Đài Loan tìm cách tự chế tạo tàu ngầm trước sức ép quân sự từ TQ

21/10/2014 11:43
Đông Bình
(GDVN) - Đài Loan sẽ thực hiện song song mua sắm và tự chế tạo, kế hoạch cụ thể đã được đưa ra, ngoài ra, có tham vọng tự đóng nhiều loại tàu chiến.

Báo chí Trung Quốc gần đây đưa tin, thông tin Đài Loan tìm cách tự chế tạo tàu ngầm gần đây rộ lên trong dư luận Đài Loan và Trung Quốc. Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Nghiêm Minh tuyên bố: Bất kể Mỹ phản ứng thế nào, Đài Loan đều đã áp dụng phương án song song mua sắm và tự chế tạo tàu ngầm. Tuy nhiên, ông Nghiêm Minh nói, hy vọng phía Mỹ ủng hộ và hy vọng các nước dân chủ khác có thể hợp tác với Đài Loan.

Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính
Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính

Được biết, từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 10, “Hội nghị công nghiệp quốc phòng Đài-Mỹ” đã được tổ chức ở thành phố Williamsburg, bang Virginia Mỹ, Đài Loan đã cử Thứ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chính tham gia hội nghị, trình bày báo cáo chuyên đề về các vấn đề như phương án tự chế tạo tàu ngầm và mua sắm vũ khí.

Hội nghị năm nay chủ yếu xem xét các vấn đề như chính sách an ninh quốc gia, tiến trình mua vũ khí, hợp tác an ninh và kế hoạch tàu ngầm của Đài Loan. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Nghiêm Minh, tại hội nghị lần này, Đài Loan tập trung nhấn mạnh tới quyết tâm tự chủ phòng thủ, cuộc họp kín bàn về vấn đề mua vũ khí.

Được biết, tham gia hội nghị này có đại diện của Công ty Hán Tường của Đài Loan.

Ông Khâu Quốc Chính ngày 6 tháng 10 cho biết, Đài Loan trông đợi tàu ngầm nhiều năm, nhưng vẫn chưa được Mỹ bán, vì vậy đã khởi động công tác chuẩn bị “tự chế tạo tàu ngầm”, hy vọng phía Mỹ tiếp tục cung cấp hệ thống vũ khí và ủng hộ công nghệ cho phòng thủ của Đài Loan.

Về phần cứng, Mỹ cần cung cấp tàu ngầm diesel-điện và máy bay chiến đấu tiên tiến, về phần mềm, những chương trình mua bán vũ khí quan trọng đã và đang thực hiện, hy vọng phối hợp với quy định hợp tác của công nghiệp Đài Loan, cung cấp chuyển giao công nghệ, cung cấp sửa chữa ở cấp độ nhà máy cho các hệ thống vũ khí đã mua.

Theo hãng tin CNA Đài Loan, kế hoạch tự chế tạo tàu ngầm của Đài Loan là một trong những trọng điểm của Hội nghị công nghiệp quốc phòng Mỹ-Đài. Năm 2001, Mỹ đồng ý bán 8 tàu ngầm cho Đài Loan, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì, cho nên Đài Loan muốn bày tỏ lập trường, nói với Mỹ rằng ngân sách không phải là vấn đề.

Trong nội bộ Đài Loan, Đảng Dân Tiến và Đảng Quốc Dân đã đạt được đồng thuận nhất định về việc Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm. Đảng Dân Tiến đề xuất, giai đoạn thứ nhất kéo dài tuổi thọ tàu ngầm lớp Kiếm Long và công trình “đảo ngược”, giai đoạn thứ hai nghiên cứu chế tạo ít nhất 6 tàu ngầm mới, nhanh nhất đến năm 2025 hoàn thành một chiếc, tổng đầu tư 400 tỷ Đài tệ. Tuy nhiên, trước đây, khi nắm quyền, Đảng Dân Tiến đã không ủng hộ phương án tự chế tạo tàu ngầm do Đảng Quốc Dân đưa ra.

