Chuyện về những người đi cùng nguy hiểm áp tải pháo hoa

23/04/2015 16:09
THÙY LINH
(GDVN) - Để được thưởng thức những màn pháo hoa độc đáo tung bay trên sông Hàn, ít ai biết rằng đằng sau đó luôn có những người thầm lặng bảo vệ pháo.

Vào hai đêm 28 và 29/4 này, bên sông Hàn (Đà Nẵng) thơ mộng sẽ diễn ra Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC 2015) với chủ đề “Đà Nẵng – bản giao hưởng sắc màu”.

Tham gia DIFC 2015 gồm có 5 đội pháo hoa đã từng dành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi pháo hoa trên thế giới đến từ 5 châu lục: Nam Phi, Hoa Kỳ, Ba Lan, Úc và đội Đà Nẵng - Việt Nam.

Đây là lần thứ 7 DIFC diễn ra và trở thành sự kiện thu hút hàng vạn khán giả đến với thành phố biển này.

Pháo hoa rực sáng trên sông Hàn. Ảnh Thùy Linh
Pháo hoa rực sáng trên sông Hàn. Ảnh Thùy Linh

Ít ai biết rằng, để có được những màn pháo hoa rực rỡ trên sông Hàn, cuốn hút người xem của các đội trình diễn, thì công việc áp tải pháo hoa vất vả và nguy hiểm đến thế nào.

Lần đầu tiên theo đoàn đi áp tải pháo hoa từ cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn về Đà Nẵng, trung úy Lê Tuấn Anh (công tác tại Sở Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng) có những phút giây khó quên.

Trung úy Tuấn Anh tâm sự, ngày 28/3 vừa qua, anh cùng đồng đội lên đường nhận nhiệm vụ ra Lạng Sơn áp tải pháo hoa về cho các đội dự thi DIFC trình diễn.

Sau khoảng 4 ngày, trung úy Tuấn Anh cùng đồng đội đã đưa được hàng tấn pháo hoa về tới Đà Nẵng an toàn.

Trung úy Lê Tuấn Anh cùng đồng đội đã áp tải hàng tấn pháo hoa từ Lạng Sơn về tới Đà Nẵng an toàn tuyệt đối. Ảnh Thùy Linh
Trung úy Lê Tuấn Anh cùng đồng đội đã áp tải hàng tấn pháo hoa từ Lạng Sơn về tới Đà Nẵng an toàn tuyệt đối. Ảnh Thùy Linh

“Sau khi ra Lạng Sơn, việc bốc xếp pháo hoa lên container đòi hỏi phải cẩn thận, an toàn tuyệt đối. Anh em ai cũng lo lắng vì phải thuê cửu vạn ngoài đó bốc lên xe. Chỉ cần một chút sơ hở là hậu quả khó lường sẽ xảy ra”, trung úy Tuấn Anh nói.

Trung úy Tuấn Anh cho biết, quá trình ốc pháo lên đã vất vả, việc vận chuyển lại càng vất vả hơn.

Hàng tấn pháo hoa được chở trên 3 xe container (2 xe chở pháo, 1 xe chở kíp và phụ kiện). Trên đường đi đòi hỏi phải giữ tốc độ cho phép, không quá nhanh mà cũng không quá chậm.

Có nhiều đoạn đường rất xấu nên di chuyển hết sức khó khăn. Đặc biệt, lưu lượng phương tiện ngoài miền Bắc rất đông, nhiều xe cố tình vượt lên xe áp tải pháo hoa nên rất lo lắng.

“Xe áp tải pháo hoa không được phép dừng lại, nếu có dừng thì chỉ dừng khi anh em chúng tôi ăn uống (khoảng 15-20 phút) và được phép dừng ở những đoạn đường vắng vẻ, xa khu dân cư.

Vì thời gian dừng ngắn ngủi đó nên đa số anh em chúng tôi đều ăn…mỳ tôm cho qua bữa để tiếp tục hành trình”, trung úy Tuấn Anh tâm sự.

