Chuyện kỳ lạ về “phiến đá thiêng” khiến cả làng sợ hãi

01/03/2013 13:25
Hoàng Lâm
(GDVN) -Rất nhiều câu chuyện được thêu dệt lên, có thể đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng chưa ai giải thích được những bí ẩn đó. 

Những sự trùng hợp khó lý giải
Về làng Đa Chất (tên cổ là làng Tông Chất) xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên Hà Nội, đây cũng là ngôi làng nhiều người từng được nghe còn lưu giữ thứ tiếng “Việt cổ” của phường đóng cối xưa kia. Tuy nhiên, bên cạnh thứ ngôn ngữ độc đáo ấy, nếu tìm gặp các cụ bô lão cao niên ở làng Đa Chất, nhiều người sẽ được nghe kể thêm về một câu chuyện mang đầy màu sắc huyền bí về một phiến đá ở giữa đường làng Đa Chất có tên: Phiến đá Bà Bổi. 
Những sự lạ liên quan đến phiến đá này đến nay theo những người dân làng vẫn chưa có những lời giải thích xác đáng nhất.
Theo lời chỉ dẫn của dân làng, chúng tôi tìm gặp được cụ Nguyễn Ngọc Đoán (74 tuổi) là thủ từ trông làng Đa Chất cũng là người biết rất rõ về phiến đá kì lạ Bà Bổi.
Cụ Đoán bên phiến đá Bà Bổi ở giữa làng Đa Chất
Cụ Đoán bên phiến đá Bà Bổi ở giữa làng Đa Chất
Chẳng mấy khó khăn cho tôi tìm gặp cụ Đoán trong ngôi đình Đa Chất ngót nghét hơn 500 tuổi cổ kính. Tiếp tôi trong ngôi đình, cụ Đoán tỏ thái độ rất thân thiện và nhanh thoăn thoắt khoác vội chiếc áo đã cũ sờn để tìm phiến đá Bà Bổi. Với thân hình gầy gò và bộ tóc trắng toát già nua, cụ Đoán vẫn đi rất nhanh và tỏ ra rất hứng thú khi có người tìm hiểu về gốc tích của phiến đá Bà Bổi.
Dẫn tôi đến phiến đá Bà Bổi nằm ở ngay giữa đường đi lối lại, theo hướng tay chỉ của cụ Đoán, tôi nhận thấy trước mặt mình thực chất chỉ là một phiến đá xanh hết sức bình thường, không hơn không kém. Duy chỉ có một điều lạ ở phiến đá này là xung quanh đường đều là bê tông và tự dưng có một phiến đá chẳng liên quan chút nào lại nằm giữa đường.
Những vết lõm này theo cụ Đoán chính là vết gót chân của Bà Bổi, người khai sinh ra làng Đa Chất ngày nay
Những vết lõm này theo cụ Đoán chính là vết gót chân của Bà Bổi, người khai sinh ra làng Đa Chất ngày nay
Chỉ tay vào phiến đá, cụ Đoán giải thích cho tôi biết, phiến đá Bà Bổi này khiến cả làng Đa Chất từng khốn đốn vì trót “phạm thượng”. 
Theo lời cụ Đoán, số là trong thời kì có chủ trương bê tông hóa đường làng, những người dân làng Đa Chất đã quyết định di dời phiến đá Bà Bổi để làm đường cho đẹp. Điều đáng nói là sau khi di dời phiến đá Bà Bổi sang mương nước ngay cạnh đường, cả làng liên tiếp dính phải những dịch khốn khổ như dịch đau mắt cả làng, chó dại rồi thanh niên bị tai nạn khi đi xe máy qua nơi có phiến đá Bà Bổi bị di dời.
Vào thời điểm đó, người dân trong làng đã lũ lượt kéo nhau lên các bệnh viện ở tuyến TW để chữa trị nhưng cũng không mấy thuyên giảm. 
