Chuyện chưa kể của người lính trở về sau 50 năm báo tử

24/04/2015 06:06
Xuân Hòa - Hoàng Hà
(GDVN) - Gia đình bất ngờ nhận được điện thoại của ông Hợi sau 50 năm ông được công nhận là liệt sỹ vì mất tích trên con tàu vận chuyển vũ khí vào Nam giữa biển khơi.

Nhập ngũ năm 1964 thì đến năm 1965, gia đình ông Hồ Xuân Hương (quê thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) nhận được giấy báo tử ông đã hy sinh trên biển trong một trận đánh. 50 năm trôi qua, liệt sỹ ấy bỗng trở về bất ngờ trước sự xúc động, ngỡ ngàng của người thân

Cuộc điện thoại bất ngờ của người liệt sỹ sau 50 năm

Một ngày giữa tháng 3/2015, ông Hồ Văn Khanh (trú tại thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) bỗng nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là anh trai mình đã hy sinh cách đó 50 năm.

Ông Hồ Văn Khanh (áo xanh) và người thân trong gia đình kể lại cuộc hội ngộ đầy nước mắt với người anh trai Hồ Xuân Hương đã được công nhận liệt sỹ 50 năm nay lại trở về (ảnh Hoàng Hà)
Ông Hồ Văn Khanh (áo xanh) và người thân trong gia đình kể lại cuộc hội ngộ đầy nước mắt với người anh trai Hồ Xuân Hương đã được công nhận liệt sỹ 50 năm nay lại trở về (ảnh Hoàng Hà)

Trước đó, cũng đã có người đến tìm gia đình ông Khanh và nói chuyện về người anh trai mất tích 50 năm qua vẫn còn sống sót. Tuy nghe vậy, nhưng gia đình ông Khanh vẫn bán tín bán nghi.

Khi nói chuyện điện thoại, qua vài câu, linh cảm huyết thống khiến ông Khanh có cảm giác đó chính là ông Hồ Xuân Hương anh trai mình. Qua cuộc điện đàm, ông Hương nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa giữa hai anh em khiến ông Khanh bật khóc nói không nên lời.

Ngày 16/4, ông Hương cùng con gái đi từ Đồng Nai ra Quảng Bình để tìm lại quê hương, người thân của mình. Hôm đó, gia đình ông Khanh tất cả 30 người đã đến sân bay Đồng Hới để đón ông Hương. Háo hức chờ, cuối cùng phút gặp lại người thân sau 50 năm đã được xem hy sinh cũng đến.

Ông Hồ Xuân Hương, người liệt sĩ trở về sau 50 năm (ảnh Hoàng Hà)
Ông Hồ Xuân Hương, người liệt sĩ trở về sau 50 năm (ảnh Hoàng Hà)

Sau 50 năm, nay “liệt sỹ” Hương đã già đi, nhưng mọi người thân trong nhà đều nhận ra người thân của mình. Còn bản thân “liệt sỹ”, tuy thần trí không được như người bình thường, nhưng ông vẫn láng máng nhận ra người thân.

Trên đường về nhà, đến đoạn cầu Chánh Hòa (thuộc xã Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), ông Hương đã nhận ra quê hương và thốt lên rằng: “Quê tôi đây rồi”.

Suốt đêm và mấy ngày sau đó, gian nhà của ông Khanh luôn chật kín bà con xa gần đến thăm hỏi.

Người tù Côn Đảo bị tra tấn đến mất trí nhớ

Ông Khanh kể bùi ngùi kể lại giây phút gia đình nhận tin dữ của anh trai mình cách đây 50 năm: Năm 1964, ông Hồ Xuân Hương (SN 1942) đi làm công nhân tại địa phương. Trong thời điểm chiến trường ngày càng ác liệt, tiền tuyến cần người nên ông Hương đã xung phong nhập ngũ.

Sau 50 được công nhận là liệt sỹ nay ông Hồ Xuân Hương lại trở về quê nhà trong niềm vui và nỗi bất ngờ của người thân (ảnh Hoàng Hà)
Sau 50 được công nhận là liệt sỹ nay ông Hồ Xuân Hương lại trở về quê nhà trong niềm vui và nỗi bất ngờ của người thân (ảnh Hoàng Hà)

Đơn vị anh Hương đóng ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau đó, ông Hương được chuyển vào Đại đội vận tải đường biển số 27.

