Đừng làm tổn thương tình cảm, tấm lòng người Hà Giang nữa!

01/08/2018 07:09
Thu Hằng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang)
(GDVN) - Những người làm sai chỉ mong dư luận nhìn như những “con sâu làm rầu nồi canh”, và người sai sẽ có luật pháp trừng trị nghiêm minh.

LTS: Những ngày qua, vụ việc tiêu cực điểm thi diễn ra tại Hà Giang đã khiến dư luận cả nước quan tâm.

Cũng trong thời gian này xuất hiện thêm bài hát chế lời bài hát “Hà Giang quê hương tôi” của tác giả Thanh Phúc thành bài hát nói về việc điểm thi tại Hà Giang.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết của tác giả Thu Hằng, công tác tại Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy Hà Giang thể hiện góc nhìn về sự việc trên.

Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Cũng giống như người Hải Phòng thể hiện tình yêu quê hương với giai điệu nằm lòng “ta yêu thành phố quê ta, như yêu chính người thân yêu nhất” trong nhạc phẩm “Thành phố hoa phượng đỏ”.

Đồng bào Tây Nguyên hào sảng, phóng khoáng cất lên câu hát “đôi mắt Pleiku biển hồ đầy” giữa núi rừng đại ngàn

Người Hà Giang có bài “Hà Giang quê hương tôi” để bày tỏ niềm tự hào, tình cảm sâu nặng với quê hương “tự nó đã cao rồi, so với mặt bể cao hơn hàng nghìn mét, gần mặt trời mà thiếu nắng quanh năm…” của mình.

Trong bất cứ cuộc vui, gặp gỡ, giao lưu bạn bè, người Hà Giang đều vui vẻ, tự hào hát lên những lời ca từ trái tim “Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu của tôi”.

Không chỉ người Hà Giang, mà rất nhiều người bạn ở khắp mọi miền đất nước đều biết đến bài hát này.

Có thể, các bạn sẽ không thuộc hết lời bài hát, nhưng đều có sẵn trong trí nhớ lời ca da diết, tình cảm: “Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu của tôi”.

Điều đó thể hiện tình cảm yêu mến của đồng bào cả nước đối với quê hương Hà Giang.

Nhất là, trong những hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn, cả nước luôn hướng về Hà Giang với tình cảm chân thành nhất, giúp đỡ, ủng hộ đồng bào Hà Giang bằng tất cả khả năng của mình.

Không chỉ cấp ủy, chính quyền, đặc biệt, nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn biết ơn và ghi nhớ những tình cảm thân thương ấy, lấy đó làm động lực để phấn đấu, quyết tâm vượt mọi khó khăn, từng bước xây dựng quê hương phát triển.

Kỳ thi vừa qua cả Hà Giang đã chung tay vượt qua khó khăn để giúp thí sinh đến trường thi được an toàn (Ảnh: CAND)
Kỳ thi vừa qua cả Hà Giang đã chung tay vượt qua khó khăn để giúp thí sinh đến trường thi được an toàn (Ảnh: CAND)

Trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, khó tránh khỏi những sự việc đáng tiếc xảy ra, trong đó, có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Gần đây nhất là sự việc điểm thi cao bất thường trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại tỉnh.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, với mong muốn xác minh sự việc một cách khách quan, chính xác, đảm bảo tính chuyên môn, nghiệp vụ cao, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã khẩn trương chỉ đạo Hội đồng thi Trung học Phổ thông quốc gia tỉnh Hà Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và các ban, ngành có liên quan chủ động, tích cực phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và đào tạo tiến hành kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ những dấu hiệu bất thường.

Kịp thời thông báo kết quả của từng giai đoạn và các vấn đề có liên quan, được dư luận quan tâm, trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương, để đông đảo người dân trong cả nước được biết.

Với tinh thần quyết tâm, kiên quyết xác minh các dấu hiệu bất thường, không có vùng cấm, các sai phạm lần lượt được phát hiện, lực lượng chức năng đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam những đối tượng đầu tiên bị phát hiện có hành vi vi phạm để tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Đừng làm tổn thương tình cảm, tấm lòng người Hà Giang nữa! ảnh 2Hà Giang nhất định phải hành động để bảo vệ danh dự cho Bí thư Triệu Tài Vinh

Trong khi các trang báo điện tử trong cả nước và các tài khoản trên mạng xã hội liên tục đưa tin, bàn luận về sự việc điểm thi thông báo lần 1 không chính xác của tỉnh Hà Giang, thì đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang tự động viên nhau và gọi đó là “nỗi đau” và cần phải đoàn kết để vượt qua, như đã vượt qua trận lũ quét nghiêm trọng vừa xảy ra.

Những người làm sai chỉ mong dư luận nhìn như những “con sâu làm rầu nồi canh”, và người sai sẽ có luật pháp trừng trị nghiêm minh.

Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đồng nhận định, những sai phạm trên là điều rất đáng buồn, đáng tiếc, nhưng không thể lấy đó để đánh giá chất lượng công tác giáo dục của tỉnh nhà, càng không thể lấy đó để đánh giá sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Kỳ thi Trung học phổ thông vừa qua, cả tỉnh Hà Giang có gần 5.500 thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, ngay khi kỳ thi bắt đầu thì cũng là lúc lũ ập đến, cấp ủy, chính quyền các cấp và tất cả các ban ngành, nhà trường cùng khắc phục mọi khó khăn để các em được đi thi đầy đủ, an toàn.

