FBI: Tấn công mạng sẽ trở thành mối đe dọa số 1 của Mỹ

05/03/2012 06:06
Việt Dũng (Theo báo Liên hợp Buổi sáng)
(GDVN) - "Các tổ chức khủng bố ngày càng thông thạo công nghệ mạng, dùng internet để mở rộng hoạt động và liên hệ với những cá nhân có cùng chí hướng…".
Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller.
Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller.

Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller nhấn mạnh, các tin tặc vị thành niên trước đây chỉ nhằm khoe có thể nhanh chóng xâm nhập hệ thống mạng, nhưng các tin tặc hiện nay đã trở nên tinh vi, lão luyện, chúng thường tiến hành hành động tập thể, hình thành tội phạm có tổ chức.

Theo Robert Mueller, tấn công mạng giống với chủ nghĩa khủng bố, đe dọa an ninh của Mỹ, cần có sự hợp tác đối phó giữa cơ quan chính quyền và doanh nghiệp tư nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta cũng thừa nhận, Mỹ làm chưa đủ trên phương diện ứng phó với mối đe dọa mạng.

Khi có bài phát biểu tại Hội nghị an ninh thông tin quốc tế ở San Francisco vào thứ năm vừa qua, Mueller đã bày tỏ rất quan tâm tới tấn công mạng. Ông cho rằng, công nghệ mạng phát triển cực nhanh, nhưng công tác phòng thủ luôn luôn không theo kịp.

FBI dự kiến, ​​sẽ có một ngày tấn công mạng sẽ trở thành mối đe dọa số 1 của Mỹ.

Mueller cho biết, các tin tặc thích gây phiền phức đã tổ chức thành liên minh. Để đối phó với tội phạm mạng, các doanh nghiệp tư nhân và các cơ quan chính quyền như các đơn vị cảnh sát, tình báo cần thiết bắt tay tiến hành hợp tác mang tính toàn cầu.

Ông nhấn mạnh, các tin tặc thiếu niên trước đây chỉ khoe nhanh chóng xâm nhập hệ thống mạng, nhưng nay các tin tặc đã trở nên thông minh, lão luyện, chúng thường hành động tập thể, đã hình thành tội phạm có tổ chức.

Mueller nói, loại tội phạm có tổ chức này là hoạt động ở ngoài biên giới, chúng có thể tùy ý vượt qua biên giới giữa các nước.

Mỹ nhiều lần lên tiếng về mối đe dọa tin tặc từ Trung Quốc.
Mỹ nhiều lần lên tiếng về mối đe dọa tin tặc từ Trung Quốc.

Đối với các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, chuyên gia an ninh máy tính của các công ty tư nhân cho rằng, đây là hành vi của một số nước, mục đích là muốn ăn cắp thông tin bí mật của chính phủ hoặc tổ chức thương mại.

Mueller cho biết: “Chúng ta phải chung tay hợp tác bảo vệ tài sản của chúng ta, bảo vệ ý tưởng và sáng kiến của chúng ta. Chúng ta phải sử dụng hệ thống mạng để đáp trả, ngăn chặn chúng gây thiệt hại cho chúng ta”.

Ông cho biết, các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, Đảng Thanh niên Somalia ngày càng nắm được thông thạo công nghệ mạng. Chúng đang sử dụng internet mở rộng hoạt động và liên hệ với những cá nhân có cùng chí hướng.

Muller đã kêu gọi các công ty tư nhân và các cơ quan chính phủ chống tin tặc chia sẻ thông tin để ứng phó với tấn công mạng.

Do lo sợ gây ảnh hưởng đến hình tượng của công ty hoặc làm dao động lòng tin của cổ đông, các doanh nghiệp tư nhân thường không sẵn sàng thông báo sự cố mạng bị xâm nhập.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta cũng bày tỏ lo ngại về an ninh mạng của Mỹ, khi phát biểu tại Đại học Louisville – bang Kentucky Mỹ, ông cho biết, Mỹ có thể bị một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, làm tê liệt mạng cả nước. Ông nói thẳng rằng, Mỹ làm chưa đầy đủ trên phương diện ứng phó với các mối đe dọa về mạng.

Panetta tiết lộ, các cơ quan, tổ chức của Chính phủ Mỹ hàng ngày đều phải đối mặt với hàng trăm ngàn cuộc tấn công mạng với mục đích ăn cắp thông tin, cùng với việc công nghệ ứng dụng mạng ngày càng phát triển, hiện nay tồn tại khả năng những kẻ tấn công mạng có thể làm tê liệt hệ thống mạng của Mỹ.

Ông cho rằng, Mỹ phải tăng cường công tác phòng ngừa tấn công mạng quy mô lớn, để ngăn chặn các phần tử dùng tấn công mạng để cắt đứt mạng lưới điện, gây hỗn loạn cho hệ thống chính phủ và phá hoại hệ thống tài chính của Mỹ.

Việt Dũng (Theo báo Liên hợp Buổi sáng)