Iran: Israel muốn đánh, Mỹ muốn hòa

03/09/2012 09:05
Anh Vũ (Nguồn Xinhua)
(GDVN) - Mỹ từng tin Israel sẽ tấn công Iran vào mùa xuân trước nhưng điều đó đã không xảy ra. Washington đã học được cách sống với những mối đe dọa của Israel được mô tả như "việc giả khóc kêu cứu".
Trong vài tuần qua, căng thẳng giữa Mỹ và Israel về cách đối phó như thế nào và khi nào đối với chương trình hạt nhân của Iran vẫn tiếp diễn và đã trở nên rất công khai, rõ ràng.

Cơ sở hạt nhân Iran.
Cơ sở hạt nhân Iran.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều đồng ý rằng Iran không thể được phép sản xuất vũ khí hạt nhân, tuy nhiên vẫn chưa có điểm kết trong các đồng thuận.

Mỹ hành động

Gần đây, Mỹ đã sử dụng cả các tuyên bố công khai và hành động để Israel xem lại ý định tấn công Iran của mình.
Một trong những người lớn tiếng nhất phản đối hành động quân sự của Israel là Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Phát biểu hồi tuần trước, tướng Martin Dempsey nói rằng ông sẽ không "đồng lõa" nếu Israel quyết định tấn công cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran.
Tuyên bố được đưa ra chỉ hai tuần sau khi Dempsey nói rằng một cuộc tấn công của Israel có thể trì hoãn nhưng sẽ không hủy diệt hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran.
Mỹ cũng đã thực hiện hành động cụ thể để làm sáng tỏ quan điểm của mình. Tạp chí Times công bố cuối tuần qua Mỹ đã cắt giảm số binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung vào vào tháng tới  từ 5000 xuống 1500 binh sĩ.
Lầu Năm Góc cũng cho biết sẽ giảm bớt số lượng các hệ thống đánh chặn tên lửa được sử dụng trong cuộc tập trận. Hơn nữa, chỉ có một tàu chiến phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis được triển khai thay vì hai tàu chiến.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Martin Dempsey tuyên bố sẽ không "đồng lõa" nếu Israel tấn công Iran.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Martin Dempsey tuyên bố sẽ không "đồng lõa" nếu Israel tấn công Iran.

"Mỹ không muốn Israel thực hiện một cuộc tấn công phòng ngừa chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran và mỗi tuần chúng ta đều nghe thấy một tuyên bố công khai được đưa ra để ngăn chặn Israel làm như vậy" - Giáo sư Eytan Gilboa của Đại học Bar-Ilan ở Tel Aviv cho hay.
"Ngoài ra còn có một sự ngờ vực giữa hai nhà lãnh đạo. Netanyahu không tin rằng ông Obama đủ cứng rắn trong việc ngăn chặn Iran. Còn Tổng thống Mỹ nghi ngờ Netanyahu sẽ cho phép một cuộc tấn công phủ đầu" - ông nói thêm.
Thời hạn khác biệt
Ngày 2/9, Netanyahu một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế chặn đứng chương trình hạt nhân của Iran.
Trong cuộc họp Nội các hàng tuần, Netanyahu nói: "Cộng đồng quốc tế đã không áp đặt một ranh giới đỏ cho Iran và Iran sẽ không dừng lại vì chưa nhìn thấy quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này."
Tuy nhiên, ông Netanyahu hồi đầu năm nay đã thành công trong việc thuyết phục Liên minh châu Âu và Mỹ áp đặt các biện pháp xử phạt kinh tế mạnh mẽ hơn lên Iran. Nhưng trong khi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn được áp đặt, Netanyahu lại cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt về dầu, thương mại và ngân hàng không ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích cộng đồng quốc tế đã không tạo ra "ranh giới đỏ" đối với Iran.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích cộng đồng quốc tế đã không tạo ra "ranh giới đỏ" đối với Iran.

Trong khi đó, sự nghi ngờ của Mỹ về kế hoạch của Israel đã được xác nhận bởi cựu đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk, khi ông nói với kênh phát thanh quân đội Israel hai tuần trước rằng chính quyền Obama đã tin Israel tấn công Iran vào mùa xuân trước nhưng điều đó đã không xảy ra.
Sau đó, Mỹ đã học được cách sống với những mối đe dọa của Israel mà Indyk mô tả như là một "trường hợp điển hình của việc giả khóc kêu cứu".
Ngoài các tuyên bố công khai của các quan chức Mỹ phản đối một cuộc tấn công của Israel, một số cựu quan chức quân sự, an ninh của Israel như Meir Dagan - cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Israel MOSSAD và cựu Tham mưu trưởng Bộ binh Israel Gabi Ashkenazi.
Dagan và Ashkenazi đã quyết định lên tiếng phản đối chính phủ về vấn đề quan trọng và nhạy cảm chưa từng có của Tel Aviv và tuyên bố của họ cùng với những người khác đã ảnh hưởng đến ý kiến ​​của công chúng Israel về vấn đề này.
Giáo sư Gilboa nói rằng các lãnh đạo Israel đang chịu sức ép lớn bởi không có đủ sự ủng hộ nội bộ và bên ngoài cho cuộc tấn công của Israel. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng rất khó để nói điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc ra quyết định của ông Netanyahu.

Cựu Đại sứ Israel tại Mỹ Zalman Shoval.
Cựu Đại sứ Israel tại Mỹ Zalman Shoval.

Lợi ích lớn
Zalman Shoval, người từng là Đại sứ Israel tại Mỹ cho biết sự gay gắt và công khai hơn của các quan chức Mỹ là không quan trọng, bởi các nước đưa ra quyết định dựa trên các lợi ích của mình.

Shoval với những kinh nghiệm làm việc với chính phủ Mỹ cho biết: "Chính quyền Obama ngay bây giờ không có lợi ích trong việc gây thêm căng thẳng quốc tế với Iran và Trung Đông nói chung".
"Trước hết, bởi vì chiến dịch bầu cử Tổng thống và thứ hai, chính quyền Obama về nguyên tắc sẽ cố gắng không dính líu vào một cuộc khủng hoảng ở Trung Đông" - Zalman Shoval nói.
Anh Vũ (Nguồn Xinhua)