LTS: Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, những vụ việc tham nhũng, hối lộ, làm trái quy định, đều do công tác cán bộ mà ra. Cán bộ cũng như máu trong huyết quản, nếu nhiễm khuẩn thì phải thay thế.
PV: Hàng loạt quan chức, cựu quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước phải chịu kỷ luật vì có vi phạm trong công tác quản lý, điều hành như trường hợp của ôngĐinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... Điều này cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy đã đạt được những kết quả rất cụ thể. Theo ông đâu là nguyên nhân tạo nên thành tích đó?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Có thể thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo những năm qua, đặc biệt là năm 2017 đã có những thành tựu rất nổi bật.
Các đại án kinh tế liên quan tới cán bộ cấp cao, các vụ bổ nhiệm theo kiểu "nâng đỡ không trong sáng", có biểu hiện vun vén cho con em mình, dần được đưa ra xử lý, công khai trước dư luận.
Tôi cho rằng, để có được thành tích này, cơ quan lãnh đạo Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất tích cực vào cuộc, kiên quyết, thận trọng, chắc chắn, khi xử lý cán bộ vi phạm.
Đến khi xử lý vi phạm của cán bộ thì hết sức thuyết phục. Có thể thấy đây là thành tựu rất đáng ghi nhận của Đảng, được người dân vô cùng ủng hộ.
Bị cáo Đinh La Thăng trước tòa. Ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. |
Mấu chốt tạo nên thành công trên là do Đảng ta đã có những nghị quyết, xác định quyết tâm chính trị rất cao trong việc chống tham nhũng không có vùng cấm.
Cụ thể là việc xác định đúng đối tượng, khoanh vùng đối tượng; biết xác định đâu là nút thắt của vấn đề để xử lý.
Bên cạnh đó, những quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy gần đây đã được xiết chặt hơn, củng cố chắc chắn hơn, đi vào thực chất hơn chứ không còn là những quy định chung chung như trước đây.
Mặt khác, với quyết tâm chính trị, sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy đã góp phần quan trọng tạo nên những thành quả nói trên.
Qua những vụ việc đã xử lý, có thể thấy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu trở thành địa chỉ niềm tin, sự tin cậy của nhân dân trên mặt trận chống tham nhũng.
Điều đó cũng chứng tỏ rằng, Đảng đã nói là làm, đã làm thì không có vùng cấm trong xử lý vi phạm của cán bộ dù là bất kể là ai, ở cương vị nào.
Nhân dân đã, đang mong đợi những người vi phạm dù ở cương vị nào đều sẽ bị xử lý công khai, minh bạch.
Có làm được như vậy mới thuyết phục được nhân dân, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Có ý kiến cho rằng, trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng,làm trong sạch bộ máy còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Có nghĩa là, người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quyết liệt, quyết tâm chống tham nhũng nhưng bộ máy bên dưới thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ, hoặc thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương. Ông Nghĩ sao về nhận định này?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Đúng vậy. Đây là hiện tượng rất dễ nhận ra hiện nay.
Thời gian qua, những vụ đại án liên quan tới kinh tế, tham nhũng bị phát hiện đã, đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xử lý nghiêm minh.
Nhiều cán bộ cấp cao đã bị đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc xét xử các vụ án tham nhũng ở các địa phương còn diễn ra hạn chế nếu không muốn nói là chưa có chuyển biến.
Nguyên nhân nằm ở bộ máy lãnh đạo, người đứng đầu địa phương.
Một khi cán bộ quản lý điều hành không tiếp nhận và lan tỏa được nhiệt huyết của Trung ương về chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, để biến nó trở thành một mệnh lệnh từ trái tim, từ lương tâm thì tình trạng "trên nóng dưới lạnh" sẽ còn diễn ra.
Vậy theo ông, làm thế nào để xử lý, giải quyết tình trạng trên?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Qua những sự việc vừa diễn ra, có thể thấy Trung ương đã thay đổi phương pháp tiếp cận trong việc xử lý vi phạm.
