Chuyện xe công, nhà công vụ vẫn chưa có hồi kết

16/09/2016 07:56
Ngọc Quang
(GDVN) - Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nói thẳng rằng, nếu mà biết lợi dụng thì chẳng có luật nào không lợi dụng được.

Chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài nhà nước (sửa đổi).

Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, một số ý kiến cho rằng, cần phân loại tài sản công theo mục đích sử dụng (2 loại): Nhóm tài sản công vụ (hình thành từ chính sách nhà nước phục vụ công tác quản lý, phục vụ mục đích công cộng và an sinh xã hội) và nhóm tài sản công thương mại (nhằm mục đích kinh doanh).

Hoặc phân thành ba loại như sau: Tài sản phục vụ nhiệm vụ nhà nước không được kinh doanh, tài sản công vụ phục vụ nhà nước được kinh doanh một phần để khai thác hết công năng, tài sản công sử dụng để kinh doanh.

Có ý kiến khác đề nghị phân loại công sản theo các hình thức như sau: Theo nguồn gốc phát sinh; Theo mức độ sở hữu và đơn vị tổ chức quản lý sử dụng; theo mục đích sử dụng.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, cần quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức về sử dụng tài sản áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quy định.

Có thể chỉ áp dụng tiêu chuẩn, định mức do Chính phủ quy định về mua sắm, sử dụng xe ô tô cho các chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công. Về số lượng xe, phải theo quy mô hoạt động, địa bàn hoạt động.

Ngoài ra, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được chủ động mua sắm phù hợp với nguồn vốn và nhu cầu nhiệm vụ, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, mua sắm, đấu thầu và pháp luật có liên quan.

Cho ý kiến về dự thảo luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh nhận định, vấn đề hiện nay là phải khắc phục được tình trạng thất thoát trong quản lý, sử dụng tài sản công, vì "nếu mà biết lợi dụng thì chẳng có luật nào không lợi dụng được".

Đề cập thẳng vào chuyện sử dụng xe công, Tướng Việt nói: “Ông lãnh đạo thì đi xe cũ, trong khi đó một tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước lại đi xe hoành tráng, điều này là vô lý.

Phải sắp xếp công bằng, lãnh đạo cấp cao hơn thì đi xe tiêu chuẩn cao hơn, có phòng làm việc to hơn. Ở cũng thế, đi cũng thế”.

Thượng tướng Võ Trọng Việt đề nghị luật phải thể hiện rõ quản lý được tài sản công vụ, ngăn chặn lãng phí. ảnh: quochoi.vn
Thượng tướng Võ Trọng Việt đề nghị luật phải thể hiện rõ quản lý được tài sản công vụ, ngăn chặn lãng phí. ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh cũng bày tỏ lo ngại luật này sẽ có xung đột với các luật chuyên ngành khác.

Ông Việt nêu thí dụ: “Trung tâm hành chính Đà Nẵng, giả sử không dùng được chuyển đi chỗ khác. Nhưng đúng sai về việc này lại được chi phối bởi Luật Xây dựng.

Như vậy trong trường hợp này Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước lại không có tác dụng. Tương tự, việc quản lý khoáng sản cũng có thể rơi vào xung đột giữa luật này với Luật Tài nguyên”.

Vì sao chưa thể khoán xe công?

Liên quan tới chuyện sử dụng xe công, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, dù có nhiều chính sách đưa ra nhưng quản lý chưa hiệu quả.

“Chính sách có rồi, nhưng sao chúng ta vẫn chưa chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Chuyện xe công, nhà công vụ vẫn chưa có hồi kết ảnh 2

Đường sắt chậm phát triển vì chỉ biết bám vào "bầu sữa mẹ"

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp dẫn báo cáo về sử dụng xe công tính tới tháng 7/2016 thì khối cơ quan nhà nước đang sử dụng hơn 16.653 chiếc; khối đơn vị sự nghiệp quản lý hơn hơn 16.194 chiếc; khối các tổ chức quản lý sử dụng 4.566 chiếc; khối các ban quản lý sử dụng 224 chiếc... và đề nghị trong báo cáo của Chính phủ nên tổng hợp ý kiến đầy đủ từ các bộ, ngành, cơ quan sử dụng tài sản công để mang tính phổ quát, phản ánh đúng tình hình thực tế.

