GÓC NHÌN:

Chiến tranh Nga Mỹ sẽ xảy ra tại Syria?

24/11/2011 12:58
Trịnh Xuân Tuân (Tổng hợp)
(GDVN) - Tình hình Syria trở nên khó lường khi mà mới đây cả Nga, Mỹ và Liên quân đã có những động thái quân sự tại quốc gia Trung Đông này.

Tình hình Syria trở nên khó lường khi mà mới đây cả Nga, Mỹ và Liên quân đã có những động thái quân sự tại quốc gia Trung Đông này.

Syria đang trượt dài vào một cuộc nội chiến toàn diện khi mà bạo loạn kéo dài tám tháng qua dần leo thang thành cuộc xung đột thật sự. Cuộc xung đột này đã cướp đi mạng sống của hơn 3500 thường dân Syria.

Bất chấp thỏa thuận hòa bình của Liên đoàn Ả rập yêu cầu ngừng tấn công, và các lực lượng đối lập, binh lính của chính phủ ông Assad vẫn tiếp tục các cuộc đàn áp đẫm máu (theo cáo buộc của truyền thông quốc tế).

Tàu chiến của Hải quân Nga (ảnh minh họa)
Tàu chiến của Hải quân Nga (ảnh minh họa)

Trước tình hình căng thẳng đang diễn ra tại Syria, Mỹ và NATO đã có những động thái kiên quyết nhằm vào chính quyền tổng thống Syria sau những cáo buộc cho rằng Bashar Assad chỉ huy quân đội, cảnh sát tiếp tục có những hành động cứng rắn nhằm vào người biểu tình.

Thứ 5 tuần trước, Đức, Pháp và Anh đã đưa ra nghiên cứu tại Liên Hợp Quốc một bản dự thảo nghị quyết mới về Syria. Ba nước đề xuất Đại hội đồng lên án sự vi phạm nhân quyền tại quốc gia Ả Rập này.

Trước đó, dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria được các thành viên của châu Âu soạn thảo dưới sự ủng hộ của Mỹ, trong đó cáo buộc chính quyền Syria đàn áp người biểu tình; đồng thời cảnh báo có những hình phạt nặng hơn nếu Tổng thống Bashar Assad không dừng các hành động mạnh tay đối với người biểu tình.

Vấn đề Syria đã gây nên sự quan tâm chú ý của rất nhiều nước trên thế giới. Nhiều người bày tỏ sự quan ngại về một cuộc “đụng độ” lớn giữa Nga, Mỹ và Liên quân tại “sân sau” của Nga.

Trong nhiều năm qua, Nga đã nhiều lần “làm ngơ” trước nhiều vụ việc liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh tại nhiều quốc gia. Quyền phủ quyết là đặc quyền hiếm khi được sử dụng của các thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, lần này Nga đã phải sử dụng đến quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng bảo an nhằm chống lại dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria của Mỹ và Liên quân.

Tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Nga vào tháng 10/2011, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định rằng: “Không được biến Liên hợp quốc thành công cụ lật đổ chính quyền ở các nước”. Và đây được xem như là quan điểm của Nga về vấn đề Syria.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Syria Bashar al-Assad
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Mới đây, các nguồn tin cho hay, hôm 18/11 Nga đang gửi một số tàu chiến của họ đến vùng biển của Syria trong một động thái nhằm ngăn chặn bất kỳ một cuộc tấn công nào của NATO vào quốc gia này.

Động thái này của Nga nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Quân đội Syria và để đảm bảo rằng Nga có thể thực hiện được các hợp đồng bán vũ khí trị giá lên đến 3,5 tỷ USD cho quốc gia Trung Đông này.

Các nguồn tin cũng cho biết thêm rằng xe tăng Nga cũng đã tiến vào Syria để hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Và như là một phản ứng dây chuyền, trong khi Nga điều tàu chiến và xe tăng đến Syria thì Mỹ cũng đã điều 2 tàu sân bay tới gần biển Iran, theo các nguồn Arap.

Ngoài ra, mới đây, ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Rick Perry đã kêu gọi chính quyền Obama áp đặt một một vùng cấm bay tại Syria mà không cần chờ tới sự đồng ý của Liên Hợp Quốc.

Điều này làm dấy nên khả năng thúc đẩy một cuộc tấn công nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Assad.

Như vậy, tình hình Syria vốn đã căng thẳng nay lại càng trở nên khó lường hơn, khi mà cả Nga, Mỹ và liên quân đã có những động thái quân sự nhất định.

Quan điểm của Nga tại “sân sau” của mình có thể đã rõ. Nhưng Mỹ và NATO thì sao? “Can thiệp nhân đạo” hay là những “bước đi cuối cùng” trong lộ trình mở cuộc tấn công quân sự vào Iran từ Syria?

Và liệu có hay không một cuộc chiến giữa Nga Mỹ và liên quân (ít nhất là trên mặt trận ngoại giao) tại quốc gia Trung Đông này?

Trịnh Xuân Tuân (Tổng hợp)