Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, dự thảo “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ông nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương 8 đi đến Quy định này dựa trên những yêu cầu, căn cứ cấp thiết.
Thứ nhất là chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Phạm trù nêu gương của cán bộ Đảng viên đã từng được đề ra. Gần đây nhất là từ nhiệm kỳ khóa XI của Đảng, Ban Bí thư đã có nhiều quy định. Đấy chính học tập và làm theo gương Bác.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: Lao Động |
Nêu gương chính là thuộc phạm trù đạo đức cách mạng. Tiếp đó, nêu gương cũng thuộc phạm trù phong cách của người lãnh đạo, Đảng viên chân chính.
Bác Hồ đã từng nhắc câu là “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để nhấn mạnh vai trò tiên phong của Đảng viên.
Kỳ này Trung ương đưa ra quy định như vậy chính là cụ thể hóa và một bước phát triển thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 về học tập làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cơ sở thứ hai là Đại hội Đảng khóa XII đã nêu ra vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị và tổ chức.
Vì thế, toàn Đảng đang triển khai thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức.
Trong xây dựng Đảng về đạo đức phải đưa ra hàng loạt chuẩn mực về đạo đức trong Đảng để mỗi cán bộ, Đảng viên noi theo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, các chuẩn mực đạo đức đó cũng phải dựa trên sự tổng kết.
Mỗi thời kỳ yêu cầu về đạo đức lại có điểm riêng. Trước đây, thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, người lãnh đạo đòi hỏi đức hy sinh... Giờ xây dựng đất nước đổi mới cũng có những chuẩn mực riêng nhưng đồng thời cũng có những yêu cầu chung.
Đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức không thể tách rời tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối trước đây.
Quy định về trách nhiệm nêu gương nhất là cán bộ cấp cao chính là triển khai xây dựng Đảng về đạo đức.
Cơ sở thứ ba là hiện nay chúng ta đang tiến hành xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
“Việc đề ra Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao góp phần tích cực vào quá trình chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức chính trị, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Bởi vì lãnh đạo cao nhất mà nêu gương thì nhất định cấp dưới, cán bộ, Đảng viên, nhân dân nhìn vào noi theo.
Một hành động làm gương thật sự trong sáng, có hiệu quả sẽ lan tỏa rất lớn trong đời sống của Đảng, xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ cần phải nêu gương như thế nào? |
Một việc làm tốt có ý nghĩa hơn hàng chục bài phát biểu với lời nói hoa mỹ, tốt đẹp”, ông Phúc khẳng định.
Cơ sở thứ tư là xuất phát từ bản chất cách mạng của Đảng tiền phong. Đảng ta là Đảng tiền phong cách mạng.
Nó đòi hỏi mỗi Đảng viên đều phải ở vị trí tiền phong. Cấp trên làm trước cấp dưới làm sau. Lãnh đạo cao nhất làm rồi đến các cán bộ.
“Tiền phong phải ở trên cả phương diện đạo đức lối sống, tiền phong trên lĩnh vực ra sức học tập để nâng cao trình độ, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tiền phong trong việc đoàn kết nội bộ, gắn bó với nhân dân để thực thi nhiệm vụ, đề cao tinh thần trách nhiệm.
Chính tiên phong trong hành động là để Đảng thực sự là Đảng chân chính, cách mạng, khoa học, vì dân vì nước”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Vị nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, Trung ương kỳ này thông qua được Quy định về trách nhiệm nêu gương theo yêu cầu của Tổng Bí thư là ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, nhất đinh nó sẽ tạo ra những chuyển biến.
“Chuyển biến từ lực lượng lãnh đạo cao nhất được ví như đầu tàu, đầu tàu khỏe, vận hành tốt thì sẽ lôi kéo được hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân mang lại chuyển biến tích cực”, ông Phúc nói.