Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư

23/12/2011 07:28
Người đang ở nhà thuê, mượn, đang ở nhờ nhà người khác sẽ không được giải quyết cho nhập hộ khẩu vào Đà Nẵng.
Ngày 22-12, kỳ họp thứ ba HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII đã thảo luận tại tổ về các nội dung sẽ được đưa vào nghị quyết hành động của TP Đà Nẵng. Một vấn đề được đặc biệt quan tâm là quản lý dân nhập cư trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, hiện nay số lượng học sinh tăng cơ học một cách chóng mặt, dẫn đến quá tải trường học. Nguyên nhân, một phần do dân cư nhập cư và tình trạng chạy hộ khẩu để vào học tại các trường trung tâm của cả người dân lẫn cán bộ. “Nhiều lãnh đạo, quan chức địa phương đến các trường học khu vực trung tâm gửi gắm con cái vào học để dễ đưa đón, gần nơi làm việc của mình” - ông Chinh nêu.

Qua thảo luận, các tổ đại biểu thống nhất ngay từ năm học 2012-2013 phải tăng cường thắt chặt quản lý hộ khẩu, tránh tình trạng sinh sống tại các địa phương khác nhưng lại được giải quyết đăng ký hộ khẩu về các quận trung tâm để con cái nhập học. Đáng lưu ý, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cũng thống nhất đưa vào nghị quyết quy định về việc tạm dừng đăng ký nhập khẩu mới vào TP Đà Nẵng đối với các trường hợp ở nhà thuê, mượn, ở nhờ trong khi chờ văn bản hướng dẫn mới của trung ương cụ thể hóa Luật Cư trú.

Đồng thời, TP sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý cư trú, nhất là việc quản lý sau đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn và nhà ở nhờ.

Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư ảnh 1

Nhiều đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đồng tình với việc hạn chế dân nhập cư vào thành phố. Ảnh: Kim Ngân

Lý giải nguyên nhân Đà Nẵng siết chặt nhập hộ khẩu đối với dân nhập cư, Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho biết hiện tại TP Đà Nẵng có hơn 11.300 hộ với gần 114.300 nhân khẩu (chiếm 11,5% dân số) đang đăng ký tạm trú trên địa bàn. Trong đó, có quá nhiều lao động phổ thông, người bán vé số, chai bao, bán dạo, ăn xin trá hình, tội phạm… mà TP Đà Nẵng thì cần nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng tình với việc siết hộ khẩu dân nhập cư như trên, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí Thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng điều này nhằm để nâng cao chất lượng dân cư TP, giảm ùn tắc và giảm cả tình trạng tội phạm do cư dân nhập cư gây ra. Ông Nguyễn Bá Thanh còn dẫn chứng có đến 25% tội phạm gây án trên địa bàn là do người nhập cư gây nên.

Tạm dừng có trái luật?

Theo Luật Cư trú và các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật này, công dân đang tạm trú, có chỗ ở hợp pháp tại TP trực thuộc trung ương và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên thì đủ điều kiện để được nhập hộ khẩu. Nơi đề nghị đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) phải là nơi đang tạm trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Như vậy, việc TP Đà Nẵng thống nhất sẽ tạm ngừng nhập khẩu đối với những người nhập cư đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ liệu có phù hợp pháp luật? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.

Không cho mở tiệm cầm đồ

Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã thống nhất tăng lệ phí trước bạ ô tô từ 10% lên 15% (tờ trình của UBND TP đề xuất tăng lên mức 20%). Các đại biểu cũng đồng tình việc tạm dừng đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ bởi hiện nay nhiều tiệm cầm đồ cũng là nơi chứa chấp, tiêu thụ tài sản từ trộm cắp, tội phạm mà có. TP cũng sẽ xử phạt nghiêm, tước giấy phép kinh doanh đối với các quán karaoke, vũ trường, bar gây tiếng ồn… “Lo nhất hiện nay không phải là việc áp giá bồi thường, chỗ tái định cư mà là công tác chuyển đổi ngành nghề cho người dân sau khi bị thu hồi đất. Với vấn đề quá tải trường học, trường nào để xảy ra tình trạng nhận quá học sinh trên một lớp thì sẽ xử lý kỷ luật, cách chức hiệu trưởng trường đó” - Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

LÊ PHI/Pháp luật TPHCM