Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam:

'Không cần đợi đóng tàu mới, sớm đưa Cục Kiểm ngư vào hoạt động'

29/03/2013 09:28
Quang Tuệ
(GDVN) - TS. Nguyễn Việt Thắng nói: “Sau khi chúng ta phản đối rất nhiều qua con đường ngoại giao mà Trung Quốc vẫn cố tình vi phạm chủ quyền, có những hành động vô nhân đạo như vừa qua thì chúng ta phải sử dụng biện pháp pháp lý trong đó có việc nhờ Toà án quốc tế. Đó cũng là một hướng hợp lý”.

Cần nhanh chóng đưa Cục Kiểm ngư vào hoạt động

Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam về những hành động vừa qua của Trung Quốc đối với các tàu cá Việt Nam, TS. Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nói: “Về góc độ cá nhân, tôi thấy hành động bắn cháy cabin tàu cá vừa qua là rất dã man, vô nhân đạo, thể hiện sự coi thường luật pháp. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không bao giờ được phép đưa lực lượng được vũ trang bắn vào dân thường của nước khác đang làm ăn một cách hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của người ta như thế”.

Còn dưới góc độ tổ chức, Hội Nghề cá Việt Nam đã khẳng định rằng: Chuỗi hành động kéo dài, có hệ thống của phía Trung Quốc từ những việc gây khó khăn, cản trở sản xuất, uy hiếp và đến nay đã dùng vũ lực đe doạ tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam nhằm thực hiện ý đồ lớn hơn là xâm lược chủ quyền biển đảo nước ta".

TS. Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (Ảnh: TTO)
TS. Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (Ảnh: TTO)

Khi được hỏi về vai trò của Cục Kiểm ngư trong những vụ việc vừa qua trên Biển Đông liên quan đến ngư dân Việt Nam, ông Thắng cho hay: “Vừa qua, chúng ta quyết tâm thành lập Cục Kiểm ngư. Hội Nghề cá Việt Nam đã có kiến nghị với Chính phủ, kiến nghị Bộ Nông nghiệp cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật  khác như Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển tăng cường hỗ trợ bà con ngư dân khai thác trên Biển.

Chúng ta cũng phải nhanh chóng đưa Cục Kiểm ngư vào hoạt động, tăng cường trang thiết bị, nâng cấp tính năng hoạt động mạnh hơn nữa cho từng vùng biển trong bờ cũng như các vùng đặc quyền kinh tế. Chúng tôi kiến nghị rằng không phải đợi chờ đóng tàu mới mà nhanh chóng chuyển hoá một số tàu qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm ngư, hỗ trợ bà con ngư dân trên biển”.

Về các biện pháp để bảo vệ tàu cá Việt Nam trên Biển Đông, TS. Nguyễn Việt Thắng cho biết Hội Nghề cá cũng đã có kiến nghị về việc này. “Theo đó chúng ta phải tổ chức lại toàn bộ việc đánh bắt của chúng ta, tăng cường hơn nữa tổ chức đoàn đội đánh cá trên biển nhằm hỗ trợ lẫn nhau phòng chống thiên tai, giúp đỡ nhau trong việc khai thác cá sao cho có hiệu quả và đặc biệt là hỗ trợ nhau trước sự xâm lấn, quấy rối của tàu nước ngoài như chúng ta đã từng thấy.

Chưa bao giờ thấy một nước gọi là bạn bè với nhau mà xử sự như thế, coi thường luật pháp quốc tế đến thế. Tôi cho rằng các cơ quan hữu quan cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự hiện diện của mình trên biển chứ không chỉ có việc phản đối và đưa công hàm không như hiện nay. Đó là sự động viên cổ vũ tinh thần cho bà con ngư dân yên tâm sản xuất, khai thác. Và khi hiện diện rồi thì phải xua đuổi những tàu cá khai thác trái phép và khi đã vi phạm chủ quyền của chúng ta thì phải bắt giữ theo luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Cho đến thời điểm này, sau những hành động vừa qua của Trung Quốc thì việc những đoàn tàu đánh cá của chúng ta có được sự hỗ trợ, bảo vệ từ các tàu chức năng sẽ làm ngư dân yên tâm hơn rất nhiều’, TS. Nguyễn Việt Thắng nói.

Trước ý kiến đề xuất Việt Nam thành lập lực lượng giám sát biển, ông Thắng cho rằng nếu chúng ta tổ chức tốt các lực lượng bảo vệ pháp luật mà chúng ta đang có như Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát Biển, lực lượng Kiểm ngư thì cũng đủ rồi vì các lực lượng này đã đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ pháp luật, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam trên Biển.

Tàu cá Việt Nam bị TQ bắn cháy cabin
Tàu cá Việt Nam bị TQ bắn cháy cabin


Có thể Trung Quốc làm rất mạnh mẽ việc tổ chức thêm các lực lượng trên biển nhưng chúng ta làm theo cách của mình, dựa vào điều kiện kinh tế của mình chúng ta khai thác hết khả năng, hiệu quả của các lực lượng mà chúng ta đã có thì có lẽ đã là một mục tiêu rất tốt.

Sử dụng biện pháp pháp lý là một hướng hợp lý

Ngoài các biện pháp trên để tình trạng tàu cá Việt Nam bị cản trở, bị xua đuổi và bị bắn cháy như vùa qua, ông Thắng cho rằng chúng ta đã có một số hành động thể hiện sự phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của ta. Chúng ta cũng đã đưa công hàm tới đại sứ quán Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng cho rằng, chỉ những hành động đó thì chưa đủ mà trong công tác ngoại giao, chúng ta còn nhiều biện pháp khác mạnh mẽ hơn để tăng tính quyết liệt của chúng ta nhằm hạn chế các hoạt động ngày càng ngông cuồng hơn của các lực lượng gọi là “chấp pháp” trên biển của Trung Quốc.

“Theo tôi việc gì cũng phải tuân theo luật pháp quốc tế và chúng ta cũng nói rằng mọi việc trên biển không dùng quân sự mà nên được xử lý bằng con đường ngoại giao và luật pháp quốc tế. Vì thế, sau khi chúng ta phản đối rất nhiều qua con đường ngoại giao mà Trung Quốc vẫn cố tình vi phạm chủ quyền, có những hành động vô nhân đạo như vừa qua thì chúng ta phải sử dụng biện pháp pháp lý trong đó có việc nhờ Toà án quốc tế. Đó cũng là một hướng hợp lý”, TS. Nguyễn Việt Thắng nói.

Theo TS. Thắng, để có thể giữ vững chủ quyền của chúng ta trên biển khi sử dụng biện pháp pháp lý thì chúng ta phải chuẩn bị trên nhiều phương diện. Trước hết phải là sự đồng loàng, đoàn kết với nhau. Thứ hai là phải sử dụng các biện pháp tổng hợp về dân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao kết hợp với các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ cho sự chính nghĩa của chúng ta. Chúng ta cũng cần tăng cường hơn việc thông tin tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông để cho mọi người cả trong nước và quốc tế hiểu được rằng chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý chứng minh chủ quyền của chúng ta tại vùng biển này.
Quang Tuệ