Bà Nga nhấn mạnh, tình trạng sử dụng xe công sai mục đích vẫn còn lớn, do đó luật sửa đổi phải giải quyết được tình trạng này.

Bên cạnh đó, với đề nghị làm rõ tình trạng sử dụng xe quá niên hạn, bà Nga đặt vấn đề: “Hiện giờ đã hạn chế mua xe mới, nhưng theo phản ánh của dư luận, thì chi phí sửa xe cũ hàng năm cũng rất lớn.

Đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra tại các đơn vị đang sử dụng xe cũ xem hàng năm chi phí này là bao nhiêu?”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, quản lý tài sản nhà nước phải rõ ràng, nếu không thì sẽ vô cùng lãng phí; cần đẩy nhanh vấn đề khoán sử dụng xe công; cần kiểm soát tài sản nhà nước hàng năm. Nếu để vài năm mới tổng kiểm tra thì rất dễ thất thoát.

Chốt lại phát biểu, bà Nga nói: “Hiện Chính phủ các nước đang áp dụng phổ biến hình thức khoán xe công, nhưng Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi mạnh mẽ.

Trong dự luật sửa đổi lần này có điều 33 quy định tới kinh phí sử dụng tài sản công với cơ quan nhà nước. Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng với phương tiện đi lại phục vụ công tác, điện thoại di động, điện thoại nhà riêng... mới quy định chung, còn xác định mức khoán là do Bộ Tài chính quy định.

Những quy định này có thể thực hiện được luôn không? Khó khăn vướng mắc là gì? Tôi lấy thí dụ, lâu nay khoán điện thoại thực hiện tốt, tâm lý dùng điện thoại chùa hầu như không còn”.

Cần quản lý chặt sử dụng xe công, tránh lãng phí cho ngân sách nhà nước. ảnh: Thời báo tài chính.
Cần quản lý chặt sử dụng xe công, tránh lãng phí cho ngân sách nhà nước. ảnh: Thời báo tài chính.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ngay trong dự thảo luật đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị tài sản công như:

Xe công, trụ sở làm việc, nhà công vụ trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản dưới luật trong thời gian vừa qua để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản công.

Thường trực Ủy ban nhận thấy, bên cạnh những quy định mới tiến bộ, dự thảo còn lúng túng trong việc xác định khái niệm về tài sản công, một số yêu cầu về quản lý và sử dụng chưa được đề cập đầy đủ.

Nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo luật chưa được quy định cụ thể, có tới 21 điều giao Chính phủ quy định chi tiết; còn nhiều quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công được dẫn chiếu theo các luật chuyên ngành khác.

Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để quy định chi tiết tối đa các điều, khoản trong dự thảo luật, hạn chế các điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Trường hợp giao cho Chính phủ quy định chi tiết cần chỉ rõ nội dung cụ thể được giao và yêu cầu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định trình kèm dự thảo luật.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị bổ sung ngay trong dự thảo luật nội dung quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị được nhà nước giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản khi để xẩy ra vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công ở cơ quan, đơn vị.

Một số điểm đáng chú ý trong Dự án Luật quản lý, sử dụng tài nhà nước (sửa đổi):

a) Điều chỉnh thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô công từ Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ để nâng cao hiệu lực pháp lý và thực thi trong thực tiễn.

b) Bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức PPP, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.

c) Bỏ quy định phân loại đơn vị sự nghiệp công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính, điều chỉnh quy định về việc xác định lại giá trị tài sản để giảm thủ tục hành chính và chi phí xác định lại giá trị tài sản.

d) Điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan nhà nước theo luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác bất động sản đã được Nhà nước giao theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết gắn với các điều kiện ràng buộc cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản.

đ) Bổ sung quy định cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự thực hiện quản lý vận hành hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành TSC để tăng cường tính chuyên nghiệp trong quản lý vận hành tài sản công.

e) Quy định việc xử lý tài sản công khi chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (cổ phần hóa, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp) để đáp ứng yêu cầu đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới. 

Ngọc Quang