"Chữa bệnh theo cách của 'TS xin đi tù' là phản khoa học!"

20/11/2011 06:43
Hải Anh
(GDVN) - TS Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteaur Nha Trang cho rằng việc dùng anolyt để chữa trị bệnh TCM là phản khoa học!
Sáng 19/11, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn của Bộ Y tế vào  Ninh Thuận dự lễ phát đông chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, phòng chống bệnh tay, chân, miệng(TCM). 
 Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, bà Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng “ Việc tỉnh Ninh Thuận công bố dịch vào thời điểm đó là cần thiết!” Vì với số dân chưa tới 600 ngàn nhưng đã có 645 ca mắc bệnh TCM trong đó có 04 ca tử vong (tính đến thời điểm 17-11), tỷ lệ mắc bệnh TCM của NT là 106,8/ 100 ngàn dân. Tỷ lệ này là cao so với tỷ lệ chung của toàn quốc. 

TS Nguyễn Văn Khải thăm khám cho một trường hợp bệnh nhi
TS Nguyễn Văn Khải thăm khám cho một trường hợp bệnh nhi

Xung quanh việc tuyên bố của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải về việc dùng anolyt để điều trị bệnh TCM, TS Viên Quang Mai Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho rằng “ Việc dùng anolyt để điều trị bệnh TCM của TS Nguyễn Văn Khải là phản khoa học!”. Theo TS Viên Quang Mai thì việc đưa dung dịch anolyt vào cơ thể con người có thể gây nguy hại, về lâu dài có thể dẫn đến ung thư.
Phát biểu trên được đưa ra khi Viện Pasteur Nha Trang chưa công bố kết luận kiểm nghiệm phương thức chữa trị bệnh TCM bằng Anolyt của TS Nguyễn Văn Khải.
Trong lá thư gửi tới báo Giáo dục Việt Nam, một Việt kiều đang làm việc trong lĩnh vực y tế khẳng định: "Đa số trường hợp, bệnh tay chân miệng không nguy hiểm nhiều hơn các bệnh nhiễm virus khác, chẳng hạn như cảm cúm. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của các tổn thương (vết loét ở miệng, nốt phỏng trên da…), cộng với ảnh hưởng trực tiếp của nó tới việc đảm bảo dinh dưỡng của trẻ, cha mẹ cảm thấy "bức xúc" với căn bệnh này hơn so với khi con hắt hơi sổ mũi.
Lỗ hổng trong khuyến cáo chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng của Bộ Y tế. Trong Phác đồ chẩn đoán và điều trị của mình, Bộ Y tế khuyến cáo bệnh nhân thể nhẹ duy trì dinh dưỡng, dùng thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tái khám định kỳ. Trường hợp nặng, chỉ định truyền Immonoglobulin, điều trị biến chứng. Phác đồ này không đề cập cụ thể tới các biện pháp chăm sóc da và niêm mạc miệng, nơi có các tổn thương điển hình.
Cũng theo phác đồ trên, trẻ bị bệnh tay chân miệng có thể có các biểu hiện lâm sàng như: • Loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú). • Phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông). Trong đa số trường hợp, bệnh không đủ nặng để gây tử vong nhưng bệnh nhi vì mệt mỏi, đau đớn, ăn uống kém, thể trạng giảm sút nên sẽ chậm bình phục. 
Nếu không cải thiện được tình trạng đau đớn ở miệng, ngứa ngáy trên da thì khó có thể duy trì dinh dưỡng, nâng cao thể lực cho trẻ. Đó là chưa kể tới việc các vết chợt loét ở niêm mạc miệng và trên da là nguồn lây lan bệnh quan trọng. Các biện pháp tích cực của TS Khải đã lấp đầy khoảng trống này. 
Việc ngâm rửa các vết phỏng, cho trẻ tắm và súc miệng bằng dung dịch Anolyte cũng như các biện pháp hỗ trợ khác đã giúp các tổn thương ở miệng và niêm mạc mau lành, trẻ sớm ăn uống trở lại và sức khỏe chóng bình phục, hạn chế nguy cơ bội nhiễm và lây lan bệnh". 
Hải Anh