GS Phạm Minh Hạc: "Nhiều trường mải chạy theo kinh tế, chất lượng đào tạo thấp"

29/09/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Phạm Minh Hạc chỉ rõ, chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ cử nhân có việc làm mới là cái đích các trường đại học phải đạt được.

Những năm gần đây, nhiều trường đại học công lập hướng tới đào tạo đa ngành, nhưng điều mà dư luận xã hội băn khoăn là chất lượng đào tạo thì vẫn luôn là một dấu hỏi lớn.

Từ đầu năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo mở. (1)

Thí dụ, Đại học Thủy lợi mở thêm nhiều ngành như: Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu; Kinh tế xây dựng; Thương mại điện tử; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Ngôn ngữ Anh...

Trường Đại học Giao thông Vận tải mở thêm ngành học mới là Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh.

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng mở thêm nhiều ngành mới: Quản lý đô thị thông minh và Bền vững, Kỹ thuật hóa phân tích, Quản trị nguồn nhân lực, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên... (2)

Nhiều chuyên gia nhận định, các trường có lý do mở ngành nhưng có sẵn sàng chịu trách nhiệm với sản phẩm đào tạo, với cái đích cuối cùng là cử nhân phải tìm được việc làm phù hợp?

Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC.
Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC.

Trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nêu quan điểm: “Xu hướng phát triển của các trường đại học hiện nay là không ngừng mở mới ngành nghề đào tạo. Sự nở rộ này đặc biệt thấy rõ ở khối các trường công lập tự chủ. Nhìn chung các trường hiện nay thiếu sự chuyên nghiệp, bộ máy quản lý cồng kềnh là rất phổ biến.

Nhưng nhiều trường quên mất một điều cơ bản là đại học đa ngành, đa lĩnh vực chỉ là phương tiện, không phải là mục tiêu để phấn đấu. Chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ việc làm cho sinh viên khi ra trường… mới là mục tiêu các trường đại học cần đạt được để nâng tầm giá trị.

Theo thống kê, cả nước ta hiện có hơn 400 trường cao đẳng và đại học, thời gian tới sẽ còn tăng lên nhiều hơn, con số này không đáng mừng mà theo tôi là đáng lo. Nhiều trường đại học ở các tỉnh chủ yếu được thành lập khi có “phong trào” nâng cấp, mở mới hàng loạt. Sau một thời gian, nhiều trường đại học hoạt động không hiệu quả, ngân sách hàng năm bỏ vào đó rất nhiều mà không có mấy sinh viên theo học.

Thực tế cho thấy, các trường đại học ở các tỉnh hiện nay sống dựa vào nguồn ngân sách địa phương, nên khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động. Khi kinh phí bó buộc thì không thể thu hút được thầy giỏi, không đủ để đầu tư cơ sở vật chất thì chất lượng đào tạo cũng sẽ đi xuống. Từ đó dẫn đến hệ lụy khó khăn trong việc tuyển sinh, không thu hút được người học.

Có thể nói, vấn đề hiện nay là các trường đại học mở ra quá nhiều, nhưng chất lượng đào tạo lại chưa được tương xứng. Nhiều trường, nhưng chất lượng của đội ngũ giáo viên chưa được bảo đảm, tài liệu học tập ít có đổi mới. Tôi thấy đáng lo về chất lượng đào tạo hiện nay của các trường đại học và cao đẳng, đào tạo ồ ạt như vậy, nhưng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm chiếm số lượng khá nhiều, một phần có được việc nhưng lại trái với ngành được đào tạo”.

Nhiều sinh viên sau khi ra trường lại làm trái ngành nghề đã được đào tạo. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nhiều sinh viên sau khi ra trường lại làm trái ngành nghề đã được đào tạo. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Thất nghiệp là do lỗi ở chương trình phát triển đại học

Với các ngành đã gắn liền với truyền thống, sứ mạng của trường đại học nhưng hiện nay lại không tuyển được sinh viên, hoặc tuyển rất ít. Vậy thì nhân lực cho ngành này sau sẽ được lấy ở đâu?

Giáo sư Phạm Minh Hạc nói: “Việc đào tạo các ngành nghề cần phải theo kế hoạch của nhà nước, những ngành nào cần nhân lực thì phải có khuyến khích để tuyển được người học.

Nhưng thực tế, các nhà trường chưa quan tâm đến tình hình thừa thiếu nguồn nhân lực, mà chỉ tập trung vào việc làm sao có nhiều sinh viên, càng nhiều càng tốt vì đi cùng với lượng lớn sinh viên là học phí, đây là nguồn thu cho các trường.

Nguyện vọng của từng cá nhân người học cũng rất quan trọng, nhưng phải được xem xét cẩn thận dưới góc độ nhu cầu thực tế của đất nước, của xã hội, tránh dẫn tới tình trạng thừa thầy thiếu thợ, học một đằng nhưng ra lại làm nghề khác.

Mặc dù các trường hiện nay được tự chủ về tài chính, đây cũng là điều kiện để nhà trường tồn tại và phát triển, nhưng phải đặt trong hoàn cảnh thực tế hiện nay của từng vùng miền. Phát triển các trường đại học phải gắn liền với sự phát triển của đất nước, đây là một nguyên tắc không thể bỏ qua, không thể chạy theo lợi nhuận, theo nhu cầu trước mắt như hiện nay.

Vậy theo tôi, cần phải xem xét lại về việc các trường đại học đua nhau mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo, ra sức tuyển sinh, mời gọi người vào học, chạy theo kinh tế, chưa coi trọng chất lượng đào tạo”.

Chất lượng đào tạo thấp, sinh viên học xong ra trường không tìm được việc làm. Vậy trách nhiệm của các trường đại học như thế nào?

Về vấn đề này, Giáo sư Phạm Minh Hạc cho biết: "Sinh viên ra trường không có việc làm là do chương trình và cách đào tạo của nhà trường, trong đó có trách nhiệm không nhỏ của giảng viên. Thất nghiệp là do lỗi ở chương trình phát triển đại học không phù hợp.

Có những trường kỹ thuật mà chỉ có khoảng 10 kỹ sư. Nhiệm vụ của trường kỹ thuật là đào tạo kỹ sư, nhưng khi ra trường chỉ có gần 30% nhân lực có thể làm được kỹ sư, đó là do phương pháp, chương trình giảng dạy.

Nhà trường cũng như thầy giáo mang giá trị về trí tuệ, tâm hồn. Họ được đào tạo để làm nghề và làm sao phải hình thành và phát triển ở sinh viên những giá trị đó để đem phục vụ đời sống cho chính bản thân, gia đình họ và xã hội. Nhưng hiện nay tuyển sinh đang bị tư tưởng lợi nhuận hoá đè nặng dẫn tới sự lợi lệch lạc nặng nề trong đào tạo.

Và sở dĩ có hiện tượng này là bởi do hàng chục năm nay chúng ta đã ồ ạt đào tạo, thậm chí có không ít trường đại học bất chấp mọi biện pháp để tuyển sinh chỉ vì kinh tế. Nhưng quan trọng nhất là đang thiếu một cơ quan nghiên cứu điều tra tổng thể về nguồn nhân lực để có dữ liệu phục vụ công tác giáo dục và đào tạo".

Tài liệu tham khảo:

1. https://tuoitre.vn/cac-truong-dai-hoc-mo-562-nganh-moi-tu-dau-nam-2020-den-nay-20210830104645159.htm

2. https://baodautu.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2021-nhieu-truong-mo-them-nganh-moi-d139745.html

Tùng Dương