Dân Hội An trắng đêm chạy lũ

09/11/2011 06:07
NHÓM PV - CTV/Pháp luật TPHCM
Nội thành TP Huế, TP Đà Nẵng ngập sâu trong nước. Quảng Nam có 17 người chết và mất tích.
Ven sông Hoài, nhiều ngôi nhà ngập sâu 5-7 m chỉ còn thấy nóc.

“Nước lũ về nhanh khủng khiếp. Khoảng 20 giờ đêm 7-11, nước trên sông Hoài dâng nhanh tràn vào phố cổ. Trong vòng 20 phút, toàn bộ phố cổ chìm nghỉm trong biển nước. Người dân nhốn nháo chạy lũ trong đêm mưa” - chị Huỳnh Thị Bích Hạnh, nhà 59A Nguyễn Thị Minh Khai trong phố cổ Hội An, nói.

Lũ nhấn chìm phố cổ

Nước dâng nhanh, các phường Cẩm Kim, Cẩm Châu, khối phố với đèn lồng, tơ lụa, đồ lưu niệm trong phố cổ phút chốc bị lũ nhấn chìm.

Theo chị Hạnh, khi nước lũ về, năm người trong gia đình chị không kịp trở tay, chỉ kịp chạy lên gác tránh lũ. Vừa lên đến gác, nhìn xuống chân thì nước đã dâng lên mấp mé gác mái nhà. Cả nhà hoảng sợ và nghĩ ngay đến những tai ương. Hé mái ngói, trong màn đêm chị nghe thấy cả phố cổ vọng lên những tiếng kêu thất thanh vì sợ hãi của người dân đang chạy lũ, thấy đèn lồng nhập nhoạng tắt dần rồi bị lũ vùi. “Họ là những gia đình sống trong phố cổ với những căn nhà rất thấp không có gác.

Nước lũ về quá nhanh nên họ chỉ có thể khóa cửa, vứt bỏ đồ đạc, tài sản để chạy lũ cứu lấy thân mình” - chị Hạnh nói. Chị Hạnh và đứa con nhỏ phải ở lại, sống ngay phần chóp mái và phần máng hiên nơi tiếp giáp với một ngôi nhà khác để chắt nước mưa nấu mì tôm.

Đến sáng 8-11, nước lũ từ các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc… vẫn ầm ầm theo sông đổ về Hội An. Chiều cùng ngày, ghe, thuyền của người dân vẫn lao về phía những ngôi nhà chìm trong nước để di tản người, vật dụng. Nhiều ngôi nhà cả trăm năm tuổi nay chìm nghỉm trong lũ. Ven sông Hoài, nhiều ngôi nhà ngập sâu 5-7 m chỉ còn thấy nóc.

Dân Hội An trắng đêm chạy lũ ảnh 1

Nhà cổ Hội An ngập gần tới nóc. Ảnh: LÊ PHI

Hàng trăm hộ gia đình ở Hội An phải sinh hoạt ở trên nóc nhà, sân thượng. Nhiều đứa trẻ ngồi co ro trên gác với bộ quần áo ướt nhẹp. Cụ Vĩnh Hoàng (73 tuổi, nhà nằm sát ngay chùa Cầu) đang lả người vì đói. Cụ thò đầu ra khỏi khung cửa sổ nhìn dòng lũ, bất lực. Cụ và gia đình đã phải vật lộn với lũ cả đêm. “Mấy đứa trẻ được ưu tiên cho đi trước. Cả nhà đều đã chạy lũ, mình tui ở lại để trông nhà nhưng nước cứ tông thẳng vào nhà làm lắc lư, sợ quá” - cụ Vĩnh Hoàng lo lắng.

TP Đà Nẵng: Trẻ em khóc xé màn đêm

Anh Nguyễn Văn Quý (giáo viên) sống tại “rốn lũ”, thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết: Trong đêm, nước cuồn cuộn tràn qua cửa sổ khiến anh không kịp trở tay. Anh chỉ kịp đưa con nhỏ và gia đình di tản khẩn cấp.

“Có hai thanh niên đang đi thì bất ngờ lũ tràn về cuốn trôi chừng 200 m. Khi đó người dân nghe tiếng kêu cứu thất thanh nên cho ghe vượt lũ hướng về họ. Đến nơi thì một người đã kiệt sức đang níu vào tán cây, một người khác đang hốt hoảng trên cành cây” - anh Quý nhớ lại.

Trong đêm, chiếc ghe nhỏ của anh Quý và hàng trăm chiếc ghe của người dân Cẩm Toại Tây liên tục giúp dân chạy lũ. “Nhiều đứa trẻ hoảng sợ khóc xé màn đêm” - anh Quý tiếp.

Dân Hội An trắng đêm chạy lũ ảnh 2

Ông Lê Da Diễu, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, Huế vận chuyển đồ đạc lên cao chạy lũ. Ảnh: V.LONG

Cả huyện Hòa Vang chìm trong nước lũ. Người dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) phải chạy lên đường tránh Hải Vân - Túy Loan để ở tạm. Ở các khu phố thuộc phường Hòa An, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) nước lũ vẫn còn ngập nhà dân đến nửa người.

Cố đô Huế ngập sâu

Mưa tiếp tục ở thượng nguồn, thủy điện Hương Điền và Bình Điền xả lũ làm toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế ngập trong biển nước. Không chỉ những vùng trũng Quảng Điền, Phong Điền bị ngập sâu mà các tuyến đường khá cao của TP Huế như Hà Nội, Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu cũng bị ngập.

Mưa lũ đã khiến nhiều tuyến đường TP Huế ngập sâu từ 1,2 đến 1,5 m. Khu Đập Đá ngập lên tới 2,2 m. Các tuyến đường liên xã Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Xuân, Hương Phong thuộc huyện Hương Trà đã bị nước lũ cô lập với độ sâu từ 1,5 đến 2 m. Từ đây toàn bộ người dân Huế đều phải tìm đến phương tiện ghe để di chuyển. Quốc lộ 1A và 49B bị ngập từ 0,5 đến 0,7 m, giao thông ách tắc. Hơn 280.000 học sinh ở tỉnh này phải nghỉ học.

Hai tàu chìm, một ngư dân chết. Sáng 8-11, tàu cá QNg-94942TS của ông Võ Hữu Đức (SN 1960, quê ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) hỏng máy, bị chìm trên biển làm ông Võ Hữu Hòa chết ngạt. Cùng ngày, tàu QNg-98225TS của ông Võ Công Tính (quê Đức Phổ) trên đường vào Đà Nẵng bị sóng đánh chìm.

Đường phía tây Quảng Ngãi sạt lở nặng. Tuyến đường từ xã Sơn Tân đi Sơn Tinh và Sơn Lập (huyện Sơn Tây) và huyện miền núi Tây Trà có nhiều điểm sạt lở lớn, 141 hộ dân với trên 650 nhân khẩu đang ở trong vùng nguy hiểm.

17 người chết và mất tích trong đợt lũ từ ngày 5 đến 8-11 ở Quảng Nam. Trong ngày 8-11, có chín người chết và mất tích, trong đó huyện Điện Bàn có sáu người chết.

NHÓM PV - CTV/Pháp luật TPHCM