Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra nghị quyết phản đối sáp nhập Crimea

28/03/2014 07:24
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nghị quyết cho biết, cuộc trưng cầu dân ý không có hiệu lực pháp lý và không thể là cơ sở để thay đổi tình trạng của Crimea và Sevastopol.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 27/3 đã thông qua nghị quyết công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và bác bỏ kết quả trưng cầu dân ý tại Crimea.

Nghị quyết cho biết, cuộc trưng cầu dân ý không có hiệu lực pháp lý và không thể là cơ sở để thay đổi tình trạng của Crimea và Sevastopol.

Danh sách kết quả bỏ phiếu thông qua nghị quyết của LHQ về Ukraine hôm 27/3. (Xanh: thuận. Đỏ: Chống. Dấu X: phiếu trắng).
Danh sách kết quả bỏ phiếu thông qua nghị quyết của LHQ về Ukraine hôm 27/3. (Xanh: thuận. Đỏ: Chống. Dấu X: phiếu trắng).
Dự thảo nghị quyết được hỗ trợ bởi sự ủng hộ của 100 quốc gia thành viên của LHQ. Chỉ có 169 trong số 193 thành viên LHQ tham gia phiên bỏ phiếu, trong đó 11 quốc gia bỏ phiếu chống (Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Bắc Triều Tiên, Nicaragua, Sudan, Syria, Venezuela và Zimbabwe) và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Trước khi bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã có bài phát biểu phân tích về ảnh hưởng tiêu cực của dự thảo nghị quyết và nói rằng "nó đang cố gắng để nghi ngờ ý nghĩa của cuộc trưng cầu tổ chức tại Crimea mang tính lịch sử." Ông cũng kêu gọi "tôn trọng sự lựa chọn tự nguyện của người dân Crimea."
Nghị quyết "khẳng định cam kết đối với chủ quyền, độc lập chính trị, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine về biên giới được quốc tế công nhận".
Nó cũng kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc "chấm dứt và tránh các hành động nhằm phá vỡ một phần hoặc toàn bộ" sự đoàn kết dân tộc của Ukraine.

Việc bỏ phiếu đã chứng minh rằng những lo ngại về "cô lập" quốc tế đối với Nga do các sự kiện trong Crimea, là không có căn cứ, Đại sứ Vitaly Churkin nói với RIA Novosti.

Không giống như các quyết định khác của Hội đồng Bảo an, các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không ràng buộc pháp lý mà chỉ đơn thuần thể hiện quan điểm toàn cầu.
Nguyễn Hường