Vừa kể, vừa nhìn tôi với ánh mắt tinh anh, cụ Đoán khẳng định mình là người không tin vào những chuyện hoang đường, huyền thoại nhưng vẫn phải khẳng định không giải thích được những sự trùng hợp như vậy từ khi di dời phiến đá Bà Bổi. 
Các vết lõm này có đường kính vừa khít gót chân người
Các vết lõm này có đường kính vừa khít gót chân người
Lúc đó, các cụ bô lão ở trong làng cực chẳng đã đã mời một số một thầy phong thủy đến xem địa lý, long mạch của làng có vấn đề gì không. Ngạc nhiên thay là đã có người phán rằng phải đem trả lại phiến đá Bà Bổi về chỗ cũ thì cả làng sẽ khỏi bệnh.
Làm theo đúng như những gì thầy địa lý đã chỉ dẫn, những thanh niên của làng Đa Chất lại hì hục bê phiến đá Bà Bổi về chỗ cũ và làm lễ tạ về hành vi “phạm thượng” trước đó. Ngạc nhiên thay, sau đó cả làng đều khỏi bệnh rất nhanh và không xảy ra thêm bất kì bệnh dịch gì cho đến tận khi tôi về tìm hiểu.
Sự thật về phiến đá Bà Bổi
Theo quan sát của tôi, phiến đá Bà Bổi không có điểm gì đặc biệt so với các phiến đá xanh khác. Chỉ có điều, trên bề mặt phiến đá này có 2 vết lõm tròn, tựa như như gót chân người. Lý giải về bết lõm này, cụ Đoán khẳng định đó là vết chân của Bà Bổi năm nào đứng rê thóc ở làng.
Đến lúc này, cụ Đoán mới giải thích tường tận cho tôi về gốc tích của phiến đá mang tên Bà Bổi. 
Căn nguyên của phiến đá theo phả hệ của làng Đa Chất thì trước đây, lâu lắm rồi, Đa Chất là vùng đầm lầy nước đọng quanh năm. Vào một hôm, một nhóm người đến từ vùng Hà Nam di chuyển lên Đa Chất khai hoang mở làng.
Điều đáng nói là khi những người dân kia khai hoang, làm ruộng, lập làng thì bị bọn chuột bọ phá hoại rất kinh khủng đến mức chẳng còn người dân nào dám ở lại nữa. Tuy nhiên, vẫn có một người duy nhất đủ dũng cảm ở lại để tiếp tục khai hoang đó là một người phụ nữ tên Bổi.
Cụ Đoán ướm thử chân mình vào gót chân của Bà Bổi năm nào để chứng tỏ vừa khít với kích thước gót bàn chân con người
Cụ Đoán ướm thử chân mình vào gót chân của Bà Bổi năm nào để chứng tỏ vừa khít với kích thước gót bàn chân con người
Sau đó, bà Bổi gây dựng được cả làng đông đúc dân cư và kiếm một hòn đá xanh để thường xuyên rê lúa, phơi khô và cất trữ sau mỗi vụ mùa. Thóc lúa trong nhà bà Bổi không biết cơ man nào mà đếm nổi đến mức phiến đá xanh đã lõm xuống như ngày nay chính là vết chân của Bà Bổi năm nào đứng rê thóc đúng tại địa điểm đó. 
Tương truyền, phiến đá từ thời của Bà Bổi đã lâu lắm rồi đến nay vẫn ở nguyên đúng vị trí ấy không xê dịch trừ lần đám trai làng hè nhau khiêng ra bờ mương để làm đường bê tông lại phải khiêng lại đúng chỗ cũ.
Tôi thắc mắc hỏi về thời gian xuất hiện của phiến đá Bà Bổi, cụ Đoán cũng không biết được chính xác có từ khi nào. Chỉ biết, từ lúc còn là một cậu bé chạy lon ton, cụ đã được thầy u dặn dò rất nghiêm rằng làm gì thì làm nhưng tuyệt đối không được làm gì mạo phạm đến phiến đá Bà Bổi ở đường làng xưa kia vẫn là đường đất…
Hoàng Lâm