“Dị nhân” chứng minh Việt sử 5.000 năm qua tranh dân gian

07/07/2011 23:37
(GDVN) - "Dị nhân" nghiên cứu, chứng minh Việt sử gần 5.000 năm văn hiến và Kinh dịch cũng như thuyết âm dương ngũ hành là của người Việt Nam.
(GDVN) - Để chứng minh Việt sử gần 5.000 năm văn hiến và Kinh dịch cũng như thuyết âm dương ngũ hành là của người Việt Nam, "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã nghiên cứu, giải thích từ cái nhỏ nhất như câu vè "Chi chi trành trành" hay tranh dân gian "Đàn lợn" đến cả lý thuyết thống nhất vũ trụ cao siêu.
"Dị nhân đuổi mưa" khẳng định: "Tôi không bịa ra mốc Việt sử gần 5.000 năm văn hiến. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì lịch sử nước ta bắt đầu từ năm 2.879 TrCN. "Lịch sử Việt Nam hơn 4.000 năm văn hiến" là câu ông cha ta nói từ thời nhà Lê cách đây 400 năm. Bây giờ tôi nói là gần 5.000 năm lịch sử là chuẩn xác". 
 
Theo ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì để chứng minh luận điểm này, ông đã nghiên cứu, giải thích từ cái nhỏ nhất như câu vè "Chi chi trành trành" hay tranh dân gian "Đàn lợn" đến cả lý thuyết thống nhất vũ trụ cao siêu. Giải mã bức tranh "Đàn lợn" chính là một phần trong tập sách "Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam" xuất bản năm 2008 của ông. 
"Dị nhân" chia sẻ: "Trong cuốn sách nhỏ này, tôi tiếp tục trình bày quan điểm cho rằng: nền văn minh Lạc Việt, cội nguồn của nền văn hiến trải gần 5000 năm, chính là nền tảng của văn hóa Đông Phương kỳ vĩ, qua một mảng trong di sản văn hóa Việt Nam. Đó là những bức tranh dân gian của các dân tộc Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách phân tích nội dung những bức tranh dân gian các dân tộc Việt Nam. Qua đó, so sánh, đối chiếu với những vấn đề liên quan trong lịch sử văn hóa cổ Đông phương nhằm minh chứng cho nền văn minh kỳ vĩ của dân tộc Việt".
Để giải mã bức tranh dân gian "Đàn lợn", ông Tuấn Anh đã nhắc mọi người chú ý đến hình tượng vòng tròn âm dương trên mình những con lợn. Ông cho rằng hình tượng này hoàn toàn khác với hình tượng vòng tròn âm dương có 2 chấm của người Trung Quốc. Chính vòng tròn âm dương và hình tượng con lợn đã chứng tỏ một nội dung liên quan chặt chẽ đến thuyết Âm dương Ngũ hành. 
Ông khẳng định: "Việc giải mã tranh “Đàn lợn” sẽ là sự minh chứng tiếp tục quan niệm cho rằng thuyết Âm dương Ngũ hành là một học thuyết thống nhất và hoàn chỉnh ngay từ nguyên lý khởi nguyên của nó. Từ đó có thể chứng tỏ tiếp tục rằng nền văn minh Lạc Việt chính là cội nguồn của học thuyết này".
Theo "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì ở hành Thủy - phương Bắc của Hà đồ cửu cung có độ số 1 và 6. Trong sách xưa nhất là “Hoàng Đế nội kinh tố vấn”, thiên “Kim quỷ chân ngôn luận”, nói về Bắc phương như sau: Bắc phương sắc đen, thông vào với Thận, thông khiếu ở nhị âm; tàng tinh ở Thận; bệnh phát sinh ở khê; về vị là mặn và thuộc về Thủy; thuộc về lục súc là lợn; thuộc về ngũ cốc là đậu; thuộc về bốn mùa trên ứng với sao Thần; thuộc về Âm là Vũ; thuộc về số là số 6; thuộc về mùi là mùi húc mục, do đó biết thường sinh bệnh ở xương. 
Mặt khác, độ số trên Hà đồ thì ở hai hành Thủy và Mộc (hai hành thuộc Âm), các số dương (số lẻ) khi cộng với 5 đều ra số âm (số chẵn) cùng hành. Ở hai hành Hỏa và Kim (hai hành thuộc dương), các số dương đều trừ 5 ra số âm cùng hành. Điều này được diễn tả như sau:
- Hai hành thuộc Âm: Thủy & Mộc
+ Hành Thủy: số Dương 1 cộng 5 thành Âm Thủy, độ số 6
+ Hành Mộc: số Dương 3 cộng 5 thành Âm Mộc, độ số 8.