Tàu ngầm Hải quân Đài Loan
Tàu ngầm Hải quân Đài Loan

Theo báo chí Đài Loan, việc mua sắm tàu ngầm của nước ngoài không dễ dàng, hầu như chỉ còn có một con đường duy nhất là tự chế tạo. Nhưng, báo chí Đài Loan lo ngại, việc tự chế tạo tàu ngầm không nên chỉ là “vấn đề nóng trong bầu cử”. Đài Loan có thể tự chế tạo tàu ngầm hay không chủ yếu tùy thuộc vào Mỹ có sẵn sàng hỗ trợ hay không.

Được biết, Đài Loan hiện chỉ có 4 tàu ngầm diesel-điện, trong đó 2 chiếc là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nằm trong số ít tàu ngầm thời kỳ này trên thế giới hiện vẫn còn hoạt động; 2 chiếc khác được thiết kế sản xuất vào thập niên 1980. Do liên quan đến “vị thế quốc tế” của Đài Loan, hầu như không có nước nào đồng ý sản xuất tàu ngầm cho Đài Loan.

Phương án tự chế tạo tàu ngầm của Đài Loan

Theo tờ “Nhật báo Hạ Môn” Trung Quốc ngày 1 tháng 10, phương án tự chế tạo tàu ngầm của Đài Loan đã được xem xét, quy hoạch ban đầu là chế tạo trước 4 chiếc, mỗi chiếc trị giá 25 tỷ Đài tệ, trọng tải khoảng 1.500 tấn. Hải quân Đài Loan cho biết, cấu hình áp dụng cách làm thiết thực, được thiết kế dựa vào năng lực đóng tàu của nhà máy đóng tàu Đài Loan, sẽ không sử dụng công nghệ AIP chạy êm, vì không có khả năng.

Theo bài báo, hiện nay, cơ quan quốc phòng Đài Loan đã hoàn thành xét duyệt nhu cầu tác chiến của tàu ngầm tự chế tạo, dự kiến trước cuối năm 2014 sẽ hoàn thành cương yếu đầu tư, năm 2015 bố trí ngân sách, năm 2016 bắt đầu chính thức tiến hành thiết kế cấu hình.

Được biết, thời gian từ khi thiết kế cấu hình đến khi hạ thủy chiếc tàu ngầm đầu tiên do Đài Loan tự chế tạo sẽ là 8 - 10 năm. Trong đó, thiết kế cấu hình 3 - 4 năm, chế tạo tàu ngầm nguyên mẫu 4 - 5 năm, sau khi thử nghiệm tác chiến 1 năm sẽ biên chế.

Về kinh phí, Hải quân Đài Loan đánh giá, ngân sách của 4 tàu ngầm khoảng 100 tỷ Đài tệ, sẽ chia thành 20 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5 tỷ Đài tệ. Hải quân Đài Loan có thể gánh được, sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách của các quân chủng khác, cũng không cần bố trí ngân sách đặc biệt.

Về cấu hình và tính năng tàu ngầm, quan chức Hải quân Đài Loan tiết lộ, Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm không nhất định phải sử dụng cấu hình tiên tiến, nhưng sẽ phù hợp với nhu cầu.

Tàu ngầm thông thường Hải Long, Đài Loan
Tàu ngầm thông thường Hải Long, Đài Loan

Được biết, trong việc tự chế tạo tàu ngầm, Hải quân Đài Loan sẽ phụ trách quản lý, Trung tâm thiết kế tàu thủy liên hợp phụ trách thiết kế, Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn phụ trách hệ thống tác chiến, Công ty đóng tàu Đài Loan phụ trách chế tạo. Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn và Công ty đóng tàu Đài Loan đều sẽ tìm kiếm đối tác nước ngoài.