Hàng tấn pháo hoa đã được đưa về bên bờ sông Hàn để các đội dự thi sắp xếp trình diễn vào hai đêm 28 và 29/4 tới. Việc bảo vệ nơi tập kết pháo hoa được triển khai nghiêm ngặt. Ảnh Thùy Linh
Hàng tấn pháo hoa đã được đưa về bên bờ sông Hàn để các đội dự thi sắp xếp trình diễn vào hai đêm 28 và 29/4 tới. Việc bảo vệ nơi tập kết pháo hoa được triển khai nghiêm ngặt. Ảnh Thùy Linh

Vì pháo hoa rất dễ cháy và nổ nên quá trình áp tải phải tắt hết điện thoại di động và tuyệt đối cấm hút thuốc. Trên xe áp tải luôn có hai tài xế để thay phiên nhau cầm lái cho kịp hành trình.

Khi xe áp tải pháo hoa đi qua địa phận các tỉnh, thành thì lực lượng áp tải được sự hỗ trợ giúp đỡ của Công an các tỉnh, thành đó để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.

“Lần đầu đi áp tải pháo hoa tôi cũng lo lắng lắm. Mấy ngày “ăn ngủ cùng hàng tấn pháo hoa” rất căng thẳng, anh em chúng tôi ai cũng động viên nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi xe về tới Đà Nẵng an toàn, anh em chúng tôi ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm…”, trung úy Tuấn Anh tâm sự.

Đặc biệt, khi các đội dự thi DIFC quốc tế biết được sự chuyên nghiệp vận chuyển pháo hoa của lực lượng cảnh sát Việt Nam, họ đều thốt lên câu “Vietnam Police very good”.

Theo trung tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Tham mưu (Sở Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng), sau khi hàng tấn pháo hoa được đưa từ cửa khẩu ở Lạng Sơn về Đà Nẵng sẽ được tập kết ở trường Quân sự thành phố. Sau đó pháo được đưa về cảng Sông Hàn để các đội dự thi chuẩn bị màn biểu diễn của mình.

“Pháo hoa được mua từ Trung Quốc rồi vận chuyển về phân phát cho các đội. Từ đó, các đội tự sắp xếp và bắn với chủ đề khác nhau mà họ đã đăng ký, lựa chọn.

Pháo năm nay chủ yếu bắn tầm thấp nên nguy cơ cháy nổ cao nên để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Công an TP huy động thêm lực lượng để bảo vệ pháo 24/24 tại điểm tập kết”, trung tá Nam cho biết.

Để có được những màn pháo hoa rực sáng trên sông Hàn, ít ai biết rằng đằng sau đó luôn có những người thầm lặng bảo vệ pháo. Ảnh Thùy Linh
Để có được những màn pháo hoa rực sáng trên sông Hàn, ít ai biết rằng đằng sau đó luôn có những người thầm lặng bảo vệ pháo. Ảnh Thùy Linh

Ngoài việc tham gia bảo vệ, phòng chống cháy nổ từ nay cho đến khi hết DIFC diễn ra, Sở Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng còn bố trí lực lượng, xe PCCC và phối hợp với các ngành, đơn vị trong toàn thành phố để đề phòng tình huống cháy nổ nếu xảy ra trên địa bàn.

Hiện hàng tấn pháo hoa đã được tập kết về cầu cảng Sông Hàn. Vào hai đêm 28 và 29/4 này, bên sông Hàn thơ mộng, những màn pháo hoa của 5 đội dự thi DIFC sẽ rực sáng.

Để được thưởng thức những màn pháo hoa độc đáo tung bay trên sông Hàn mà các đội dự thi mang lại, ít ai biết rằng đằng sau đó luôn có những người thầm lặng bảo vệ pháo.

Chúng tôi gọi họ là những người “giữ lửa thầm lặng”. Còn thành phố Đà Nẵng đã dần trở thành “thành phố pháo hoa”.

THÙY LINH