"Chống dịch như chống giặc, cũng nên xem xét bỏ Thi quốc gia"

12/04/2020 06:21
LÃ TIẾN
(GDVN) - Ngày xưa chống giặc Mỹ, nước ta đã từng bỏ thi tốt nghiệp, giờ chống “giặc” Covid-19 thì cũng có thể xem xét bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Trước tình hình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều quan điểm của độc giả.

Có quan điểm ủng hộ việc tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia 2020, song cũng có quan điểm cho rằng Bộ nên bỏ kỳ thi này.

Thầy giáo Hoàng Xuân Khóa, Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie Hải Phòng cho rằng, phương án tối ưu nhất là bỏ thi quốc gia (Ảnh: Lã Tiến)
Thầy giáo Hoàng Xuân Khóa, Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie Hải Phòng cho rằng, phương án tối ưu nhất là bỏ thi quốc gia (Ảnh: Lã Tiến)

Về vấn đề này, thầy giáo Hoàng Xuân Khóa, Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie Hải Phòng cũng có góp ý gửi Giáo dục Việt Nam.

Theo thầy Khóa, để giải quyết chương trình học kì 2 của năm học 2019-2020 kịp tiến độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định tinh giản một phần nội dung kiến thức.

Cùng với đó, ngành giáo dục các tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình nhằm đảm bảo học sinh không bị gián đoạn việc học.

Tuy nhiên, thầy Khóa cho rằng, việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình sẽ không bảo đảm chất lượng như dạy trực tiếp trên lớp.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Muốn bỏ Thi quốc gia phải tính toán thật kỹ
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Muốn bỏ Thi quốc gia phải tính toán thật kỹ

Lý do, khi dạy trực tuyến, dạy trên truyền hình thì tương tác giữa giáo viên với học sinh giẳm hẳn.

Hơn nữa, không phải tất cả các em học sinh lớp 12 đều tự giác học tập trên truyền hình, tự giác học online.

Từ những lập luận trên, thầy Hoàng Xuân Khóa đưa ra 2 phương án cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Theo thầy Khóa, phương án tối ưu nhất là bỏ kỳ thi quốc gia và xét tốt nghiệp cho các em học sinh lớp 12.

Về phương án này, thầy Khóa chia sẻ: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Chống dịch như chống giặc. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Ngày xưa chống giặc Mỹ, nước ta đã từng bỏ thi tốt nghiệp, giờ chống “giặc” Covid-19 thì cũng có thể xem xét bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay”.

Cũng theo thầy Khóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên xem xét phương án xét tốt nghiệp cho học sinh nếu bỏ thi quốc gia.

Còn những em học sinh nào muốn thi đại học thì để các trường đại học tự tổ chức thi, tuyển sinh.

Ngày xưa chống giặc Mỹ, nước ta đã từng bỏ thi tốt nghiệp, giờ chống “giặc” Covid-19 thì cũng có thể xem xét bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay. (Ảnh: Lã Tiến)
Ngày xưa chống giặc Mỹ, nước ta đã từng bỏ thi tốt nghiệp, giờ chống “giặc” Covid-19 thì cũng có thể xem xét bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay. (Ảnh: Lã Tiến)

Thầy Khóa cho rằng, mấy năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia thì có nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh đỗ kỳ thi này trên 97%.

Cụ thể, tại thành phố Hải Phòng, năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 98%; đến năm học 2018-2019 tỷ lệ này là trên 97%, trong đó, nhiều trường tại Hải Phòng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%.

“Tổ chức kỳ thi quốc gia để làm gì chỉ để loại từ 2-3% số học sinh, trong khi kinh phí tổ chức cho kỳ thi khá tốn kém.

Tôi được biết, để tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra trung bình cho mỗi học sinh là 400.000 đồng.

Như thế, nếu cả nước có khoảng một triệu học sinh dự thi thì sau mỗi kỳ thi chúng ta tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng.

Trong bối cảnh Nhà nước đang phải “thắt lưng buộc bụng” và kêu gọi toàn xã hội chung tay vào công tác phòng, chống dịch bệnh như hiện nay thì việc bỏ ra hàng ngàn tỉ để tổ chức kỳ thi mà ai cũng biết trước tỉ lệ tốt nghiệp rất cao thì có nên không, có lãng phí không?”, thầy Khóa nói.

Phương án thứ 2, thầy Khóa cho rằng, nếu vẫn triển khai kỳ thi quốc gia thì đề thi chỉ tập trung kiến thức đến hết học kỳ 1 của lớp 12.

Còn kiến thức học kỳ 2 lớp 12 có thể bỏ, hoặc chỉ nên đưa 1 lượng nhỏ vào đề thi để đánh giá năng lực tự học và phân loại học sinh.

LÃ TIẾN