Đài truyền hình vệ tinh “Phượng Hoàng” Hồng Kông ngày 16 tháng 10 đã có chương trình bình luận về vấn đề Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm. Có quan điểm cho rằng, Mỹ bày tỏ quan tâm rất lớn đối với việc giúp đỡ Đài Loan chế tạo tàu ngầm.

Theo bình luận viên Tống Triệu Văn, trong tương lai nếu sở hữu thêm 8 tàu ngầm, cộng với 2 chiếc cũ, có thể biên chế thành 2 đội tác chiến tàu ngầm, triển khai ở 2 đầu nam bắc eo biển Đài Loan để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng tác chiến.

Sức ép từ tàu ngầm này là rất quan trọng, cần phải có khả năng tác chiến dưới 500 m, nó phải được chế tạo bằng thép chịu áp cao, có sức giãn tốt, có thể lựa chọn do Mỹ, Nhật Bản hoặc nước khác chế tạo.

Vỏ ngoài cần lắp mạng giảm âm, có thể giúp cho tàu ngầm tàng hình hiệu quả, tất cả trang bị phải giúp nó có khả năng tác chiến với kẻ thù tiềm tàng trong tương lai. Tàu ngầm tương lai của Đài Loan phải có khả năng tác chiến dưới nước với tàu ngầm hiện đại của đối phương.

Đài tiếng nói nước Đức dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Hạ Lập Ngôn cho rằng: “Chúng tôi không thể giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc”.

Theo bài báo, trong tình hình hiện nay, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã gấp 10 lần ngân sách quốc phòng của Đài Loan. Theo ông Hạ Lập Ngôn: “Chúng tôi phải đóng vai trò răn đe, để Bắc Kinh không thể tính toán khả năng xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực”.

Vì vậy, theo bài báo, vũ khí mang tính phòng thủ khá rẻ và hiệu quả cao, chẳng hạn tên lửa mang tính phòng thủ rất có ích đối với Đài Loan.

Vai trò của tàu ngầm trong tác chiến phòng thủ không thể coi thường. Hạ Lập Ngôn cho rằng: “Mục tiêu rất rõ ràng: Chúng tôi cần tàu ngầm”. Nhưng, trải qua mười mấy năm, Mỹ vẫn không cung cấp tàu ngầm cho Đài Loan.

Hạ Lập Ngôn cho biết: “Chúng tôi đã đến thăm các công ty của châu Âu và Mỹ. Chúng tôi xem xét nhập khẩu một bộ phận linh kiện của hệ thống vũ khí, nhưng không phải toàn bộ tàu ngầm”.

Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Hạ Lập Ngôn
Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Hạ Lập Ngôn

“Trung Quốc hoàn toàn không từ bỏ kế hoạch dùng vũ lực tấn công Đài Loan” – Hạ Lập Ngôn khẳng định. Nhưng, mấy chục năm qua, đối với Đài Loan, mua vũ khí luôn tồn tại khó khăn. “Chúng tôi không thể dễ dàng có được vũ khí”.

Rất nhiều nước lo ngại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc có thể bị rơi vào khó khăn, nên đã không bán vũ khí cho Đài Loan. Căn cứ vào Luật quan hệ Đài-Mỹ ký kết vào cuối thập niên 1970, Mỹ không ngừng bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng, một số chính khách Đài Loan hy vọng Mỹ có thể cung cấp vũ khí toàn diện hơn.

Đài Loan muốn gây sức ép với Mỹ?

Theo tờ “Đại công báo” Hồng Kông ngày 14 tháng 10, gần đây, hội nghị công nghiệp quốc phòng Mỹ-Đài 2014 đã tổ chức tại Mỹ, “Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm” đã trở thành tiêu điểm thảo luận của những người tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, có quan chức Quân đội Đài Loan cho biết, Đài Loan mong muốn có tàu ngầm nhiều năm nhưng không được Mỹ bán, vì vậy đã khởi động công tác chuẩn bị tự chế tạo tàu ngầm, nhưng về phần cứng hy vọng Mỹ cung cấp tàu ngầm diesel-điện và máy bay chiến đấu tiên tiến. Trước đó, báo chí Đài Loan đã tiết lộ, “Đài Loan đã có một kế hoạch tự chế tạo tàu ngầm chi tiết”, đến nay phát biểu từ quan chức trên đã xác nhập thông tin này.

Do hiện nay Đài Loan vẫn không nắm được công nghệ then chốt chế tạo tàu ngầm, vì vậy vẫn sẽ áp dụng sách lược song song “tranh thủ mua sắm” và “thúc đẩy tự chế tạo”, trong khi đó, phương án lý tưởng nhất là Mỹ cung cấp công nghệ để Đài Loan tự chế tạo, như vậy có thể nắm được công nghệ quan trọng chế tạo tàu ngầm, đặt nền tảng cho sản xuất tàu ngầm sau này. Điều quan trọng hơn là, không cần phải “nhìn sắc mặt người khác” nữa. Nhưng, Mỹ trì hoãn xử lý vấn đề bán tàu ngầm cho Đài Loan đã cho thấy họ có tính toán khác.

Cùng với việc sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc tăng lên, các mục tiêu quân sự chủ yếu của Đài Loan “nhỏ bé” như sân bay, cảng biển, trận địa phòng không rất khó tránh được các cuộc tấn công hỏa lực tầm xa của Trung Quốc, trong khi đó tàu ngầm có ưu điểm là có thể tác chiến độc lập, bí mật, vì vậy Đài Loan rất khát vọng sở hữu tàu ngầm tiên tiến.

Năm 2001, Chính phủ Mỹ quyết định bán 8 tàu ngầm cho Đài Loan. Nhưng đến nay phương án này vẫn nằm lại ở Bộ Ngoại giao, chưa được bàn bạc liên ngành, chưa thông báo cho Quốc hội. Thực ra, từ sau thập niên 1950, Mỹ đã không còn sản xuất tàu ngầm diesel, chuyển sang chế tạo toàn bộ tàu ngầm động cơ hạt nhân.

Khi tuyên bố bán tàu ngầm diesel cho Đài Loan vào năm 2001, từng có tin nhà máy đóng tàu chủ yếu của bang Mississippi khôi phục dây chuyền sản xuất tàu ngầm diesel đã đóng cửa gần nửa thế kỷ, sau đó lại bỏ mặc. Nghe nói, Mỹ có xu hướng mua tàu ngầm của nước khác rồi bàn giao cho Đài Loan, nhưng các nước sản xuất tàu ngầm chủ yếu như Đức, Pháp đều từ chối. Còn về đề nghị “cung cấp công nghệ, Đài Loan tự chế tạo”, Mỹ rất lo ngại bị rò rỉ công nghệ chạy êm của tàu ngầm.

Máy bay chiến đấu F-16A/B Không quân Đài Loan
Máy bay chiến đấu F-16A/B Không quân Đài Loan

Do sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc ngày càng nâng cao, vai trò ảnh hưởng quốc tế ngày càng lớn, Mỹ cũng lo ngại nhiều hơn về thái độ phản ứng của Trung Quốc trong vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan.

Điều này có thể thấy được từ việc Mỹ trì hoãn bán máy bay chiến đấu F-16C/D cho Đài Loan. Ngoài ra, những năm gần đây, Mỹ tập trung vào chống khủng bố, trước là Al Qaeda, nay là IS, đã khiến cho Chính phủ Mỹ phải mệt mỏi ứng phó, không thể rảnh tay xử lý vấn đề tàu ngầm Đài Loan.

Theo bài báo, Đài Loan luôn miệng nói tự chế tạo tàu ngầm, nhưng có lẽ là chiêu để “gây sức ép” với Mỹ, bởi vì Đài Loan căn bản không nắm được công nghệ lõi chế tạo tàu ngầm, nếu Mỹ không cung cấp chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác sản xuất, “tự chế tạo tàu ngầm” chẳng qua là một khẩu hiệu.

Đông Bình