Chủ tịch nước nói về những thách thức lớn của ngoại giao Việt Nam hiện nay

27/08/2015 15:53
Ngọc Quang
(GDVN) - Với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người sáng lập ra nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành ngoại giao và đón nhận Huân chương sao vàng lần 2 tại Hà Nội sáng 27/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ,  vào những ngày này 70 năm trước, trong không khí sục sôi chiến thắng của cả dân tộc, Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập.

Cùng với sự hình thành các cơ cấu đầu tiên của chính quyền Cách mạng, Bộ Ngoại giao đã ra đời và được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện chính trị quan trọng này không chỉ là niềm vinh dự to lớn của ngành Ngoại giao mà còn cho thấy Đảng và Bác Hồ đặc biệt coi trọng vai trò công tác đối ngoại ngay từ những buổi đầu lập nước.

“Chúng ta cũng mãi mãi ghi nhớ công lao của các bậc ngoại giao lão thành, ghi nhận sự đóng góp quan trọng của lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân viên công tác trên mặt trận đối ngoại. Thành công của ngành ngoại giao được xây đắp trước hết từ những nỗ lực cống hiến không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh, mất mát của các đồng chí”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành ngoai giao sáng 27/8 tại Hà Nội. ảnh: VGP.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành ngoai giao sáng 27/8 tại Hà Nội. ảnh: VGP.

Chủ tịch nước đánh giá, ngay từ buổi đầu dựng nước đầy khó khăn, ngoại giao đã là mũi chủ công để đối phó với “thù trong” lẫn “giặc ngoài”, là vũ khí quan trọng nhằm củng cố, kéo dài thời gian hòa bình quý giá để xây dựng lực lượng, tích lũy thế và lực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền độc lập mới giành được và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và tự do của dân tộc.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, “ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”, phối hợp nhịp nhàng cùng với các mặt trận chính trị, quân sự vừa phát huy thế mạnh trên chiến trường vừa góp phần làm sáng tỏ chính nghĩa sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước từ đó tập hợp được mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

“Thắng lợi của các hội nghị Geneve và Paris mãi mãi đi vào lịch sử, là những mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bản hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.
Bản hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.

Bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, Ngoại giao càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ổn định và tái thiết đất nước, phá bao vây cấm vận, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Ba mươi năm đổi mới đã chứng kiến những đóng góp hết sức nổi bật của ngành ngoại giao vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Từ tình thế bị bao vây, cô lập, chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ, tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia vào hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang chủ động, tích cực khẳng định vai trò trong các diễn đàn đa phương quan trọng cũng như các liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực và quốc tế.

Phải khẳng định rằng, chưa bao giờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta lại có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng và hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng, thuận lợi như ngày nay.

Những kỷ vật lịch sử của ngành ngoại giao Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.
Những kỷ vật lịch sử của ngành ngoại giao Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.

Theo Chủ tịch nước, thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đã đi được nửa chặng đường trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến rất nhanh, đa dạng và ngày càng phức tạp. Đối với nước ta, công cuộc đổi mới toàn diện đã và đang tạo ra những tiền đề, cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp và vị thế của đất nước, tạo cơ hội để chúng ta phát triển nhanh hơn.

Mặt khác, những khó khăn và yếu kém nội tại cùng những thách thức đặt ra trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông, bảo vệ Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng gay gắt, đe dọa đến sự ổn định và phát triển của đất nước.

Chủ tịch nước khẳng định: “Mục tiêu cao cả của Đảng và dân tộc ta là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Là một đất nước đã từng trải qua chiến tranh, chia cắt, chúng ta thấu hiểu hơn ai hết giá trị thiêng liêng của việc bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển vững bền của đất nước”.

Ngọc Quang