Học giả TQ: "Giàn khoan sẽ quay lại, Việt Nam phải quen với điều này"?

17/07/2014 10:19
Hồng Thủy
(GDVN) - Những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang xây dựng (bất hợp pháp ở Trường Sa?) sẽ là cơ sở hậu cần cho các hoạt động thăm dò tương tự nhiều hơn nữa.
Khang Lâm, Viện Nghiên cứu Biển Đông, Trung Quốc.
Khang Lâm, Viện Nghiên cứu Biển Đông, Trung Quốc.

Bưu điện Hoa Nam ngày 17/7 dẫn lời Khang Lâm, một học giả từ Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra cho biết giàn khoan 981 đã tìm thấy nguồn năng lượng dự trữ khá tốt và có giá trị khổng lồ (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV).

"Trong ngắn hạn, Trung Quốc không có khả năng thăm dò quy mô lớn trong khu vực. Chúng tôi vẫn cần phải thu thập dữ liệu và tiến hành đánh giá rủi ro trước khi hạ đặt một giàn khoan. Nhưng cuối cùng chúng tôi sẽ quay trở lại. Việt Nam có thể phải cố gắng làm quen với điều này", Khang Lâm thách thức.

Những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang xây dựng (bất hợp pháp ở Trường Sa?) sẽ là cơ sở hậu cần cho các hoạt động thăm dò tương tự nhiều hơn nữa, Khang Lâm cho biết.

Lý Minh Giang, một giáo sư tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho biết, thông báo của phía Trung Quốc thu hồi giàn khoan 981 về Hải Nam có thể giúp xoa dịu những căng thẳng trong ngắn hạn do tâm lý chống (các hoạt động bành trướng lãnh thổ, xâm phạm vùng biển Việt Nam từ phía) Trung Quốc có thể giảm.

"Duy trì một đội tàu hộ tống là nguy hiểm và tốn kém. Căng thẳng hiện tại sẽ không giảm nếu các tàu Trung Quốc vẫn còn ở đó (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam - PV)", ông Giang cho biết.

Bắc Kinh thông báo rút giàn khoan 981 sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuần trước Thượng viện Mỹ cũng thông qua một nghị quyết kêu gọi đóng băng các hoạt động thay đổi hiện trạng trong "vùng biển tranh chấp" ở Biển Đông.

Tuy nhiên ông Lý Minh Giang cho rằng không có dấu hiệu nào về mối liên hệ giữa việc dịch chuyển giàn khoan 981 với nghị quyết của Thượng viện Mỹ.

Hồng Thủy