Hải Phòng là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước

24/07/2021 10:11
LÃ TIẾN-PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hải Phòng không chỉ là 1 cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.

Thống nhất quan điểm và hành động

Đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 và Kết luận 72 của Hải Phòng, Bộ Chính trị chỉ rõ: liên kết vùng trong phát triển kinh tế xã hội còn mờ nhạt.

Liên kết vùng, đặc biệt là trong tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh chưa được đẩy mạnh, hiệu quả chưa cao, còn biểu hiện cục bộ, địa phương.

Bởi thế, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (khóa 12) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 nêu rõ: xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế.

Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

Hải Phòng đang trên đà trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Hải Phòng đang trên đà trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Với quan điểm đó, ngay sau khi Nghị quyết 45 được ban hành, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã có các cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.

Nhiều chương trình hợp tác, kết nối được bàn bạc, thống nhất với quan điểm chung là Hải Phòng và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ cần tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển.

Lãnh đạo các địa phương đều thống nhất quan điểm: hợp tác, liên kết vùng là yêu cầu tất yếu, cần phải được thực thi hiệu quả và thông suốt, vì sự phát triển chung của mỗi địa phương, của cả vùng và cả nước và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể để thực hiện.

Nhanh chóng hiện thực hóa

Điều đáng ghi nhận là sự hợp tác, liên kết vùng giữa Hải Phòng và các địa phương đã nhanh chóng được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích, hiệu quả to lớn.

Theo đó, Hải Phòng đã dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cầu sông Hóa kết nối huyện Vĩnh Bảo với huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; cầu Dinh kết nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn, Hải Dương; cầu Quang Thanh nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà, Hải Dương…

Tại lễ khánh thành cầu Quang Thanh trong tháng 7- 2021, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nêu rõ:

Cùng với công trình cầu Dinh, cầu Quang Thanh là công trình tiêu biểu, có ý nghĩa cao đẹp thể hiện tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương với thành phố Hải Phòng.

Cầu Quang Thanh hoàn thành đã đáp ứng mong chờ nhiều năm của nhân dân tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng và hoàn thành hợp tác phát triển về giao thông giữa Ban Thường vụ hai tỉnh, thành phố Hải Dương - Hải Phòng.

Thành công của dự án cầu Quang Thanh và đường dẫn tạo điều kiện quan trọng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, phát huy hợp tác phát triển kinh tế xã hội, đoàn kết gắn bó giữa 2 địa phương.

Cầu Quang Thanh là công trình tiêu biểu, có ý nghĩa cao đẹp thể hiện tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng với tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Cầu Quang Thanh là công trình tiêu biểu, có ý nghĩa cao đẹp thể hiện tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng với tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Ông Nguyễn Xuân Ký- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, trong tư duy phát triển những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh luôn đề cao các chương trình liên kết, hợp tác với Hải Phòng và chủ động thực hiện những công trình, dự án “đón trước” quá trình hợp tác sau này, bảo đảm sự thông thương kết nối xuyên suốt.

Cụ thể, ngay sau khi hoàn tất cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai xây dựng tuyến cao tốc từ cầu Bạch Đằng tới thẳng Vân Đồn và đang tiếp tục thực hiện tuyến cao tốc Vân Đồn- Móng Cái, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Móng Cái từ 6 giờ hiện nay xuống chỉ còn 3 giờ.

Đồng thời đang tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện tuyến đường kết nối giữa 3 cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh tiếp giáp với Trung Quốc là Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô để tạo thuận lợi tối đa nhất cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ nhận container từ Hải Phòng tới các cửa khẩu;

Xây dựng Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên, để cùng với Khu Kinh tế ven biển Hải Phòng tạo thành những lợi thế so sánh nổi trội mà không địa phương nào trong vùng có được.

Quảng Ninh cũng đang đẩy nhanh quá trình xây dựng đề án phát triển Khu Kinh tế biên mậu, trong tương lai sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho doanh nghiệp hai bên.

Với quan điểm, kết nối hạ tầng giao thông có ý nghĩa quyết định nên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tiếp tục có những chỉ đạo cụ thể.

Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng; cầu Lại Xuân kết nối huyện Thủy Nguyên- Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, đã triển khai xây dựng, cải tạo quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan tới cầu Đá Bạc; tỉnh Quảng Ninh sẽ đảm nhận đoạn từ cầu Đá Bạc tới nút giao quốc lộ 18.

Các địa phương đang có sự phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đề xuất triển khai sớm tuyến đường sắt kết nối Yên Viên- Hạ Long với tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh- Hải Phòng- Thái Bình-Ninh Bình và tuyến Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng ra cảng Lạch Huyện.

Tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy nhanh xây dựng tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn tỉnh, kết nối với tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tạo sự thông thương, kết nối nhanh chóng và thuận tiện giữa các địa phương trong vùng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa…Lãnh đạo tỉnh

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, sau khi hoàn thành tuyến đường, từ Thái Bình tới Cảng hàng không quốc tế Cát Bi chỉ mất 25 phút, một cơ hội tuyệt vời để cả hai địa phương cùng phát triển.

Cùng với đó, tỉnh Thái Bình cũng triển khai khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp của Thái Bình nói riêng và các địa phương, trong đó có Hải Phòng nói chung.

Còn với tỉnh Hải Dương, trong giai đoạn tiếp theo sẽ xây dựng cầu Tú (kết nối huyện An Lão- huyện Thanh Hà); cầu Trường Thọ (kết nối An Lão- Kim Thành)…

Với quyết tâm này, về cơ bản, các vị trí kết nối giữa hai địa phương sẽ được thực hiện và hoàn thành trong vòng 2-5 năm tới, tạo đà thực hiện thắng lợi nghị quyết 45.

Lên kế hoạch để phát triển toàn diện các lĩnh vực

Không chỉ kết nối giao thông, Hải Phòng và các địa phương trong vùng cũng sớm bàn bạc và thống nhất các chương trình, kế hoạch cụ thể để hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cả phát triển kinh tế xã hội cũng như giữ vững quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng…

Cụ thể là hợp tác trong phát triển kinh tế biển; cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp; đào tạo và cung cấp nhân lực cho các Khu Kinh tế, Khu công nghiệp; kết nối phát triển du lịch; thu ngân sách, thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; phát triển khu công nghiệp tại các địa bàn giáp ranh (như khu công nghiệp Tràng Duệ với huyện Kim Thành, Hải Dương)…

Đặc biệt, để đưa Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long nhanh chóng trở thành trung tâm du lịch quốc tế, Hải Phòng và Quảng Ninh cũng đặt quyết tâm xúc tiến nhanh hơn nữa quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà;

Kết nối mạnh mẽ và hiệu quả hơn các tour, tuyến du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; triển khai chương trình liên kết du lịch Quảng Ninh- Hải Phòng- Hà Nội…

Có thể nói, với những động thái tích cực này, quan điểm chỉ đạo, nội dung về liên kết vùng của Nghị quyết 45 đã được Hải Phòng và các địa phương triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Với cách làm đó, chắc chắn những năm tới sẽ có nhiều chương trình hợp tác lớn hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương, trong đó Hải Phòng là trung tâm, là động lực, là đầu tàu.

LÃ TIẾN-PHẠM LINH