Học sinh xã đặc biệt khó khăn bị bớt xén hàng trăm triệu đồng tiền bán trú

31/08/2018 09:12
XUÂN THIÊN
(GDVN) - Thực tế tình trạng thu chi vô nguyên tắc xảy ra tại trường trung học cơ sở Thành Mỹ (Thạch Thành, Thanh Hóa) minh chứng một điều, lạm thu không trừ bất cứ đâu.

LTS: Tình trạng lạm thu tại nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước không còn là điều mới mẻ và nay lan ra cả vùng sâu, vùng xa.

Chuyện dưới đây xảy ra tại trường trung học cơ sở Thành Mỹ (Thạch Thành, Thanh Hóa) minh chứng cho một điều rằng, lạm thu không trừ bất cứ nơi đâu.

Thu vô tội vạ

Nguồn tin của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (đề nghị giấu tên) cho biết, tình trạng lạm thu tại trường trung học cơ sở Thành Mỹ đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây, gây áp lực đến kinh tế cho nhiều phụ huynh học sinh. Tình trạng mất dân chủ trong việc đưa ra các khoản thu trong trường khiến nhiều phụ huynh hết sức bức xúc.

Trường trung học cơ sở Thành Mỹ. Ảnh của Xuân Thiên/giaoduc.net.vn.
Trường trung học cơ sở Thành Mỹ. Ảnh của Xuân Thiên/giaoduc.net.vn.

Các tài liệu phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thu thập được cho thấy những phản ánh nêu trên là có cơ sở. Cụ thể:

Theo đó, từ năm học 2013-2014 đến năm học 2016-2017, trường trung học cơ sở Thành Mỹ đã “xin” lại khoảng 25% tiền bán trú của những học sinh được hưởng trợ cấp của nhà nước theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP.

Khoản tiền này do nhà trường đưa ra chủ trương thu, mà theo lý giải của ông Đinh Văn Cẩm, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Thành Mỹ: "Khoản thu này để phục vụ xây dựng cơ sở vật chất trong trường".

Cũng theo tài liệu có được, từ năm 2013 đến nay, nhà trường đã thu theo kiểu cắt, xén của học sinh thuộc diện hưởng trợ cấp tới hơn 270 triệu đồng.

Một số phụ huynh (đề nghị giấu tên) phàn nàn: “Nhà trường họp phụ huynh và nói "xin" 25% để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, nhưng thực ra tôi không biết họ đã làm việc gì với số tiền trên.

Ví dụ, phụ huynh học sinh khi nhận được 5 triệu đồng tiền trợ cấp của nhà nước cho học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP thì nhà trường khấu trừ khoảng 25%. Như vậy chúng tôi thực nhận chỉ hơn 3 triệu đồng thay vì nhận đủ 5 triệu”.

Đến năm học 2017-2018, nhà trường tiếp tục "xin" mỗi học sinh được hưởng trợ cấp của nhà nước theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP số tiền 1 triệu đồng/học sinh.

Tuy nhiên, sự việc trên vỡ lở, lãnh đạo nhà trường cùng hội phụ huynh học sinh đã trả lại số tiền nói trên cho học sinh.

Học sinh xã đặc biệt khó khăn bị bớt xén hàng trăm triệu đồng tiền bán trú ảnh 2

Lẽ nào chúng ta bất lực với lạm thu?

Điều này là cơ sở để khẳng định, việc thực hiện cái gọi là “xã hội hóa giáo dục” xây dựng cơ sở vật chất, mà thực tế đó là hành vi cắt xén tiền của học sinh thuộc diện hưởng chế độ học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP để phục vụ cho mục đích khác là trái với quy định.

Điều đáng nói là, ngoài khoản thu từ việc trích lại khoảng 25% của học sinh được hưởng trợ cấp của nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thì trong nhiều năm liền (từ năm 2013 đến năm 2018) cơ sở giáo dục này tiếp tục thu thêm hơn 450 triệu đồng tiền để phục vụ xây dựng cơ sở vật chất.  

Điều bất thường là trong số các khoản thu, chi cho xây dựng cơ sở vật chất, có một số khoản có sự tương đồng về bản chất nội dung thu chi từ năm này qua năm khác. Theo phản ánh, các khoản thu cũng không có phiếu thu theo nguyên tắc tài chính. 

Riêng năm học 2017-2018 nhà trường tiếp tục thu tiền xây dựng của học sinh, số tiền 350 nghìn đồng/học sinh. Điều này là trái với nguyên tắc xã hội hóa trong giáo dục (thực hiện vận động xã hội hóa giáo dục phải thực trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, công khai minh bạch, đúng mục đích, không ép buộc, không cào bằng, không định mức đóng góp).