- Hai hành thuộc Dương: Hỏa & Kim
+ Hành Hỏa: số Dương 7 trừ 5 thành Âm Hỏa, độ số 2.
+ Hành Kim: số Dương 9 trừ 5 thành Âm Kim, độ số 4
Như vậy, hiện tượng trùng khớp đáng lưu ý là: hình tượng con lợn trong tranh dân gian Việt Nam liên hệ với một bản văn chữ Hán cổ nhất liên quan đến thuyết Âm dương Ngũ hành. Cụ thể là “Lợn” thuộc hành Thủy.
So sánh với tranh đàn lợn, chúng ta lại thấy một sự trùng khớp nữa: Có đúng 6 con lợn trên tranh. Trong tranh có một lợn mẹ - cái có trước, dương - tương ứng với số dương Thủy 1; 5 lợn con cộng 1 bằng 6. Đây chính là nguyên nhân để không thể là 6 lợn con mà chỉ có 5 lợn con. Bởi vì, nếu 6 lợn con thì âm Thủy 6 sẽ là sự phân biệt tuyệt đối với dương Thủy 1. Điều này sẽ trái với nguyên lý Ngũ hành thuộc Âm động trong nguyên lý khởi nguyên của vũ trụ. 
Số lợn mẹ = 1 và lợn con = 5 đã chứng tỏ rằng sự phân biệt âm dương trong Ngũ hành là sự chuyển hóa liên tục; khi đạt đến độ số tối đa (6) thì chuyển hóa sang hành khác. Hình tượng lợn mẹ và lợn con (tức cùng giống) cũng chứng tỏ rằng: quẻ Càn trong kinh Dịch nằm ở vị trí Âm thủy (cho dù đặt Hậu thiên Bát quái với Hà đồ hay Lạc thư thì tính chất này vẫn không đổi ở hành Thủy) phải cùng hành với quẻ Khảm.
Đây là sự minh chứng tiếp tục của quan niệm cho rằng: Âm dương Ngũ hành là một học thuyết thống nhất và hoàn chỉnh, bát quái chỉ là ký hiệu, siêu công thức của học thuyết này. Chính bức tranh “Đàn lợn” trong văn hóa dân gian Việt Nam đã chứng tỏ điều này; khi dấu ấn của âm dương và độ số của hành Thủy thể hiện trong bức tranh này. Không những thế tranh “Đàn lợn” còn chứng tỏ nguyên lý trong sự vận động của vũ trụ theo thuyết Âm Dương Ngũ hành mà cổ thư chữ Hán chưa hề nói đến. 
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cảm thán: "Những nghệ nhân tranh dân gian Việt Nam, trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn trung thành với nguyên tác của tổ tiên, để hàng ngàn năm sau đó, con cháu tìm về cội nguồn và minh chứng cho một nền văn hiến trải gần 5000 lịch sử".
Từ những cái nhỏ nhất như bức tranh dân gian, "dị nhân đuổi mưa" còn nghiên cứu Lý thuyết thống nhất vũ trụ để chứng minh cho công trình "Việt sử 5.000 năm" của mình. Ông chia sẻ: "Lý thuyết thống nhất vũ trụ chính là cách gọi khác của "Định mệnh có thật hay không?". 
Bởi vì chỉ lý thuyết thống nhất vũ trụ mới giải thích được định mệnh có thật hay không. Ngày xưa mọi người không hiểu tôi nói cái gì, mà tôi thì muốn đến với mọi người nên tôi dùng chữ "định mệnh" để cho mọi người tò mò. Nhiều người thích tìm hiểu định mệnh chứ không thích tìm hiểu lý thuyết. Lý thuyết thống nhất vũ trụ cũng chính là thuyết Âm dương Ngũ hành.
Người Trung Quốc đến nay vẫn chưa hiểu bản chất thuyết Âm dương Ngũ hành, không biết thuyết Âm dương Ngũ hành có hoàn chỉnh và có hệ thống hay không. Họ không hiểu vì họ không sáng tạo ra. Thuyết âm dương ngũ hành là của người Việt Nam. Tôi viết rất nhiều cuốn sách chứng minh vấn đề này như "Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt", "Tìm về cội nguồn Kinh Dịch", "Định mệnh có thật hay không?"… 
{iarelatednews articleid='6707,6592,6524,6401,6261,6216,6165,6126,6076,5967,5960'}
Nguyễn Huệ