Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Có cán bộ thiếu liêm sỉ, không thấy xấu hổ”

08/05/2018 06:56
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Có cán bộ vi phạm, nhưng thiếu liêm sỉ, không thấy xấu hổ. Thậm chí một số người dân còn nói rằng, có cán bộ sai phạm nhưng vẫn cứ trơ trơ ra".

Từ chức khó đến thế sao?

Câu chuyện từ chức ở Việt Nam không phải là không có, nhưng từ trước tới nay con số này chỉ chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng số cán bộ vi phạm.

Nhưng chỉ với vài câu chuyện lẻ tẻ trước đây về việc quan chức từ chức dường như vẫn chưa khiến dư luận hài lòng bởi thực tế có rất nhiều vụ việc mà đáng lẽ cán bộ vi phạm không nên/ không xứng đáng ngồi ở vị trí lãnh đạo đó nữa.

Đáng tiếc, thay vì từ chức để giữ thể diện cho bản thân thì họ vẫn ngồi lại “ghế” cho đến khi không thể giữ được vị trí thì mới buông xuôi.

Gần đây, chưa một ai trong số cán bộ, cán bộ cấp cao bị phát hiện có vi phạm dũng cảm xin từ chức. Vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và mới đây nhất là trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, là minh chứng cụ thể nhất cho nhận định trên.

Thậm chí, trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải giao cho Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn Nghị định về vấn đề từ chức làm cơ sở để các lãnh đạo từ chức khi cần thiết.

Điều này cũng cho thấy “văn hóa từ chức” đối với một số cán bộ trong trường hợp cần thiết hay nói thẳng ra là cán bộ có vi phạm vẫn là điều gì đó xa vời trong bộ máy quản lý nhà nước.

Vậy, vì sao quan chức có vi phạm vẫn không tự giác từ chức? Làm cách nào để cán bộ vi phạm phải từ chức?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh của Trinh Phúc.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh của Trinh Phúc.

Bình luận về vấn đề này với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 6/5, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số quan chức có vi phạm, bị phát hiện vi phạm nhưng không từ chức, trong đó có vấn đề về liêm sỉ của cán bộ.

“Từ trước đến nay, thói quen của cán bộ là chỉ có “lên” (thăng tiến) mà ít có “xuống” (giáng chức).

Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (1)

Việc xuống chức đối với cán bộ có vẻ rất khó khăn và thực tế đã chứng minh, ở nước ta có rất ít cán bộ xin từ chức.

Việc từ chức không có trào lưu cũng không trở thành một thứ văn hóa đã định sẵn trong đời sống chính trị. Cho nên người ta (cán bộ vi phạm) nghĩ rằng, việc từ chức đối họ là hơi... khác người.

Thậm chí, có cán bộ vi phạm nhưng vẫn muốn níu kéo một thứ gì đó, mà người ta hay gọi là “tham quyền cố vị”. Bởi vấn đề từ chức hay không nó có liên quan tới đặc quyền và lợi ích của cán bộ.

Bên cạnh đó, có cán bộ vi phạm, nhưng thiếu liêm sỉ. Có một số người vi phạm nhưng không thấy xấu hổ. Thậm chí một số người dân còn nói rằng, có cán bộ sai phạm nhưng vẫn cứ trơ trơ ra. 

Trong “lời thề” của cán bộ công chức, thường nói, đặt lợi ích của Dân tộc, Đảng, Nhà nước, Nhân dân lên trên hết, nhưng thực ra về mặt bản chất chúng ta thấy rằng hầu hết những người rơi vào tình trạng đó (có vi phạm) đều đặt lợi ích cá nhân lên trên hết.

Nếu xét ở khía cạnh này, người đó cũng không xứng đáng là cán bộ rồi chứ đừng có nói là cán bộ cấp cao hay cán bộ cao cấp. Phải nói rằng, chúng ta hiện nay đang thiếu kẻ sĩ, bởi chỉ có kẻ sĩ thì mới có liêm sỉ", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định.

Không cần có quy định thì người ta vẫn có thể từ chức được

Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc từ chức khi quan chức (chỉ những người có vi phạm - PV) phải xuất phát từ nội tại/bản thân người đó:

“Về mặt bản chất, không cần có quy định từ chức thì người ta vẫn có thể từ chức được. Vấn đề quan trọng là người đó thực sự có muốn từ chức hay không thôi. 

Nếu cán bộ không từ chức khi có vi phạm thì nên cho người ta lựa chọn 2 con đường. Một là từ chức, hai là phải bị xử lý một cách nghiêm túc. 

Phó Bí thư bị vu vạ có bồ nhí, không nên im lặng

Trong trường hợp thứ 2, nếu cơ quan nhà nước xử lý vi phạm cán bộ một cách nghiêm túc, nhanh gọn, công khai, minh bạch vi phạm thì những người khác nhìn vào đó sẽ rút ra bài học cho mình thậm chí sẽ xin từ chức. 

Tuy nhiên, thực tế chúng ta còn có hiện tượng “dầm dề” khi xử lý vi phạm của cán bộ.

Thậm chí có cơ quan nể nang, né tránh trong xử lý cán bộ vi phạm, cho nên không tạo được tính răn đe đối với người vi phạm”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vị Đại biểu đoàn Bến Tre cũng tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, “lò" chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ luôn nóng đối với cán bộ vi phạm.

“Những cán bộ cấp cao, nguyên cán bộ cấp cao có vi phạm bị xử lý gần đây là báo hiệu của thời kỳ Đảng, Nhà nước thực hiện triệt để việc thanh lọc đội ngũ cán bộ vi phạm, làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước.

Chúng ta cần thực hiện một cuộc đại phẫu lớn nhằm loại bỏ thứ ung, nhọt trong công tác cán bộ, để những cán bộ vi phạm sẽ phải từ chức”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

QUỐC TOẢN