Mới đây dự thảo lần 2 Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua với sự đổi mới toàn diện ở cả 3 cấp học. Tuy nhiên, dự thảo đã gây nhiều tranh luận.
Đánh giá về dự thảo, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường cao đẳng, đại học Việt Nam cho rằng, chương trình lần này đã có những tiến bộ hơn hẳn so với trước.
“Tôi rất hoan nghênh việc đưa môn Ngoại ngữ xuống lớp 1. Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập, Tin học và Ngoại ngữ là hai thứ không thể thiếu. Bên cạnh đó dự thảo cũng chú ý đến việc tăng tính thực hành cho học sinh”, ông Nhĩ nói.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuy nhiên, khi đọc dự thảo, ông Nhĩ vẫn có băn khoăn khi theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, học sinh học hết bậc Trung học cơ sở phải được phân luồng nhưng theo chương trình mới, đến lớp 10, học sinh vẫn phải học rất nhiều môn thì liệu chương trình có giảm áp lực được cho học sinh?
Ông Nhĩ nhận định: “Chương trình đưa ra lần này của ta có vẻ như đang mô phỏng gần giống của Singapore, nhưng tại Singapore, cấp một có 6 năm, cấp hai là 4 năm, do đó, lớp 10 vẫn thuộc bậc Trung học cơ sở. Cấp 3 rút xuống còn 2 năm; lúc này chương trình học có tính phân luồng và phân hóa rất rõ ràng.
Tôi cho rằng ở cấp Trung học phổ thông của ta cần có sự phân hóa, nên chia ra 30-40% học sinh theo hướng nghiên cứu, 50-60% theo hướng ứng dụng thực hành. Nếu vậy thì tổ chức nhà trường cũng phải thay đổi theo”.
Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết đã tiếp thu những gì từ góp ý của nhân dân? |
Ngoài ra, bậc Tiểu học hiện nay của ta có thể thực hiện 6 năm.
Ông Nhĩ thông tin, trước đây cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của ta có thể đáp ứng cho lượng học sinh tương đối lớn. Nhưng do làm tốt vấn đề kế hoạch hóa gia đình nên lại bị thừa giáo viên tiểu học.
Ta đã giải quyết vấn đề này bằng cách đưa giáo viên đi đào tạo lại, cho về hưu non… Như vậy, nếu để bậc Tiểu học có 6 năm thì ta có đủ nguồn lực để thực hiện.
Còn như hiện nay, chương trình đưa ra vẫn mang tính chất hết cấp 1 lên cấp 2, hết cấp 2 lên cấp 3 rồi tất cả vào hết đại học mà chưa có tính phân luồng.
Ngoài ra, trong dự thảo có nêu ra việc tiến tới bỏ kỳ thi quốc gia thì ông Nhĩ cho rằng, nếu bỏ kỳ thi quốc gia thì phải thay đổi luật.
Trên thế giới, nhiều nước, học sinh học xong phổ thông đều phải thi để có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, bằng đó sẽ theo người học suốt cả cuộc đời.
“Do vậy, việc tổ chức thi hay bỏ kỳ thi quốc gia cần được xem xét kỹ lưỡng, không thể làm qua loa”, ông Nhĩ nhấn mạnh.
Bởi lẽ, trong luật có quy định học sinh học hết chương trình phổ thông đều phải trải qua kỳ thi để lấy bằng Trung học phổ thông. Nếu như bỏ kỳ thi quốc gia là phạm luật, hoặc phải sửa luật hoặc phải thiết kế sao cho phù hợp với luật.
Và một trong những điểm mới của dự thảo lần này là thay đổi chương trình học theo hướng tích hợp ở lớp dưới và phân hóa ở lớp trên.
Ba kiến nghị của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa |
Theo ông Nhĩ, muốn thực hiện thành công điều này thì ngay từ bây giờ phải thay đổi chương trình trong các trường sư phạm dần dần thì mới đảm bảo đội ngũ giáo viên phục vụ cho chương trình mới.
Mặt khác, với những giáo viên đang giảng dạy cần được đưa đi đào tạo lại, không thể bồi dưỡng qua loa.
“Tôi nghĩ, song song với việc chuẩn bị tốt về giáo viên, cần chuẩn bị sẵn sàng về mặt cơ sở vật chất. Khi không có đủ điều kiện thì sẽ khó thành công.
Theo như dự thảo, chương trình mới sẽ áp dụng từ năm 2018, như vậy thời gian không còn nhiều. Phía Bộ cần phải tính toán một cách đồng bộ về vấn đề này”, ông Nhĩ lưu ý.
Thêm một cái khó nữa mà Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng muốn chia sẻ với Ban soạn thảo, đó là việc, dự thảo lần này mới chỉ đưa ra khung chương trình chứ chưa đưa ra cách sắp xếp hệ thống trường phổ thông.
Mời bạn đọc góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo trưng cầu ý kiến từ nay đến 20/5/2017. Tòa soạn trân trọng cảm ơn! |