"Hồng Kông có thể tái diễn thảm kịch Ukraine, Thái Lan"

03/07/2014 15:42
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tôi lo ngại cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh với người Hồng Kông có thể leo thang đến xung đột đẫm máu", Lau Siu-kai bình luận.
Cảnh sát Hồng Kông đang ngăn chặn người biểu tình đòi dân chủ và tự quyết.
Cảnh sát Hồng Kông đang ngăn chặn người biểu tình đòi dân chủ và tự quyết.

Bưu điện Hoa Nam ngày 3/7 đưa tin, Thời báo Hoàn Cầu, một phiên bản của Nhân Dân nhật báo trung Quốc hôm nay đã đăng bài xã luận cảnh báo, Hồng Kông có nguy cơ trở thành một Ukraine hay Thái Lan thứ 2.

Xã luận của Thời báo Hoàn Cầu nhằm vào các cuộc biểu tình đấu tranh đòi dân chủ và tự quyết ở Hồng Kông sáng Thứ Tư, động thái được xem như tập dượt cho cuộc biểu tình quy mô lớn. Hoàn Cầu lên án hàng ngàn người biểu tình qua đêm trên đường Chater và nói rằng họ là mối đe dọa với các quy định pháp luật của Hồng Kông.

"Nếu không có luật pháp, Hồng Kông có thể chìm vào thảm kịch như Ukraine hoặc Thái Lan và tất cả các hiện tượng nguy hiểm có thể xảy ra. Các tổ chức đối lập cấp tiến đã thừa nhận hành động của họ là bất hợp pháp, nhưng họ vẫn làm tới", tờ báo Trung Quốc đại lục nói.

Trong khi đó những người biểu tình Hồng Kông cáo buộc cảnh sát đã sử dụng vũ lực quá mức cần thiết, còn cảnh sát thừa nhận họ đã dùng khuỷu tay và đầu gối để vô hiệu hóa người biểu tình.

Khoảng 510 ngàn người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình đòi dân chủ thực sự và bày tỏ tức giận của họ đối với sách trắng của Bắc Kinh về chính sách với Hồng Kông.

Một người biểu tình Hồng Kông bị cảnh sát bắt giữ.
Một người biểu tình Hồng Kông bị cảnh sát bắt giữ.

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, cuộc biểu tình này là hoạt động tập dượt cho một cơn biến động chính trị, chiếm quyền kiểm soát các trụ sở công quyền và nếu không lập lại trật tự bằng luật pháp, Hồng Kông có thể trở thành một Ukraine, Thái Lan thứ 2.

Trong một động thái có liên quan, các nghị sĩ Hồng Kông thuộc phe dân chủ và phe thân Bắc Kinh đã lao vào ẩu đả lẫn nhau trong một phiên điều trần hôm 3/7. Ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông đã bị một nghị sĩ phe dân chủ ném thẳng ly rượu vào mặt, nhưng rất may không trúng.

Theo Bưu điện Hoa Nam, hiện Bắc Kinh khó có thể nhượng bộ về cải cách chính trị bất chấp yêu cầu từ hàng trăm ngàn người biểu tình đấu tranh đòi thực hiện bầu cử phổ thông đầu phiếu để lựa chọn ra Trưởng đặc khu hành chính mới từ năm 2017.

Các tổ chức tài chính cũng kêu gọi Hồng Kông chống lại bất ổn kinh tế khi phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn có thể xảy ra và cảnh báo thậm chí hoạt động biểu tình đòi dân chủ có thể dẫn tới các cuộc xung đột đẫm máu nếu cuộc đối đầu giữa người Hồng Kông đòi dân chủ với Bắc Kinh trở nên tồi tệ.

Lau Siu-kai, giáo sư Phó Chủ tịch hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc ở Hồng Kông cho rằng, hiện tại rất khó để chính quyền trung ương (Bắc Kinh) thay đổi lập trường của họ trước áp lực của người biểu tình Hồng Kông. "Tôi lo ngại cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh với người Hồng Kông có thể leo thang đến xung đột đẫm máu", Lau Siu-kai bình luận.

Hồng Thủy