Mặt khác, theo công văn số 531/PGD&ĐT-KHTC ngày 20/12/2017, về việc hoàn trả kinh phí huy động xã hội hóa cơ sở vật chất năm học 2017-2018, thì khoản xã hội hóa này được nhà nước cấp bổ sung thì cơ sở phải trả lại cho cha mẹ học sinh, nhưng nhà trường không thực hiện theo quy định. Tổng số tiền đã thu, chi cho xây dựng cơ sở vật chất năm học 2017-2018 là hơn 59,5 triệu đồng.

Tiếp đó, trong năm học 2017-2018 nhà trường đã huy động đóng góp quỹ đội (15 nghìn đồng), chữ thập đỏ (15 nghìn đồng), kế hoạch nhỏ (6 nghìn đồng), nhưng số tiền thực thu là 120 nghìn đồng (thu thêm 84 nghìn đồng không đúng quy định).

Với 230 học sinh tham gia đóng góp khoản tiền nói trên, số tiền thu không đúng quy định lên tới gần 20 triệu đồng.

Theo giải trình của ông Đinh Văn Cẩm, Hiệu trưởng nhà trường, số tiền thu thêm không đúng quy định 84 nghìn đồng nói trên là để mua sắm trống đội và tăng âm loa đài phục vụ hoạt động của nhà trường. 

Lý giải này được cho là không đúng với các văn bản hướng dẫn của địa phương vì khoản thu (thêm) chưa có trong dự toán huy động xã hội hóa đầu năm học và cũng chưa được thẩm định của Phòng Giáo dục và Đào tạo để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt cho đơn vị huy động xã hội hóa.

Ngoài ra, trong năm học 2017-2018, nhà trường tiến hành thu tiền đồng phục của học sinh số tiền 260 nghìn đồng/học sinh. Điều này được cho là trái quy định theo công văn về việc hướng dẫn các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học năm 2017-2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.

Chỉ đạo này nói rõ:Tuyệt đối không được thu tiền đóng góp của phụ huynh học sinh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách đã nhà nước đã bố trí theo quy định. Không được thu tiền tổ chức may đồng phục và tiền sách vở đồ dùng, học tập của học sinh...).

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm

Được biết, trường trung học cơ sở Thành Mỹ nằm tại xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Thành. Hơn 90% học sinh theo học tại cơ sở giáo dục này là con em dân tộc Mường. Trong số này không ít học sinh thuộc diện hộ nghèo, đang hưởng trợ cấp của nhà nước.

Sự việc trên gây bức xúc cho nhiều phụ huynh có con theo học tại trường. Có phụ huynh nói rằng, họ phải “nhắm mắt” để nộp những khoản tiền được cho là vô lý nêu trên vì sợ con em mình bị làm khó.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 29/8, ông Đinh Văn Cẩm, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Thành Mỹ thừa nhận thiếu sót trong việc thực hiện nhiều khoản thu tại trường trong những năm học vừa qua.

Ông Cẩm cho biết, những khoản thu trên đã được bàn bạc với phụ huynh. Tuy nhiên, vị này không đưa ra được một bằng chứng để khẳng định những khoản thu được cho là không đúng quy định đã được phụ huynh học sinh thống nhất, đồng thời đẩy trách nhiệm về phía Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành. Ảnh của Xuân Thiên/giaoduc.net.vn.
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành. Ảnh của Xuân Thiên/giaoduc.net.vn.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dĩnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành cho biết, nhiều nội dung phản ánh trong đơn của công dân về tình trạng lạm thu tại trường trung học cơ sở Thành Mỹ trong thời gian vừa qua là có cơ sở.

“Việc kiểm tra các khoản tại trường trung học cơ sở Thành Mỹ là nhiệm vụ của Thanh tra huyện. Tuy nhiên, khi nắm bắt được thông tin nói trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với nhà trường và kiểm tra sơ bộ các khoản thu theo phản ánh của công dân.

Theo đó, nhiều khoản thu tại trường trung học cơ sở Thành Mỹ chưa được thực hiện một cách khoa học và tuân thủ đúng quy định.

Các khoản thu chưa được thông báo rộng rãi tới phụ huynh dẫn tới việc khi phụ huynh thắc mắc với giáo viên và Hiệu trưởng nhà trường thì nhận được câu trả lời không rõ ràng, thỏa đáng. Điều này dẫn đến nhiều ý kiến băn khoăn về các khoản thu do nhà trường đưa ra”, ông Dĩnh cho biết.

Ông Dĩnh cũng nhận trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý khi để xảy ra các vi phạm liên quan tới các khoản thu tại trường trung học cơ sở Thành Mỹ.

“Tôi không thoái thác trách nhiệm. Trong việc này tôi xin nhận trách nhiệm với tư cách trưởng phòng khi để xảy ra vi phạm nêu trên tại trường trung học cơ sở Thành Mỹ. Còn về phía nhà trường, sai đến đâu xử lý đến đó sau khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra kết luận chính thức”, ông Dĩnh cho biết.

XUÂN THIÊN