Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vừa được Bộ Chính trị ban hành thu hút sự quan tâm rất lớn của cán bộ, Đảng viên, Nhân dân.
Ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam một số quan điểm xung quanh quy định này.
Ông Nguyễn Túc. Ảnh: Đỗ Thơm |
Theo ông, vấn đề chạy chức chạy quyền đã râm ran từ lâu và ngày càng trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận Nhân dân.
Một Đảng trong sạch vững mạnh không thể để những con sâu tai hại như thế chui sâu leo cao. Nó là một hình thức mua quan bán chức gây ra bức xúc trong mọi tầng lớp xã hội.
Đến nay Bộ Chính trị đã có Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền chỉ rõ cụ thể về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền.
“Quy định ra đời vào đúng thời điểm sắp diễn ra đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đảng khóa 13.
Cá nhân tôi cho rằng, Bộ Chính trị ban hành Quy định ở thời điểm này muốn cảnh báo và muốn rằng ngay từ Đại hội cấp cơ sở trở lên không để cho những người có biểu hiện chạy chức chạy quyền tham gia vào cơ quan lãnh đạo các cấp kỳ tới.
Chính vì lý do như thế, tôi tin Đại hội Đảng 13 sắp tới sẽ có được những nhân sự tốt cho bộ máy trong Đảng, Nhà nước”, ông Túc bày tỏ quan điểm.
Mặc dù, Quy định chỉ rõ ra 6 hành vi chạy chức chạy quyền nhưng thực tế theo ý kiến của nhiều người chuyên gia, để chứng minh được các hành vi đó không phải đơn giản. Bởi nếu người chạy không khai, người nhận không tiết lộ thì rất khó.
Chia sẻ với nhận định này, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, tất cả những biểu hiện về hành vi chạy chức, chạy quyền nêu trong Quy định 205 đều là những gì đã diễn ra trong thời gian vừa qua. Các cá nhân vi phạm cũng đã được Đảng, các cơ quan pháp luật xử lý.
“Các vụ án trọng điểm do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng chỉ đạo thời gian vừa qua đã được đưa ra xét xử thì hầu như vụ án nào cũng có nhận định đầu tiên là không thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ trong Đảng.
Điểm nổ các vụ án đều là các vụ việc do nhân dân, báo chí phát hiện ra. Từ đó, cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện ra tham nhũng, vi phạm trong công tác cán bộ.
Vì vậy để quy định phát huy hiệu quả, Quy định 205 cũng nhấn mạnh các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức quán triệt và cụ thể hoá theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm Quy định này. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và hằng năm báo cáo cấp trên trực tiếp kết quả thực hiện”, ông Túc nêu lại.
Ông Túc chia sẻ, ông chú ý trong Quy định nhấn mạnh đến vai trò của Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện việc giám sát công tác cán bộ và việc thực hiện Quy định này; đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm được phát hiện qua giám sát và phản ánh của nhân dân.
Theo ông, muốn Mặt trận tổ quốc tham gia được và hiệu quả thì cần giải quyết nhận thức ngay trong các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương.
“Nếu không dân chủ trong các cấp ủy thì Quy định rất khó đi vào cuộc sống, phải thông ngay từ trong nhận thức.
Đã có bàn tay thép chặn cả họ làm quan, cánh hẩu trong công tác cán bộ |
Thực tế nhiều cấp ủy hiện nay rất ngại ý kiến Bí thư, Phó Bí thư, Phó Bí thư thường trực…
Ý kiến các vị này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định cấp ủy.
Vì vậy, làm sao nguyên tắc tập trung dân chủ phải được quán triệt và thực sự phát huy”, ông Túc nói.
Ông cũng nêu thực tế, các vụ đại án xảy ra thời gian vừa qua cho thấy có kiểu sắp xếp, quy hoạch cán bộ theo kiểu “cánh hẩu”, phe nhóm lợi ích rất rõ.
Chia sẻ thêm về vấn đề làm sao lựa chọn được các cán bộ chiến lược, ông Túc cho rằng, để giám sát được thì phải công khai, minh bạch. Minh bạch đầu tiên là ở cán bộ diện quy hoạch.
Vì vậy, ông bày tỏ sự ủng hộ với một số ý kiến nêu nên công khai ứng cử viên dự kiến được bầu làm Ủy viên Trung ương.
“Các đồng chí dự kiến bồi dưỡng vào Trung ương khóa tới cũng nên công khai minh bạch. Công khai minh bạch ở cơ sở, có thể nhiều nội dung Trung ương không biết nhưng địa bàn dân cư, người dân, Đảng viên biết.
Việc công khai các ứng cử viên không hại gì cả mà chỉ có lợi mà thôi. Nhân dân, Đảng viên sẽ giám sát chặt chẽ hơn”, ông Túc khẳng định.