“Có khùng không mà thu dồn một cục?”

03/08/2019 06:15
Thủy Trúc
(GDVN) - Chỉ có phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để trả cho việc trông giữ xe mà lẽ ra họ không phải đóng.

Không ít lần chúng tôi nghe được câu nói “Có khùng không mà thu dồn một cục?”của một vài hiệu trưởng với nhau trước nạn lạm thu của một trường học nào đấy đang bị phanh phui trước công luận.

Nhiều trường không thu tiền giữ xe hàng tháng mà thu theo ngày để lách quy định trong Thông tư 55 (ảnh minh họa - nguồn Infornet).
Nhiều trường không thu tiền giữ xe hàng tháng mà thu theo ngày để lách quy định trong Thông tư 55 (ảnh minh họa - nguồn Infornet).

Không bị tố là lạm thu không có nghĩa đã thực hiện đúng

Không ít trường học bậc trung học hiện nay đang vi phạm quy định trong Điều 10 của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT.

Cụ thể, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ:

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học một số khoản trong đó có quy định:

" Không được thu tiền trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh"

Nếu cứ nhìn vào một số trường học bị tố lạm thu, ta sẽ thấy mức thu trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh cũng chỉ khoảng từ 100.000 đồng -200.000 đồng/học sinh/năm học.

Vì thu một lần lại thu dồn vào đầu năm học nên ngỡ thế là nhiều.

Thế nhưng nếu đem 200.000 đồng chia cho 9 tháng thì mỗi tháng một học sinh chỉ phải tốn có hơn 20.000 đồng.

Vì thu dồn các khoản nên số tiền phải nộp đầu năm cho nhà trường đã làm nhiều gia đình “ngợp”.

Dẫn đến tình trạng phụ huynh phản ứng và thế là chiếu theo Thông tư những khoản tiền này nằm trong vùng cấm thu. Vì thế, trường đã vi phạm thu không đúng quy định.

Không ít trường học khác họ lại chẳng dại gì thu dồn một cục mà thu rải rác quanh năm.

Cách này, vừa thu được nhiều tiền, vừa an toàn, lại bình yên vô sự.

Thế nên, nhiều người mới chê cười trường bạn “Có khùng không mà thu dồn một cục?” là điều hoàn toàn có lý.

Không thu tiền trông xe một lần mà thu từng ngày

Thu tiền trông xe một lần, trường thu nhiều nhất cũng chỉ mức 200.000 đồng/học sinh/năm học.

Thế nhưng không ít trường học hiện nay, đang áp dụng chiêu thức thu tiền trông xe hằng ngày vô cùng hiệu quả.

Thu được giá cao lại chẳng ai nghĩ trường đang vi phạm.

Đơn cử, xe đạp giá thu 1.000 đồng/xe (học sinh bây giờ rất ít đi xe đạp), xe máy, đạp điện 2.000 đồng/xe.

Một tháng học sinh đi xe máy, đạp điện phải bỏ ra 52.000 đồng và một năm học sẽ là 468.000 đồng (xe đạp 234.000 đồng).

Một số tiền bỏ ra không hề nhỏ, thế nhưng hầu như phụ huynh chẳng phản ứng gì vì chính họ cũng không mấy quan tâm cái Thông tư 55 kia quy định những gì.

Họ chỉ phản ứng khi nhìn vào số tiền phải đóng đầu năm quá cao.

Lợi dụng điều này, không ít trường học hiện nay đang “bóp, nặn” hầu bao của phụ huynh một cách không hề thương tiếc.

Nhà trường, bảo vệ hưởng lợi?

“Có khùng không mà thu dồn một cục?” ảnh 2
Chúng tôi tha thiết mong Bộ sửa Thông tư 55 về Ban đại diện cha mẹ học sinh

Khi Thông tư 55 quy định “không được thu tiền trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh” là đã tính toán đến việc bảo vệ nhà trường sẽ là người trông coi các phương tiện tham gia giao thông của học sinh.

Bởi, bảo vệ ăn lương nhà nước chỉ có mỗi việc hằng ngày đến trường trông coi an ninh trật tự nhà trường.

Thường thì bảo vệ ngồi ngay đầu cổng chính để kiểm soát người lạ ra vào.

Học sinh đến trường, mang phương tiện vào trường và không mất khoản tiền trông giữ là hoàn toàn hợp lý.

Thế nhưng, không ít trường học hiện nay đã lách quy định này bằng cách cho bảo vệ nhà trường đấu thầu việc trông giữ xe.

Giá đấu thầu không hề nhỏ, một trường học cỡ 2 ngàn học sinh, tiền đấu thầu giữ xe một năm từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.

Nhà trường có được khoản tiền ấy, bảo vệ vừa ăn lương nhà nước, vừa có việc làm thêm ngay trong giờ hành chính, lợi cả đôi đường.

Chỉ có phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để trả cho việc trông giữ xe mà lẽ ra họ không phải đóng.

Thủy Trúc