Qua nhiều đợt huấn luyện cấp tốc, ông Hương được tuyển vào lực lượng xung kích. Đơn vị của ông đóng vai ngư dân đi trên các tàu đánh cá để vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Ba tháng đầu khi được tuyển vào lực lượng xung kích, gia đình còn nhận được thư của ông Hương. Nhưng kể từ tháng thứ 4/1964, gia đình nhiều lần hỏi tin tức của ông nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Sau đó, đến năm 1965 gia đình nhận được giấy báo tử của ông Hương. Khi đó ông được cho đã mất tích trên biển trong một chuyến vận chuyển hàng vào miền Nam. Đến năm 1978, ông Hương được công nhận liệt sỹ và từ đó mọi hy vọng ông Hương còn sống bị dập tắt.  

“Thời điểm đó chiến tranh ngày càng ác liệt nên việc các gia đình có người thân hy sinh ngày càng nhiều và gia đình tôi cũng cùng chung nỗi đau đó. Năm 1978, anh trai tôi được công nhận liệt sỹ, trong giấy báo tử xác định anh trai tôi hy sinh ngày 29/5/1965”, ông Khanh nói.

Trong những ngày trở về quê, qua lời kể chắp nối của ông Hương thì lý do ông mất tích trong chuyến vận chuyển hàng 50 năm trước dần được mở ra: 

Sau khi được tuyển vào lực lượng xung kích, đóng vai ngư dân đi trên tàu đánh cá để vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến trường. Năm 1965, trong một chuyến chở vũ khí ra đảo Cồn Cỏ ( tỉnh Quảng Trị), đơn vị ông Hương bị địch phục kích bắn chìm tàu trên biển.

Ông Hương may mắn thoát chết nhưng bị địch bắt về giam giữ tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau đó, ông được địch chuyển vào đồn Mang Cá (TP. Huế) rồi bị đày nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Tại nhà tù Côn Đảo, ông Hương bị địch tra tấn dã man đến mất trí nhớ. Lúc bị bắt, ông còn phải khai tên giả là Nguyễn Thanh quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Vì nếu khai là người Quảng Bình thì sẽ bị địch tra tấn dã man hơn. Hiện tại, giấy tờ tùy thân của ông vẫn mang tên giả này.

Ông Hương cũng không nhớ chính xác năm 1974 hay 1975, mình được thả tự do. Nhưng vì bị mất trí nhớ nên ông đành sống cảnh vô gia cư, lang thang nơi đất khách quê người. Ông lưu lạc từ Sài Gòn đến Bình Dương, rồi dạt về Đồng Nai.

Trong một lần lang thang đến khu vực Hố Nai (nay thuộc phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), ông Hương được một người phụ nữ lớn tuổi quê miền Bắc thuê làm việc trong nhà. Một thời gian sau, người phụ nữ này giúp ông Hương lập gia đình với bà Hà Thị Đỏ.

Sau khi nên duyên vợ chồng, ông Hương cùng vợ đã về sống bằng nghề làm rẫy ở ấp Lộc Hoà, xã Tây Hoà, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Vợ chồng ông sinh được hai trai, hai gái. Tại nơi ông sinh sống, mọi người và chính quyền địa phương biết đến ông Hương với tên Nguyễn Thanh.

Cách đây 2 năm, trong một đợt sốt kéo dài 1 tuần liền đã làm ông vương lại một vài ký ức khi ở quê hương Quảng Bình. Rồi những kỷ niệm về tuổi thơ, quê hương ở thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch nơi ông sinh ra.

May mắn khi ông Hương nhớ lại được ít nhiều về gia đình mình ở quê hương Quảng Bình thì cùng công ty con gái ông cũng có một đồng nghiệp quê ở đây. Gia đình ông đã nhờ người bạn của con gái ông gọi về quê để hỏi thăm tình hình giúp.

Sau khi được giúp đỡ và có số điện thoại của em trai mình, ông Hương đã gọi điện về cho ông Khanh để xác nhận. Rồi ông cùng con gái đã lặn lội từ Đồng Nai về quê hương chôn nhau cắt rốn Quảng Bình để nhận lại người thân.

 “50 năm qua, gia đình lấy ngày 29/5 hàng năm để làm giỗ cho anh trai và cũng đã làm cho anh ngôi mộ gió ở lăng mộ của gia tộc. Cả nhà ai cũng nghĩ thi thể anh ấy đã mãi nằm lại giữa biển khơi. Giờ anh ấy trở về, ai cũng mừng lắm”, ông Khanh chia sẻ niềm vui của gia đình.

Xuân Hòa - Hoàng Hà