Chưa có nơi nào, cuộc thi nào mà giáo viên dành cả đêm để tìm mọi cách thông báo cho từng phụ huynh và thí sinh về phương tiện và địa điểm đón thí sinh, chính quyền và các lực lượng chức năng bố trí xe, xuồng đón các em đến điểm thi, nhà trường thuê nhà nghỉ và nấu cơm miễn phí tại trường cho các em được đảm bảo an toàn.

Chưa kể, chặng đường mấy chục năm đã qua, khi cả nước đã bắt tay vào việc nâng cao chất lượng giáo dục thì Hà Giang đang nỗ lực hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.

Vừa vận động học sinh đi học, vừa dạy học, vừa dạy tiếng Kinh cho đồng bào dân tộc thiếu số.

Các lớp học ghép được tổ chức tất cả các buổi trong ngày, kể cả vào buổi tối với ngọn đèn dầu vàng xanh, thắp sáng cả một khoanh bản nho nhỏ giữa núi rừng.

Thày giáo lớp xóa mù, lớp tạm là bộ đội biên phòng, là thanh niên vùng núi thấp của tỉnh, vùng miền xuôi, có người đã học qua nghiệp vụ sư phạm, có người vừa học xong bậc Trung học phổ thông, xung phong, tình nguyện vượt hàng trăm, hàng ngàn kilomet đường cấp phối ngoằn ngoèo thường xuyên sạt lở trên núi đá, một bên là đèo cao, một bên là vực sâu để lên vùng cao dạy chữ.

Cộng đồng 19 dân tộc tỉnh Hà Giang luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của những người giữ phên dậu vững vàng cho Tổ quốc.

Điều đáng buồn và làm tổn thương người Hà Giang chính là khi một cán bộ đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của một nhà báo chân chính khi coi sự việc trên như một “trò vui”.

Thật buồn khi cán bộ ấy lại lấy sai phạm, khuyết điểm của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên làm “nguồn cảm hứng” để chế lời, “đạo nhạc” bài hát “Hà Giang quê hương tôi” – một bài hát gắn liền với tâm tư, tình cảm, cuộc sống lao động sản xuất của con người và mảnh đất Hà Giang – để phát tán trên mạng xã hội và bôi xấu hình ảnh của cả một tỉnh, làm cho gần tám mươi vạn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân của tỉnh cảm thấy “chạnh lòng”.

Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, xin đừng đánh đồng cả thành người Hà Giang. (Ảnh: LC)
Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, xin đừng đánh đồng cả thành người Hà Giang. (Ảnh: LC)

Bài hát là tình cảm của nghệ sĩ Thanh Phúc dành cho quê hương thứ hai của mình, nơi mà người cha kính yêu của ông đã hi sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Người em trai của nhạc sĩ, cán bộ ngành Giao thông vận tải tỉnh Hà Giang cũng đã ngã xuống trên đất Hà Giang này khi xây dựng con đường Hạnh phúc nối miền xuôi lên miền núi .

Sau đó, đến lượt người mẹ của nhạc sĩ khi trăm tuổi cũng nằm lại nơi đây. Chính vì những lẽ đó, mà mảnh đất Hà Giang không chỉ trở thành máu thịt với người nhạc sĩ quê dưới xứ Đoài này mà nó còn là tiếng lòng của người con miền xuôi gửi tâm tư tình cảm cho mảnh đất Hà Giang.

Người Hà Giang hát bài hát bằng tấm lòng tự hào, bằng cái chất, cái thật của người vùng cao gửi gắm cho bạn bè đường xa đặt chân đến mảnh đất địa đầu của Tổ quốc.

Sự việc đáng tiếc vừa qua, như một vết thương lớn trên thân cây sa mộc đang bước vào độ trưởng thành.

Đừng băm vằm mãi nỗi đau ấy để vết thương ngày càng lan rộng, không có cách nào lành lại được.

Dù lời bài hát chế ấy có làm tổn thương người Hà Giang nhưng người Hà Giang tin nó sẽ nhanh chóng trôi vào quên lãng.

Lời bài hát chế dù có làm tổn thương nhưng người Hà Giang sẽ dễ bỏ qua và tin nó sẽ không thể lưu lại lâu. (Ảnh cắt tư clip)
Lời bài hát chế dù có làm tổn thương nhưng người Hà Giang sẽ dễ bỏ qua và tin nó sẽ không thể lưu lại lâu. (Ảnh cắt tư clip)

Dù thế nào đi chăng nữa, bài hát “Hà Giang quê hương tôi” sẽ vẫn còn nguyên giá trị và là nguồn động viên tinh thần cho nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trong sự nghiệp đổi mới, vươn lên phát triển bền vững.

Tình cảm người vùng cao trước, sau như một, sẽ vẫn nguyên vẹn những lời ngọt ngào như lời ca của bài hát “Người Mèo ơn Đảng”,

Dù ở nơi đâu, trong mọi hoàn cảnh, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang sẽ vẫn tự hào hát lên bài hát của quê hương mình, để làm giảm nhọc nhằn nơi miền biên viễn.

Để những giọt mồ hôi của người Hà Giang rơi trên đá bạc màu, đổi lấy màu xanh của những nương ngô trên đá, rền vang thêm tiếng máy cày trên những thung lũng tốt tươi...

Thu Hằng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang)