Đắk Nông: Vì sao bản án có hiệu lực nhưng không được thi hành?

03/10/2014 05:55
Hải Ninh
(GDVN) - Theo quy định, bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực thi hành tức thì, tuy nhiên, thực tế tại Đắk Nông lại không diễn ra như vậy.

Tại Bản án số 02/2013/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông ngày 10/7/2013 xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV thiết kế và chế tạo thiết bị EEMC (Công ty EEMC) địa chỉ tại xã Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) và bị đơn là Công ty TNHH N&S (Công ty N&S) địa chỉ tại thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) và quyết định: Buộc Công ty N&S phải trả cho Công ty EEMC số tiền 11 tỷ 449 triệu đồng. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty N&S về yêu cầu Công ty EEMC bồi thường 11 tỷ 680 triệu đồng.

Bản án đã có hiệu lực nhưng DN vẫn ngày đêm kêu cứu vì không được thi hành.
Bản án đã có hiệu lực nhưng DN vẫn ngày đêm kêu cứu vì không được thi hành.

Tuy nhiên, việc thực thi bản án có hiệu lực không hề đơn giản, bởi có nhiều vấn đề phát sinh mà “chỉ người trong cuộc” mới biết được.

Cụ thể, ngày 26/9/2013, thực hiện Bản án số 02/2013/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk R’Lấp ban hành Quyết định số 01/QĐ-CCTHA về việc: “Buộc Công ty N&S phải trả cho Công ty EEMC số tiền là 11 tỷ 499 triệu đồng. Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án có trách nhiệm thi hành án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này”.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, Công ty N&S luôn chây ỳ và bất hợp tác, buộc Công ty EEMC phải đề nghị Chi cục Thi hành án huyện Đắk R’Lấp xác minh điều kiện thi hành án tại BIDV Đắk Nông.

Đơn thư kêu cứu của Công ty EEMC gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Đơn thư kêu cứu của Công ty EEMC gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tại Công văn số 1372/CV BIDV.DN ngày 04/11/2013 do ông Trần Văn Tích, Giám đốc BIDV Đắk Nông trả lời về các tài sản của Công ty TNHH N&S đang thế chấp tại BIDV Đắk Nông theo yêu cầu của Cơ quan thi hành án thì không có tài sản là nguồn tiền thu điện từ việc bán điện của 02 nhà máy thủy điện Đắk Ru và Quảng Tín của Công ty N&S với Tổng Công ty Điện lực Miền trung .

Ngay sau đó, Chi cục Thi hành án huyện Đắc R’Lấp đã ra thông báo yêu cầu Tổng công ty Điện lực Miền trung chuyển toàn bộ 80% số tiền bán điện của Công ty N&S về tài khoản tạm giữ của Thi hành án để trả cho Công ty EEMC.

Lúc này BIDV Đắk Nông, Công ty TNHH N&S có đơn khiếu nại cho rằng toàn bộ tiền bán điện của Công ty N&S đã được thế chấp cho BIDV Đắk Nông và Công ty Tài chính CP Điện lực theo Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2013/738897/HDBĐ ngày 20/06/2013 được ký giữa 03 bên: BIDV Đắk Nông – Công ty N&S  và Công ty Tài chính CP Điện Lực.

Tại Báo cáo số 379/CTHADS-NV của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Nông ngày 05/6/2014 cho biết: Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho thấy: Công ty N&S có tài sản là 02 nhà máy thủy điện tại xã Quảng Tín và xã Đắk Ru (huyện Đắk R’Lấp) đang vận hành và 09 xe ô tô, xe máy chuyên dùng. Toàn bộ tài sản này đã thế chấp vay vốn tại BIDV Đắk Nông.

Cũng theo Chi cục Thi hành án tỉnh Đắk Nông, ngày 10/3/2014, BIDV Đắk Nông cung chấp cho Chi cục Thi hành án huyện Đắk R’Lấp 02 hợp đồng tín dụng số 635/2005/3362 ngày 16/12/2005 và số 635/2007/0001277 ngày 19/12/2007, 01 hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2012/73889/HĐBĐ ngày 04/6/2012 giữa Công ty N&S và BIDV Đắk Nông. Khi thực hiện các hợp đồng trên các bên không đăng ký giao dịch đảm bảo. Công ty Tài chính CP điện lực còn cung cấp thêm Hợp đồng số 009/2010/HĐTC-TCĐL ngày 31/3/2011 thế chấp các khoản phải thu của Công ty N&S và có đăng ký giao dịch đảm bảo ngày 22/4/2011.

Tại cuộc họp liên ngành ngày 27/5/2014, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Viện KSND tỉnh Đắk Nông thống nhất ý kiến chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk R’Lấp chuyển trả toàn bộ số tiền đang tạm giữ cho Tổng Công ty Điện lực Miền trung để các bên xử lý theo các hợp đồng đã ký kết.

Ngày 28/7/2014, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) có Công văn số 2288/TCTHADS-NV1 với nội dung: Việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk R’Lấp thực hiện thu tiền là cần thiết vì tại thời điểm cơ quan thi hành án dân sự thu tiền bán điện thì BIDV Đắk Nông chưa cung cấp hợp đồng thế chấp. Sau khi Chi cục Thi hành án thu tiền thì BIDV Đắk Nông mới cung cấp thông tin tài sản của người phải thi hành đã thế chấp, do đó Chi cục Thi hành án chưa chi trả tiền và các cơ quan chức năng tiến hành họp bàn, xác minh làm rõ tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp tài sản trước khi xử lý số tiền đã thu để đám bảo giải quyết khách quan, toàn diện vụ việc.

Ông Ngô Tiến Đạt, Giám đốc Công ty EEMC bức xúc cho biết: "Tại Biên bản giải quyết thi hành án lập ngày 13/03/2014 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk R’ Lấp các bên liên quan (BIDV Đắk Nông + Công ty N&S + Công ty Tài chính CP Điện lực) và Công ty chúng tôi đã thống nhất số tiền hơn 3 tỷ đồng thu từ nguồn tiền bán điện tháng 12/2013 và các tháng tiếp theo của Công ty N&S sẽ tiếp tục được phong tỏa và gửi tiết kiệm tại ngân hàng chờ các bên thỏa thuận hoặc khởi kiện. Biên bản chưa ký ráo mực thì ngày 29/03/2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đắk R’Lấp đã tự ý ra Quyết định số 07QĐ-CCTHA trích hơn 2,5 tỷ đồng từ tài khoản tạm giữ thi hành án chuyển cho Công ty N&S với lý do để duy tu, bảo dưỡng Nhà máy thủy điện Đắk Ru không hỏi ý kiến của chúng tôi là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đời sống của hàng trăm cán bộ Công ty đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Công ty Luật Hoàng Giao & Cộng sự phân tích: “Qua sự việc này cho thấy hành vi thực thi công vụ của một số cán bộ trong việc thi hành Bản án số 02/2013/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông ngày 10/7/2013 có dấu hiệu bao che cho các sai phạm. Công ty EEMC từ chỗ được thi hành án thành như kẻ bị thị hành án. Dường như tính tôn nghiêm pháp luật đang bị chà đạp, coi thường qua cách xử lý của các cơ quan chức năng. Với quan điểm luật sư, tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra, làm rõ trách nhiệm về dấu hiệu bao che cho sai phạm của các cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thi hành án và được giao giải quyết khiếu nại của các cơ quan liên quan”.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Hải Ninh