Xuân Xiểm, nguyên hàm Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo ông Xiểm với những quy định chi tiết, rạch ròi, có nhiều nội dụng bao trùm lên nhiều khía cạnh thì quy định trách nhiệm nêu gương là một quy định thực sự có ý nghĩa lớn trong công tác cán bộ và xây dựng Đảng.

Ông Xiểm cho rằng: “Tác dụng giáo dục và xây dựng Đảng thể hiện đối với cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương trong sáng. Trước đây, Bác Hồ từng nói vai trò của người đứng đầu, nhà không thể để dột nóc trở xuống.

Việc này lâu nay đã rõ nhưng lần này tiếp tục nhấn mạnh để thấy trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước”.

Cũng theo ông Xiểm, với các chức vụ càng cao thì càng phải rèn luyện hơn nữa để không vấp phải chuyện tiêu cực tham nhũng.

Càng ở trên cao càng phải là gương sáng ảnh 3Ngày xưa Bác Hồ từng dạy “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

“Người dân họ nhìn vào hành vi người cán bộ để người ta làm theo. Do đó, đã là cán bộ cốt cán, cấp cao thì phải gương mẫu - cái này rất xác đáng.

Đạo đức, lối sống của những cán bộ cấp cao luôn được dư luận chú trọng. Mọi hành vi liên quan những người này luôn là câu chuyện bao giờ cũng có tính thời sự, mang tính giáo dục.

Vì thế, việc quy định nêu gương với nhiều nội dung cụ thể sẽ có tính răn đe và cũng là cơ sở để ai vi phạm sẽ căn cứ vào đó xử lý, ngăn chặn”, ông Xiểm nói.

Bàn thêm về nội dung từ chức khi không còn uy tín, ông Phan Xuân Xiểm cho biết, đây là quy định để xem xét những cán bộ không gương mẫu.

Để đánh giá ai không gương mẫu thì ta đối chiếu vào các quy định cụ thể để xem xét họ vi phạm quy định nào.

Mỗi khi có hành vi đi trái với quy định nêu gương trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, hay vi phạm quy định về phẩm chất đạo đức và kể cả vấn đề gia đình đều sẽ bị xử lý.

“Cán bộ cấp cao để gia đình xa hoa, sống sa đọa làm sao nêu gương được nữa. Chính vì quy định nêu gương rất nhiều khía cạnh như thế nên buộc người cán bộ luôn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, soi xét lại mình.

Ở lĩnh vực nào cũng phải nêu gương, tấm gương có ý nghĩa chứ nói nghe rất hay nhưng không nêu gương trong hành động thì làm sao mà thuyết phục được nhân dân” – ông Phan Xuân Xiểm bình luận.

Cuối cùng vị này cho rằng, khi quy định nêu gương trở thành quy định chính thức của Đảng, đương nhiên có tác động tạo sự chuyển biến trong nhận thức hành động của cán bộ, Đảng viên.

Đặc biệt các cán bộ có cương vị, chức sắc, các cương vị trách nhiệm cao càng phải đòi hỏi nhiều hơn. Vi phạm theo đó mà xử lý.

Trinh Phúc