Hải quân Trung Quốc thử 1 loại tên lửa hành trình tấn công đối đất?

03/09/2012 16:29
Đông Bình (nguồn sina.com.cn)
(GDVN) - "Tên lửa hành trình này có tầm phóng đạt 4.000 km, áp dụng nhiều phương thức dẫn đường, có thể tập kích bí mật các mục tiêu đất liền của đối phương".
Thiết bị phóng tên lửa đạn đạo hành trình trên tàu thử nghiệm 891 của Trung Quốc (ảnh: báo Hoàn Cầu)
Thiết bị phóng tên lửa đạn đạo hành trình trên tàu thử nghiệm 891 của Trung Quốc (ảnh: báo Hoàn Cầu)

Căn cứ vào các hình ảnh trên mạng internet, tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản phỏng đoán, Hải quân Trung Quốc có thể đang thử nghiệm một loại tên lửa hành trình tấn công đối đất, tầm phóng của tên lửa này đạt 4.000 km, áp dụng nhiều phương thức dẫn đường như dẫn đường quán tính và dẫn đường vệ tinh.

Thiết bị phóng của tên lửa này tương tự thiết bị phóng của tên lửa YJ-62 và YJ-83 trang bị cho tàu khu trục 052C. Điều này có nghĩa là tàu chiến chỉ cần tiến hành điều chỉnh kết cấu rất nhỏ là có thể trang bị tên lửa hành trình tấn công đối đất.

Bài báo còn phỏng đoán, loại tên lửa mới này không chỉ dùng để trang bị cho tàu khu trục, Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu khai thác phiên bản phóng từ tàu ngầm để trang bị cho tàu ngầm.

Triển khai tên lửa hành trình đối đất trên tàu ngầm có thể làm cho Hải quân Trung Quốc có khả năng tiến hành tập kích bí mật đối với các mục tiêu trên đất liền của đối phương như hệ thống kiểm soát chỉ huy, trạm radar và sân bay.

Bài báo chỉ ra, quân Mỹ cho rằng, các căn cứ của họ tại Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với căn cứ Guam đều sẽ bị hỏa lực của máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đe dọa. Hiện nay, tên lửa hành trình tấn công đất liền phiên bản hải quân của Quân đội Trung Quốc lũ lượt ra đời, đã tạo ra sức ép lớn hơn đối với các căn cứ của quân Mỹ.

Tên lửa hành trình của Quân đội Trung Quốc được báo chí nước này "thêm dầu, thêm nhớt, khoe khoang rằng chúng có đặc điểm là tầm phóng xa, độ chính xác cao, sai số tấn công ở tầm phóng tối đa là 10 m. Hơn nữa, khi tiếp cận mục tiêu, nó có thể giảm độ cao, tránh bị hệ thống phòng không của đối phương dò tìm và bám theo.

Đối với quân Mỹ ở Đông Á, căn cứ Guam và căn cứ Okinawa đều là mắt khâu bố trí quan trọng. Trong khi đó, những căn cứ này có thể trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa hành trình tấn công đối đất của Quân đội Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C của Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C của Pháo binh 2 Trung Quốc

Lực lượng truyền thống của Quân đội Trung Quốc dùng để đe dọa căn cứ quân Mỹ tại Đông Á là tên lửa đạn đạo của Pháo binh 2, đây cũng là một nguyên nhân quan trọng Mỹ hết sức tập trung xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa ở khu vực Đông Á.

Nhưng, hỏa lực “chống can thiệp” của Quân đội Trung Quốc có xu thế đa dạng hóa, máy bay chiến đấu tầm xa hạng nặng, tên lửa hành trình tấn công đối đất trên biển, cộng với tên lửa đạn đạo đã tạo nên mạng lưới hỏa lực hạng nặng trên mặt đất-trên biển-trên không.

Trên thực tế, quân Mỹ đã bắt đầu phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình, muốn kiềm chế tên lửa hành trình tấn công đối đất của Quân đội Trung Quốc.

Bài báo cho rằng, về lý luận, tên lửa đánh chặn phòng thủ tên lửa Patriot có tốc độ bay tối đa hơn 5.000 m/s hoàn toàn có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, chỉ cần trang bị hệ thống hỗ trợ thích hợp, nó có thể phòng bị tên lửa hành trình.

Hãng Lockheed Martin tiến hành tích hợp giữa “thiết bị cảm biết tăng cường phòng thủ tên lửa hành trình tấn công đất liền liên hợp” và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, đã đánh chặn và phá hủy một quả tên lửa hành trình.

Cuộc thử nghiệm lần này chứng minh, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot không chỉ có thể đề phòng tên lửa đạn đạo của đối phương, mà còn có khả năng dò tìm, theo dõi và tiêu diệt tên lửa hành trình. Vì vậy, quân Mỹ muốn kết nối hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa SM-3 và thiết bị cảm biến mạng với nhau, xây dựng hệ thống đánh chặn tổng hợp, từ đó đồng thời đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của đối phương.

Tuy nhiên, những thông tin gần đây cho biết, do nguyên nhân công nghệ, việc nghiên cứu và thử nghiệm này của quân Mỹ tạm thời dừng lại. Điều này có nghĩa là hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình của họ khó được xây dựng xong trong thời gian ngắn.

Bài viết cho rằng, trong cuộc chơi “can thiệp và chống can thiệp” ở vùng biển Đông Á, Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong. Họ có thể sử dụng 3 loại hỏa lực mạnh trên bộ-trên biển-trên không để tiến hành tấn công liên hợp đối với các căn cứ của quân Mỹ, trong khi đó quân Mỹ còn chưa có biện pháp ứng phó rất tốt.

Tên lửa hành trình CJ-10 của Trung Quốc.
Tên lửa hành trình CJ-10 của Trung Quốc.
Tên lửa hành trình Tomahawk trang bị trên tàu chiến của Mỹ.
Tên lửa hành trình Tomahawk trang bị trên tàu chiến của Mỹ.
Tên lửa chống hạm YJ-62 của Trung Quốc.
Tên lửa chống hạm YJ-62 của Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công kiểu mới của Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công kiểu mới của Trung Quốc.
Đông Bình (nguồn sina.com.cn)