Tức là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ chỉ đạo nghiệp vụ giám sát với các tỉnh, thành, tập trung kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. Ảnh: giaoduc.net.vn. |
Về phía cơ quan hành chính nhà nước cũng có những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, nếu địa phương để người dân khiếu kiện kéo dài, không giải quyết thì sẽ làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sở tại.
Trường hợp nếu Trung ương phát hiện tham nhũng, vi phạm của cán bộ mà người đứng đầu tại địa phương không phát hiện ra, hoặc khi phát hiện hiện vi phạm nhưng xử nhẹ, thì người đứng đầu ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Có thể thấy, với những thay đổi trên, chúng ta bắt đầu tiếp cận đúng vào quỹ đạo khi xử lý vi phạm của cấp dưới trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy.
Lấy ví dụ từ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có vi phạm trong công tác cán bộ tại một số địa phương, điển hình như vụ việc liên quan tới ông Ngô Văn Tuấn – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa liệu đã tương xứng với trách nhiệm của họ theo luật định hay chưa, thưa ông?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Nói riêng về vụ việc ông Ngô Văn Tuấn, rõ ràng cán bộ này có vi phạm nghiêm trọng về công tác tổ chức cán bộ, thế nhưng Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa lại quanh quẩn, khất lần, rồi cuối cùng đề nghị xử lý quá nhẹ.
Vụ việc đến tay Ủy ban kiểm tra Trung ương mới được xử lý một cách triệt để hơn.
Qua đó, phải xem lại trách nhiệm đối với cơ quan tham mưu hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Tuấn của Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để làm rõ vấn đề họ có bị chi phối trong việc xử lý vi phạm của cán bộ hay không?
Ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa bị xử lý kỷ luật vì có vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ. Ảnh của vtv.vn. |
Câu chuyện xử lý vi phạm của cán bộ nó giống như việc xử lý một viên quan viên thời phòng kiến ăn cắp một lạng vàng trong ngân khố. Bộ hình đề nghị không xử án tử mà đề nghị đánh trượng, nhưng vua không đồng ý và yêu cầu xử tội chết.
Vấn đề đặt ra trong xử lý vi phạm của cán bộ là sự anh minh của người đứng đầu.
Người đứng đầu công tâm, khách quan trong xử lý vi phạm cán bộ mới đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội.
Chỉ có những ai không nắm chắc chủ trương đường lối, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mới dễ dàng thuận theo đề xuất xử lý vi phạm của cấp dưới.
Ông kỳ vọng gì về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu cấp dưới vi phạm giống như tinh thần chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý trong thời gian vừa qua?
Đại biểu Lê Thanh Vân: Về vấn đề này, nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, nghị quyết 4, 5 khóa XII đã đề cập rất rõ. Quan trọng là có làm triệt để hay không.
Nếu làm tốt công tác cán bộ; làm rõ, xác định rõ được trách nhiệm của người đứng đầu sẽ ngăn chặn được sai phạm.
Bởi có những nhân vật chui sâu leo cao bằng nhiều thủ đoạn hợp thức hóa quy trình, tiêu cực, đút lót, mua quan, bán chức.
Lại có người che giấu thủ đoạn tinh vi, bản chất không tốt qua gương mặt hiền lành, dĩ hòa vi quý.
Bà Lê Thị Nga: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh rà soát bằng cấp của cán bộ |
Tôi cũng từng kiến nghị ở Quốc hội rằng, cần tổng rà soát lại việc bổ nhiệm cán bộ chủ chốt tại địa phương, của từng cấp để làm rõ quy trình bổ nhiệm có bị sai sót hay không?
Chất lượng cán bộ bổ nhiệm thế nào?
Một mặt nếu bổ nhiệm sai quy trình, không đúng tiêu chuẩn thì phải thay thế.
Thậm chí nếu có vi phạm phải tước bỏ hết chức vụ như trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, Ngô Văn Tuấn.
Phải thay máu cán bộ. Ở đâu máu của bộ máy Đảng, Chính quyền bị nhiễm khuẩn thì phải thay, có như vậy hệ thống mới vững chắc được.